Mở chốt chặn dịch tả lợn châu Phi vào các tỉnh phía nam

05/03/2019 07:11 GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc và bắc Trung bộ, nhưng các tỉnh phía nam đang phập phồng lo khi vi rút có thể theo xe chở lợn đi vào các tỉnh phía nam.

Ông Phạm Văn Bốn, Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã Đông Hải, H.Quỳnh Phụ, Thái Bình, cho biết: “Từ khi phát hiện lợn mắc bệnh đầu tiên tại nhà chị Nguyễn Thị Duyên vào ngày 26.2, đến nay trong xã ngày nào cũng có lợn chết. Chúng tôi phải liên tục lấy mẫu xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi rồi tiêu hủy lợn. Ngày nào cũng phải đi rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng, phân công người trực 24/24”.
Đến nhà chị Nguyễn Thị Duyên (39 tuổi, thôn Đồng Cừ, xã Đông Hải), nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở H.Quỳnh Phụ, chúng tôi thấy trắng xóa màu vôi bột. “Từ hôm 23.2, lợn cứ chết dần. Tôi đã tiêu hủy 33 con lợn bị bệnh. Hôm nay lại có 1 con bỏ ăn nên tôi đã phải cách ly và báo cho cán bộ thú y. Lợn chết hết thì chúng tôi chắc cũng không sống nổi”, chị Duyên nghẹn ngào.

Cần lập chốt tại khu vực đèo Hải Vân, khu vực miền Trung

Ở khu vực phía nam, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành nhiều giải pháp nhằm bảo vệ đàn lợn lớn nhất nước (trên 2,5 triệu con), trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát lợn ra vào tỉnh.
Cụ thể, song song với việc tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, giết mổ trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, UBND tỉnh Đồng Nai còn lập 1 chốt kiểm dịch tạm thời trên QL20 (tại địa bàn H.Tân Phú) để kiểm soát lợn từ hướng Lâm Đồng xuống. Trên QL1 cũng đã có sẵn 1 chốt kiểm dịch (tại xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) kiểm soát lợn từ phía bắc vào.
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết đơn vị này đang phối hợp với 3 đoàn kiểm tra tổ chức chốt chặn tại Q.2 (hướng từ Đồng Nai về TP.HCM), H.Củ Chi (hướng từ Tây Ninh về TP.HCM) và tại H.Bình Chánh (hướng từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM). Cán bộ 3 đoàn kiểm tra thay phiên nhau trực và yêu cầu tất cả xe chở lợn từ các tỉnh về TP phải tiêu độc khử trùng.
Theo ông Phát, mối lo lớn nhất là việc vận chuyển lợn từ các tỉnh có dịch bệnh đi các tỉnh và TP.
Trước đó, khuya 27.2, đoàn liên ngành số 2 phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm (đoàn 2) phát hiện xe tải BS 47C-114.83 chở nhiều lợn sống đi ngang Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (Q.2, TP.HCM) nên dừng xe kiểm tra. Tài xế Võ Thế Đạt xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch số 017458/CN-KDĐV-UQ do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cấp có giá trị từ ngày 25.2 đến 29.2. Qua kiểm tra, đoàn 2 phát hiện giấy chứng nhận kiểm dịch nói trên được cấp cho xe tải BS 47C-037.67 nhưng thực tế số lợn trên được vận chuyển bởi xe tải BS 47C-114.83.
Lô lợn nói trên thiếu 9 con so với số lợn được ghi trong giấy kiểm dịch. Các dây niêm phong được cột không đúng nơi quy định tạo điều kiện cho tài xế có thể dễ dàng thay đổi số lợn không đúng như giấy kiểm dịch. Bên cạnh đó, xe tải vận chuyển số lợn nói trên không đảm bảo vệ sinh để nước tiểu, phân rơi vãi trên đường... Xe tải này cũng đã lọt qua 6 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Nai.
Qua sự việc nói trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM kiến nghị Cục Thú y sớm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các quy định vận chuyển, kinh doanh lợn từ các tỉnh có dịch bệnh vào vùng khác để tiêu thụ.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn biện pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi hôm qua (4.3), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết TP.HCM đang là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất khu vực phía nam.
Nhưng nguồn lợn thịt cung cấp cho thị trường này chủ yếu là khu vực các tỉnh phía bắc, một số ít là lợn ở vùng Tây Nam bộ. Qua khảo sát, lợn từ các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội... được thương lái đưa về giết mổ tiêu thụ tại TP.HCM, thậm chí xuống tận Long An. Quá trình vận chuyển từ các tỉnh miền Bắc - nơi đang có dịch tả lợn châu Phi vào các tỉnh phía nam - đang làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
“Bộ NN-PTNT cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các tỉnh phía bắc vào khu vực phía nam. Cần cho lập chốt tại khu vực đèo Hải Vân, khu vực miền Trung để kiểm soát vận chuyển lợn, tránh nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan vào phía nam”, ông Tuyến kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.