Minh bạch thông tin để chặn giá đất 'sốt ảo'

05/04/2021 05:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc Thanh Niên cho rằng để chặn giá đất 'sốt ảo', cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, cung cấp thông tin chính xác và minh bạch đến người dân.

Như Thanh Niên thông tin, tại khu vực các tỉnh phía bắc, “cò” đất thường dùng mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn mời chào, tư vấn mua đất đầu cơ, ít tụ tập huyên náo, ghi giấy tay ngay tại chỗ tạo ra những “cơn sóng” giá đất chấn động cả nước như ở phía nam, nhưng giá đất vẫn tăng nóng đến mức phi lý. Trong khi đó, ở phía nam, sốt đất từ các đề xuất xây dựng sân bay trở thành... mốt.

Mong sao Chính phủ can thiệp sớm để người dân được nhờ.    

Hòa Nguyễn

Mới nhất là cơn sốt đất ở Hớn Quản (tỉnh Bình Phước). Khi vừa có thông tin cơ quan chức năng khảo sát thực địa sân bay lưỡng dụng Técníc để lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng thì lập tức giới “cò” đất đã làm loạn giá thị trường... Kịch bản ở đây cũng tương tự như cơn sốt đất ở Bình Ba (H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) hồi đầu năm 2020, khi các lô đất được các nhóm đầu cơ đặt cọc, sau đó sổ hồng khu đất được photocopy ra hàng loạt để đưa cho cò đất địa phương chào bán chênh lệch. Và cũng như ở Bình Ba, cơn sốt đất nhanh chóng bị dập tắt bởi việc đầu tư sân bay cũng chỉ trong ý tưởng và cơn sốt đất chỉ là sốt ảo do các nhóm đầu cơ gây ra.

Sốt ảo, nguy hại thật đến kinh tế

Phản hồi về thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng toàn là giá ảo, do những người đầu cơ, “cò” đất chiêu trò đẩy lên, vì vậy người dân phải thật tỉnh táo để không rơi vào cảnh tiền mất tật mang. “Toàn sốt ảo, vạn người bán trăm người mua. Chỉ “cò” khắp nơi, còn người mua thực đếm trên đầu ngón tay, toàn ảo”, BĐ Tiến Hợp ý kiến. Tương tự, BĐ Le Andy cho rằng: “Toàn giao dịch đểu, giao dịch ảo để thổi giá, lừa đảo, lướt sóng, lướt cọc, chim mồi, cò tung hứng, dân buôn tung hứng... 1.000 người giao dịch may ra có vài người giao dịch thật”.

Cơ quan nhà nước cần giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế hệ lụy để lại cho người dân.

Ngon Nguyen

“Tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh, vào các ngành sản xuất cơ bản mới là tiền đề phát triển bền vững. Hiện tượng người người buôn đất, nhà nhà buôn đất là bất thường”, BĐ Hang Nguyen cảnh báo. Đồng quan điểm, BĐ L.A cho rằng: “Việc này gây nguy hại cho nền kinh tế về lâu dài khi tiền vốn bị găm hết vào đất. Người dân lo đi buôn đất, lướt đất không chịu sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế không phát triển được. Đấy mới là vấn đề nguy hiểm”.

Đề xuất đánh thuế cao những người đầu cơ

Nhiều ý kiến cho rằng để không còn thông tin “ảo”, thông tin giả do giới đầu cơ, cò đất tung ra đánh lừa nhà đầu tư và người mua nhà, cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, công bố thông tin quy hoạch một cách chính xác và minh bạch, cảnh báo kịp thời hiện tượng giao dịch ảo... “Nhà nước cứ thông tin công khai minh bạch, đất ở đó quy hoạch gì, ai làm gì, làm như thế nào, cơ sở hạ tầng, xã hội ra sao, xây buộc phải như thế nào trong bao lâu… Phần còn lại thị trường biết phải làm gì...”, BĐ Văn Minh ý kiến.

Yêu cầu người mua đất phải xây nhà, thời hạn là 12 tháng, để vừa phát triển xã hội vừa chống đầu cơ tăng giá.   

Nhat Le

Trong khi đó, nhiều BĐ lại đề xuất quản lý qua công cụ thuế. BĐ Đăng Toàn viết: “Chính phủ nên siết chặt quản lý đất đai tránh đầu cơ trục lợi. Theo đó, nếu thuê mướn người đứng tên quyền sử dụng đất sẽ không được nhà nước xử lý khi kiện tụng tranh chấp mà còn bị phạt nặng người kiện. Nếu là gia đình có 2 con cùng hai vợ chồng có thể được sở hữu 3 nhà đất, từ sở hữu thứ 4 trở đi đánh thuế theo cấp số nhân. Làm vậy chắc chắn sẽ không còn hiện tượng sốt nhà đất ảo”. Tương tự, BĐ T.C đề nghị: “Mua nhà đất mà không ở, không xây nhà phải chịu thuế chống lãng phí tài nguyên đất đai, bình ổn nhà”. Còn BĐ Van Son ý kiến: “Cứ quản lý qua thuế. Ai sở hữu càng nhiều nhà đất thì đánh thuế càng cao theo hệ số nhân xem còn sốt nữa không”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.