Minh oan cho người chết trong khi tạm giam, tạm giữ

10/11/2015 08:21 GMT+7

“Chỉ có những người bị tuyên bằng một bản án thì họ mới là người có tội. Đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam họ chết thì thế nào? Họ chết mà bị oan thì không thể tự minh oan được cho họ..."

“Chỉ có những người bị tuyên bằng một bản án thì họ mới là người có tội. Đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam họ chết thì thế nào? Họ chết mà bị oan thì không thể tự minh oan được cho họ..."

ĐB Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc ThắngĐB Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Đại biểu (ĐB) Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề khi thảo luận về dự thảo luật Tạm giữ, tạm giam vào hôm qua, 9.11: "Chỉ có những người bị tuyên bằng một bản án thì họ mới là người có tội. Đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam họ chết thì thế nào? Họ chết mà bị oan thì không thể tự minh oan được cho họ. Lâu nay họ chết thì chúng ta chấm dứt, luật pháp chấm dứt. Chấm dứt rồi thì số phận pháp lý của họ sao đây?”.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), tình trạng bức cung, nhục hình và chết trong khi tạm giữ, tạm giam hoặc bị xâm phạm, xúc phạm về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm gây bức xúc dư luận. Hạn chế quyền, cản trở bào chữa đang có biểu hiện gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong các năm qua và vượt khỏi vòng kiểm soát. Nhiều vụ việc xảy ra nhưng nạn nhân không tố cáo, khiếu nại vì sợ hoặc bị buộc cam kết không khiếu nại sau khi được trả tự do.
“Xin lưu ý đây là quy định về tạm giữ, tạm giam, những người đang được coi là không có tội và đang được điều tra để chứng minh cả hai khả năng, họ có thể có tội hoặc vô tội”, ĐB Nghĩa nói và đề xuất chuyển nơi tạm giam, tạm giữ cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, hoặc được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là một kênh giám sát chống bức cung, mớm cung và nhục hình, tiêu chí chung là việc tạm giữ, tạm giam phải độc lập đối với điều tra viên, công tố viên.
ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cũng đề xuất trong pháp luật tố tụng hình sự phải có quy định cụ thể để giải oan cho người bị buộc tội oan cho người đã mất phần nào vơi đi đau khổ cho thân nhân của họ cũng như đời sống tâm linh của gia đình họ.
Khắc phục tình trạng giam chung với “đại bàng”
Theo ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), tình trạng người bị chết hoặc tự sát trong khi tạm giam tạm giữ, còn có nguyên nhân họ bị giam giữ trong điều kiện không phù hợp.
“Chúng ta phải thực hiện việc tạm giữ, tạm giam trong những điều kiện không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ, các đối tượng thì phải đưa riêng ra, các cháu vị thành niên phải đưa riêng ra, nhưng vì không có chỗ nên phải đưa vào các buồng giam mà ở đấy không may có một vài “đại bàng” dẫn đến các cháu thậm chí bị tử vong”, ĐB nói và đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu quy định một cách thông thoáng hơn những điều kiện, chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam để hạn chế tình trạng tự sát trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam.
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề xuất bổ sung thêm quy định người bị tạm giam, tạm giữ khi tố cáo các sai phạm của cán bộ thì phải được sắp xếp phòng giam riêng. “Nếu không những người tố cáo sẽ bị đưa vào giam ở các khung buồng chung côn đồ hoặc xã hội đen. Đó là một cách trả thù rất nguy hiểm”, ĐB nói đồng thời đề xuất thời hạn giải quyết tố cáo có thể 5 - 10 ngày chứ không phải 60 ngày như trong dự thảo.
Thừa phát lại: Cái gì xã hội hóa làm tốt, nhà nước sẵn sàng buông
Chiều 9.11, trong phiên thảo luận tại tổ về việc thí điểm chế định “thừa phát lại” theo Nghị quyết số 36/NQ-QH năm 2012 của QH và dự thảo Nghị quyết QH về vấn đề này, nhiều ĐBQH tỏ ý băn khoăn khi giao cho tư nhân làm một số công việc của tòa án, thi hành án...
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ĐB Lê Minh Thông cho rằng việc trao cho định chế thừa phát lại (TPL) thực hiện một số việc thi hành án là không ổn. “Ở ta, có cả bộ máy thi hành án đồ sộ mà còn làm chưa tốt, nay giao cho tư nhân, để họ có quyền cưỡng chế nữa thì rất nguy hiểm”, ông Thông nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tán thành cần kết thúc và cho thực hiện ngay định chế TPL. “Việc thi hành án do cơ quan thi hành án tiến hành nhưng cũng có thể sử dụng TPL cho một số dịch vụ nào đó. Trên tinh thần xã hội hóa dịch vụ công nhưng có 2 dạng, một là nhà nước không làm nữa để xã hội tự tổ chức và dạng nữa là nhà nước thuê các dịch vụ tư để họ làm. TPL làm cả hai hình thức này. Nghĩa vụ tống đạt là của nhà nước, nhưng nhà nước có thể thuê TPL làm việc này”, ông Nghĩa nói.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu quan điểm: “Với chế định TPL chủ trương của chúng ta rất rõ ràng nếu cái gì xã hội hóa làm tốt hơn thì nhà nước sẵn sàng buông, tạo điều kiện hành lang pháp lý để thực hiện cho tốt, qua đó từng bước tinh giản biên chế các bộ máy”.
Mạnh Quân - Thái Sơn - Trường Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.