Mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

29/04/2005 23:54 GMT+7

Ngày 29/4 tại hội trường Ba Đình (Hà Nội), T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2005).

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nhiều tướng lĩnh quân đội; các anh hùng lực lượng vũ trang; bà mẹ Việt Nam anh hùng; đại diện các tầng lớp nhân dân thủ đô đã tham dự.

Với chủ đề "Bài ca thống nhất", chương trình nghệ thuật đặc sắc do các đoàn nghệ thuật biểu diễn đã làm sống lại không khí hào hùng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tiếp đó Thủ tướng Phan Văn Khải đọc diễn văn kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong niềm phấn khởi, tự hào, Trung tướng Trần Hanh - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam gợi nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên của hơn 4 triệu cựu chiến binh, trong đó rất nhiều người đã vinh dự trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Trung tướng khẳng định mỗi cựu chiến binh luôn khắc sâu tấm lòng yêu thương son sắt của đồng bào đồng chí cả nước từng nuôi dưỡng, đùm bọc chở che, kề vai sát cánh trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ và hy sinh. Đại diện cho tuổi trẻ Việt Nam, anh Lê Trung Thành - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội xúc động nói lên niềm tự hào của thế hệ thanh niên hôm nay - những người được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp nhất mà các thế hệ cha anh đã phải đổi bằng xương máu của mình... Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước kết thúc trong giai điệu hào hùng của bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

* Cùng ngày, tại TP Cần Thơ đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm giải phóng với sự tham dự của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng... Sau cuộc diễu hành của 30 chiếc xe hoa trang hoàng lộng lẫy và hơn 5.000 đại biểu các ngành các giới, nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đã được tổ chức thể hiện niềm vui đất nước thống nhất.

Chiều và tối cùng ngày, các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bạc Liêu... cũng đã tưng bừng tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng quê hương trong niềm hân hoan phấn khởi của hàng triệu người dân.

Thủ tướng Phan Văn Khải: Non sông Việt Nam là của
mọi người Việt Nam

Chung lòng, dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt quá khứ và vượt lên trên những sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế... và cả sự khác nhau về chính kiến.

“....

Với đường lối đúng đắn chỉ đạo công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chống chiến tranh phá hoại trên miền Bắc và công cuộc kháng chiến cứu nước ở miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy cao độ mọi nguồn lực tinh thần, trí tuệ và vật chất của cả dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bộ Chính trị cùng Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã đảm đương xuất sắc vai trò Bộ thống soái tối cao chỉ đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam trên các chiến trường giành thắng lợi cuối cùng.

...Giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc là thắng lợi của cả dân tộc ta, của mọi người Việt Nam yêu nước chống lại các lực lượng xâm lược nước ta. Ngày kỷ niệm 30 tháng 4 hằng năm phải là ngày hội chung của cả dân tộc, là dịp phát huy mạnh hơn tinh thần hòa hợp dân tộc, ý chí đoàn kết và thống nhất của mọi người Việt Nam để xây dựng thành công "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.

Với lòng hòa hiếu chân thành, chúng ta tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với chính phủ và nhân dân các nước đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam, và đánh giá cao những bước phát triển tích cực các quan hệ về nhiều mặt giữa các nước đó với Việt Nam trong thời gian qua.

...Gần hai mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây cấm vận, đứng vững trước những chấn động và thiệt hại do khủng hoảng tài chính khu vực và thiên tai gây ra, liên tục tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao vị thế nước ta trên thế giới.
So với 30 năm trước đây và qua gần 20 năm đổi mới, bộ mặt đất nước đã có nhiều thay đổi lớn. Tổng sản phẩm do nền kinh tế làm ra năm 2004 gấp 4,7 lần năm 1976 và gấp 3,3 lần năm 1986; tính bình quân đầu người thì năm 2004 gấp 2,8 lần năm 1976 và gấp 2,5 lần năm 1986. Kim ngạch xuất khẩu năm 2004 gấp 119 lần năm 1976 và 33 lần năm 1986. Năng lực sản xuất trong các ngành kinh tế được tăng cường, kết cấu hạ tầng có những bước phát triển mạnh, nhất là về giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, nhà ở. Ba mươi năm trước đây, điện, điện thoại chỉ có ở đô thị, nhiều xã không có trường học, trạm y tế; ngày nay mạng lưới điện, điện thoại, phát thanh, truyền hình đã phủ khắp các xã; tất cả các xã ở đồng bằng, trung du và hầu hết các xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm, có trường tiểu học và trung học cơ sở, có trạm y tế. Mức sống vật chất và văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở các vùng được nâng cao rõ rệt; trong dân số, tỷ lệ hộ có mức sống trung bình và mức sống khá tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên một nửa trong vòng 10 năm qua.

Thành công lớn nhất qua 20 năm đổi mới là đã bước đầu khơi dậy và làm bừng nở các nguồn lực cùng với tính năng động sáng tạo của dân, trước hết là trong sản xuất kinh doanh.

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nguồn gốc thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, cũng là nhân tố chủ yếu đưa tới thành công của công cuộc đổi mới. Bài học "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" theo lời dạy của Bác Hồ đã được chứng minh qua những thành tựu rực rỡ, mãi mãi soi sáng con đường phát triển của dân tộc ta và cần được phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trong khi khẳng định những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, chúng ta cần tránh chủ quan, tự mãn, phải nhận rõ những mặt yếu kém và những thách thức mới đang đặt ra trước mắt. Nền kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với khả năng, còn kém hiệu quả và sức cạnh tranh; tình hình văn hóa, xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc; môi trường sinh thái bị xuống cấp; bộ máy công quyền chưa ngang tầm cả về năng lực và phẩm chất.

So với nhiều nước trong khu vực, chúng ta còn thua kém và chưa thu hẹp được khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế và công nghệ; nguy cơ tụt hậu xa hơn vẫn là thách thức lớn.

Để rửa nỗi nhục mất nước, xóa nỗi đau chia cắt giang sơn, dân tộc ta đã đoàn kết chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, không nề hy sinh, gian khổ, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn, trở lực nào và đã giành được thắng lợi trọn vẹn.

Ngày nay, đứng trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước và của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta dứt khoát không chịu tụt hậu và phải từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Đó là khát vọng của dân tộc ta, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Mọi người Việt Nam, ở trong nước cũng như đang sinh sống ở nước ngoài, đều chung một Tổ. Ngày Giỗ Tổ năm nay vừa được cử hành lễ trọng tại Đền Hùng và nhiều nơi khác, khắc sâu thêm trong lòng mỗi người Việt Nam ý thức dân tộc gắn với nghĩa đồng bào cùng một cội nguồn.

Non sông Việt Nam là của mọi người Việt Nam. Xây dựng đất nước Việt Nam là nghĩa vụ của mỗi người Việt Nam. Vận nước vừa thôi thúc vừa tạo cơ hội tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước trong khối đại đoàn kết dân tộc, chung lòng, dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt quá khứ và vượt lên trên những sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế... và cả sự khác nhau về chính kiến.

...Ba mươi năm đã qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Trong dân số nước ta hiện nay, 60% là những người sinh sau ngày 30/4/1975.
Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, những người đã lập nghiệp cũng như những người đang đi học, sẽ nối tiếp xứng đáng sự nghiệp của cha anh trong điều kiện mới, tiến quân vào khoa học và công nghệ, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ loài người, nâng tầm văn hóa trong cuộc sống, năng động sáng tạo trong học tập, lao động, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và các hoạt động văn hóa, xã hội, trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quốc phòng. Thế hệ thanh niên trước đây đã đảm đương xuất sắc vai trò xung kích trong Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến; thanh niên ngày nay phải đi đầu gánh vác trọng trách trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, đưa dân tộc ta tiến kịp thời đại.

Toàn dân ta hãy phát huy tinh thần và ý nghĩa chiến thắng 30 tháng 4, làm rạng rỡ bản lĩnh, ý chí trí tuệ Việt Nam trong thời kỳ mới như đã từng tỏa sáng trong những năm kháng chiến cứu nước.

Những điều chúng ta mong đợi trong dịp kỷ niệm này không chỉ là nguyện vọng mà còn mang ý nghĩa cam kết đối với Tổ quốc, với nhân dân, biểu thị lòng tưởng niệm và biết ơn những người đã hy sinh để chúng ta có ngày hôm nay.

Chúng ta hẹn với nhau mỗi dịp kỷ niệm hằng năm ngày 30 tháng 4 sẽ nhìn lại và thấy được những thành quả, tiến bộ mới trong việc thực hiện những cam kết này...”.

(Trích diễn văn của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tại Hà Nội 29/4/2005. Đầu đề của Thanh Niên)

Thủ tướng Phan Văn Khải

Tuyết Nhung - H.Hạnh - T.C.Khả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.