Mở cửa kinh tế TP.HCM khi hết giãn cách: Những bước đi thận trọng

04/09/2021 15:04 GMT+7

Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các quận, huyện 'vùng xanh' ở TP.HCM đang lên kế hoạch từng bước mở cửa kinh tế TP.HCM.

Giữa tháng 8.2021, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch đề ra mục tiêu kiểm soát dịch ở 7 quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, 5, 7 và 11 trước ngày 31.8. Đến nay, ngoài Q.7 và H.Củ Chi đã sơ kết và công bố kiểm soát được dịch Covid-19, TP.HCM sẽ lập tổ thẩm tra xuống 5 quận, huyện còn lại để đánh giá theo các tiêu chí của Bộ Y tế về số ca mắc mới, vùng xanh, vùng đỏ… trước khi công bố đạt hay chưa. Các tiêu chí này rất quan trọng, vì sẽ giải quyết bài toán: Có mở cửa kinh tế TP.HCM nói chung, các quận, huyện nói riêng trở lại hay không và nên được tiến hành thế nào.
Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết việc các quận, huyện kiểm soát được dịch không có nghĩa là được thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch mà phải chờ đánh giá chung của các quận, huyện còn lại để thành phố đưa ra các giải pháp tiếp theo. Cũng cần nhắc lại bối cảnh rằng, TP.HCM đặt mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 15.9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Bản tin Covid-19 ngày 4.9: Cả nước 9.521 ca nhiễm mới | Thận trọng với bài toán “mở cửa” ở TP.HCM

Xét nghiệm lần 4 để truy tìm F0

Ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận nói, sau hơn nửa tháng tập trung nhiều giải pháp, các chỉ số như: tỷ lệ tiêm vắc xin trên địa bàn đã bao phủ toàn quận, tỷ lệ tử vong cũng kéo giảm. Tuy nhiên, hiện quận vẫn đang tiếp tục tầm soát trên diện rộng nên số ca chưa thể giảm sâu theo tiêu chí của Bộ Y tế.
“Quận đang tập trung rà soát “vùng đỏ”, “vùng cam” đến lần thứ 4 để cố gắng bóc tách càng nhiều F0 càng tốt. Mục tiêu là biết chỗ nào có người bệnh để cấp thuốc xuống chăm sóc kịp thời; nếu không đủ điều kiện chăm sóc tại nhà thì chuyển vào khu cách ly thu dung, điều trị”, ông Tùng cho biết. Do đa số người mắc Covid-19 không có triệu chứng nên việc phát hiện sớm sẽ kéo giảm được tỷ lệ tử vong.

Số điểm dịch tễ và khu vực phong tỏa của Q.Phú Nhuận thấp hơn nhiều so với các quận lân cận

Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM

Sự cẩn trọng của Q.Phú Nhuận là điều dễ hiểu bởi trong ngày 3.9, thành phố ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục với 8.499 ca mới - tăng đột biến so với mức bình quân 4.000 - 5.000 ca những ngày trước đó.
Chủ tịch Q.Phú Nhuận đánh giá, theo kế hoạch của thành phố thì đến ngày 6.9 mới hoàn thành tầm soát lần 2, và cần thêm 1 tuần nữa để đánh giá đầy đủ, xác định địa phương kiểm soát dịch bệnh ở mức độ nào.
Tương tự, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Dương Thế Trung cũng nói rằng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn khá phức tạp. Huyện không tổ chức sơ kết nhưng sẽ có báo cáo cụ thể về công tác triển khai từ ngày 15.8 đến nay để tổ công tác của thành phố thẩm tra, đánh giá.
Theo ông Trung, nếu chiếu theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế thì H.Nhà Bè chưa đạt. Toàn huyện mới chỉ có xã Long Thới cơ bản là xã “vùng xanh”, 2 xã Hiệp Phước và Phước Lộc đang được tập trung xét nghiệm để bóc tách F0;  các xã và thị trấn còn lại vẫn còn “vùng đỏ” đan xen “vùng xanh”.
“Huyện sẽ tiếp tục xét nghiệm “rà đi, rà lại” với mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh vào ngày 15.9 theo tiến độ chung của thành phố”, ông Trung nói.

Cảnh báo tai nạn giao thông do vượt đèn đỏ ở TP.HCM trong dịch Covid-19

Địa phương thận trọng

Cũng nằm trong số 7 địa bàn được thành phố đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh vào ngày 31.8, Chủ tịch UBND Q.5 Trương Minh Kiều thông tin, vẫn đang chờ tổ công tác của thành phố thẩm định, đánh giá; nếu đảm bảo các tiêu chí thì thành phố sẽ công bố. Theo đánh giá bước đầu của Q.5, trên cơ sở so sánh với bộ tiêu chí của Bộ Y tế, quận cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh...
Bộ Y tế đưa ra 2 nhóm điều kiện để một địa bàn (cấp thành phố, huyện, xã) ở TP.HCM xác định kiểm soát được dịch Covid-19. Thứ nhất, số ca mắc mới trong cộng đồng theo tuần giảm liên tục so với 2 tuần trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch; tỷ lệ dương tính bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR trong ngày tại cộng đồng giảm trong vòng 14 ngày; không ghi nhận, chuỗi lây nhiễm mới trong vòng 7 ngày.
Thứ hai, địa phương phải giảm từ 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; từ 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; từ 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.

Việc xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đang được TP.HCM triển khai ở hầu hết quận, huyện

Ngọc Dương

Là huyện vùng ven với địa hình tương đối tách biệt với thành phố, H.Cần Giờ đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đang chờ thành phố thẩm định lần cuối rồi công bố chung với các địa phương khác. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ cho biết việc kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn có sự chung tay, đồng hành rất lớn của người dân trong việc tuân thủ giãn cách xã hội.
H.Cần Giờ đã tầm soát 2 vòng đối với “vùng đỏ”, “vùng cam” và đang quay lại xét nghiệm lần 3. Hầu hết F0 phát hiện mới đều trong các khu cách ly, khu phong tỏa chứ không phát sinh chuỗi lây nhiễm mới. Cũng như H.Củ Chi, Cần Giờ không triển khai chăm sóc, điều trị F0 tại nhà mà chuyển toàn bộ vào khu thu dung, điều trị.
Đến nay, gần 100% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin mũi 1, 30% người dân đã tiêm mũi 2; huyện cũng đang thống kê những trường hợp chưa tiêm vắc xin như đi làm xa, người từ chối tiêm hoặc khó khăn đi lại để tiếp tục vận động, triển khai tiêm. Công tác an sinh xã hội trong thời gian giãn cách được huyện quan tâm đặc biệt, không để người dân gặp khó khăn mà không nhận được hỗ trợ.

Ưu tiên vắc xin cho lực lượng sản xuất

Về kế hoạch sắp tới, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, cho biết huyện cũng đang lên kế hoạch phục hồi kinh tế sau ngày 15.9; trong đó sẽ ưu tiên mở cửa lại các ngành trọng yếu, đặc thù của huyện như: sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản, ngư dân đánh bắt hải sản để đảm bảo cuộc sống bình thường.
Đồng thời, huyện cũng từng bước mở cửa du lịch biển trên tinh thần an toàn tới đâu mở cửa tới đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện dần. “Huyện chưa dám mở hết 100% mà hướng đến mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn, cố gắng không để đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ nói.
Dưới góc độ cá nhân, ông Hồng bày tỏ sự ủng hộ sử dụng giấy “thông hành vắc xin” trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trong đó quy định người được tiêm 1 mũi, 2 mũi sẽ tham gia vào những công việc gì, mức độ lưu thông thế nào. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho người làm việc ở cơ sở sản xuất, kinh doanh và kết hợp với test nhanh, áp dụng phương thức “một cung đường, hai điểm đến” trên phạm vi rộng.

Tiêm vắc xin sẽ là một trong những điều kiện để người dân tham gia vào hoạt động sản xuất khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội

Độc Lập

Ở khu vực trung tâm TP.HCM với mật độ giao thương nhộn nhịp, bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Q.5 cho biết từ nay đến ngày 15.9, quận sẽ cố gắng rà soát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, xây dựng lộ trình mở cửa trở lại.
Q.5 cũng sẽ ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, không đặt nặng người đó có cư trú ở trên địa bàn quận hay không làm tiền đề từng bước mở cửa kinh doanh. Ví dụ như công ty cấp nước trên địa bàn, tổng số nhân viên khoảng 1.000 người, họ ở rải rác tại các quận, huyện của thành phố, nhưng đây là ngành thiết yếu nên quận sẽ tổ chức tiêm mũi 2 cho doanh nghiệp. Tương tự là đối với ngành điện lực.
Riêng các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hình thức “3 tại chỗ” thì quận sẽ tiêm hết khi có vắc xin phân bổ. “Việc mở cửa trở lại sẽ do thành phố quyết định nhưng đây là bước chuẩn bị của quận để không bị động”, bà Kiều chia sẻ.
Hiện Q.5 đang triển khai tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân, dự kiến đạt khoảng 30% vào ngày 15.9 và khoảng 90% vào cuối tháng 9 khi nguồn vắc xin được phân bổ đầy đủ. Quận tiêm không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu ở quận, chỉ cần đang cư trú trên địa bàn thì đều được tiêm.

Việc mở cửa kinh tế, khôi phục sản xuất an toàn đang được TP.HCM tính toán từng bước thận trọng

Độc Lập

TP.HCM vừa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế tại thành phố dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND TP.HCM. Việc mở cửa kinh tế cho một số loại hình sản xuất, dịch vụ đã được lãnh đạo quận, huyện tính tới trên cơ sở bài toán chung của toàn thành phố cũng như hướng dẫn cụ thể. Trong buổi làm việc với P.14 (Q.8) - địa phương có số ca nhiễm cao thứ 2 trong số 22 quận, huyện - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, khi thành phố nới lỏng giãn cách thì tiêm vắc xin là một trong những điều kiện để người dân tham gia hoạt động kinh tế, xã hội. Theo kế hoạch tiêm chủng vắc xin đến cuối năm 2021, TP.HCM đặt mục tiêu tiêm mũi 2 cho khoảng 2.745.900 người trong giai đoạn từ 29.8 đến 30.9. Nếu cộng dồn với số lượng người đã tiêm mũi 2 đến ngày 28.8 là 273.767 người thì TP.HCM có hơn 3 triệu người đã tiêm 2 mũi (khoảng 42% người dân từ 18 tuổi trở lên).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.