Miền Trung tang thương

01/10/2006 15:25 GMT+7

* 16 người chết, hàng trăm người bị thương * Thiệt hại vật chất rất lớn * Quyết định sơ tán hơn 18 vạn dân là sáng suốt, chính xác Tổng hợp mới nhất đến 22h ngày 1/10, bão số 6 đã làm ít nhất 16 người chết ( Đà Nẵng 4, Quảng Nam 2, Bình Định 4, Nghệ An 4, Quảng Bình 2). >> Miền Trung đương đầu với bão số 6 >> Chùm ảnh Đà Nẵng hoang tàn sau cơn bão

Trong đó, có 4 trường hợp là học sinh ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đi tắm bị chết đuối và 4 trường hợp ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đi đánh bắt cá do chủ quan bị nước lũ cuốn trôi.

Không những vậy, hàng trăm người bị thương do bão số 6 đang được điều trị cấp cứu tại các bệnh viện ở các tỉnh miền Trung. Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng trở nên quá tải khi gần 500 người bị thương vì bão Xangsane (số 6) đã được đưa đến. Giường bệnh viện không còn đủ chỗ, 2 bệnh nhân phải chung 1 giường và nằm cả ra hành lang. Số bệnh nhân vẫn ngày càng tăng. Phần lớn các nạn nhân này bị thương là do tôn bay đụng phải, nhà sập, cây đổ đè lên... Ngay lúc mưa bão hoành hành, những người bị thương đã được chuyển đến bệnh viện cấp cứu bằng xe thiết giáp lội nước - phương tiện đặc chủng của quân đội. Quyết định sáng suốt của Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong vòng một ngày trước khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền đã kịp sơ tán hơn 18 vạn dân để tránh cơn “cuồng phong” ( bão số 6) chưa từng thấy trong nhiều năm qua ở miền Trung là chính xác và chọn đúng thời điểm đã hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Đà Nẵng cùng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã bị cắt điện từ đêm qua và nhiều cột điện cao thế ở khu vực này bị bão số 6 quật đổ đến giờ này vẫn chưa khôi phục được. Ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), đã có khoảng 10 tàu bị chìm, lực lượng hải quân đã cứu được tàu 1.000 tấn đứt dây neo và 20 tàu khác của ngư dân Sơn Trà. Tàu của Hải quân cũng đã ra cứu được 30 ngư dân ra chằng chéo, bảo vệ tàu. Mưa to tại Hội An và huyện Núi Thành với mức nước đo được lên tới 200-250mm, thậm chí tại Hội An đã lên tới 270mm, Tam Kỳ 280mm. Một số ngôi nhà cổ ở Hội An đã bị hư hỏng nặng. UBND tỉnh Quảng Nam đã lưu ý bà con nhân dân không được chủ quan, cần đề phòng gió lốc, lũ quét, ngập úng trên diện rộng.

Thiệt hại về vật chất do cơn bão số 6 ra đối với miền Trung là rất lớn chưa thể thông kê hết được. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đang khẩn trương hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do cơn bão này gây ra nhanh chóng ổn định đời sống theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo tiền phương phòng, chống bão số 6 là “Không để dân bị đói, bị rét và phải có trách nhiệm đến cùng với dân”.

Lũ các sông ở miền Trung lên đang nhanh, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam thường ngắn, độ dốc lớn, trong khi lượng mưa lớn và dồn dập, khả năng lũ quét xảy ra là rất lớn. Bà con sống gần các con sông cần chú ý, sơ tán kịp thời khi thấy mưa to, không ngớt trong khoảng 1-2 tiếng, với lượng mưa đo được trên 100mm.

TTXVN

 

* Đến 14h29, gió giảm, bão tan, người dân Đà Nẵng bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và đường phố. Thống kê sơ bộ, cơn bão số 6 đã cướp đi sinh mạng của 2 người và làm gần 90 người bị thương. Tại Nghệ An, đã có 4 người chết. Tại tỉnh Quảng Ngãi, dự báo nơi có tâm bão đi qua vào chiều tối nay, có 6 tàu thuyền bị chìm, nhiều đê điều bị sạt lở nghiêm trọng buộc hơn 52 hộ dân phải di dời khẩn...

Bình Định: 4 học sinh chết đuối khi tắm biển

Vào lúc 18 giờ 30 ngày 1/10, 4 học sinh đã bị chết đuối tại bãi biển thuộc phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn (Bình Định). 3 xác người đã được vớt gồm: Võ Đình Sơn (sinh năm 1995), Nguyễn Thế Thành (sinh năm 1992), Nguyễn Quốc Sơn (sinh năm 1993) đều ở phường Ngô Mây (thành phố Quy Nhơn). Chính quyền địa phương đang tập trung mọi biện pháp để tìm kiếm người còn lại.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, khoảng 16 giờ ngày 1/10, một nhóm gồm 7 học sinh đang học tại Trường THCS Ngô Mây đã rủ nhau đi tắm biển, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 nên sóng biển lớn và nước chảy xiết đã làm cho 4 em bị chết đuối.

TTXVN

Thực hiện ngay việc sơ tán dân tại các vùng thấp trũng

Ngày 1/10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện khẩn gửi
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-TKCN các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum

Theo đó, mực nước các sông đang lên nhanh nguy cơ về lũ quét và sạt lở đất đang ở mức cao. Để chủ động bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:

1. Thực hiện ngay việc sơ tán dân tại các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

2. Tổ chức lực lượng canh gác tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua sông, suối và những nơi nước chảy xiết để hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Ngăn không cho dân sống ở ven sông, suối ra vớt củi.

3. Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động.

4. Các cơ quan thường trực Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống.

5. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, báo cáo thông tin kịp thời để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra và báo cáo kịp thời mọi diễn biến về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

TTXVN

Đà Nẵng: 4 người thiệt mạng, 80 người bị thương

15g30, bão vừa tan, đường phố đã xuất hiện người và xe qua lại, tuy nhiên các phương tiện thông tin vẫn gián đoạn, điện vẫn cúp nên internet hoàn toàn chưa có. Hàng ngàn căn nhà bị tốc mái, sụp đổ. Chính quyền và người dân đang khẩn trương khắc phục. Văn phòng Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng cũng bị tàn phá tan hoang, người ra vào phải treo qua cửa sắt và hiện các PV Thanh Niên đang chia nhau tỏa đi khắp các địa bàn để nắm tình hình.

Dãy phố phía ngoài sông Hàn, nơi giáp biển, nhà cửa bị tốc hoàn toàn, những chiếc cột nhà xưa giờ trơ ra lõi sắt bị gió uốn cong. Người dân Đà Nẵng đang tận dụng mọi cách liên lạc để huy động con cháu các nơi về sửa sang nhà cửa.


Thu dọn sau cơn bão (ảnh: Thành Trung)

TP Đà Nẵng thực sự hoang tàn sau cơn bão. Con đường Trần Phú thường ngày hầu như không bị nắng rọi nhờ hàng cây xanh mát thì nay hầu như không còn nhìn thấy mặt đường do đã bị cây và lá đổ che lấp. Rất nhiều người dân vội vã di chuyển bằng xe máy nhưng đã lại khốn khổ vì một một rắc rối mới: bể bánh xe, do đinh và mái tôn rơi khắp đường. Trước một tiệm sửa xe còn đóng cửa có hàng chục người đứng gọi cửa để được sửa xe. Căn nhà 3 tầng lầu ở 124 phố Quang Trung hôm qua còn đồ sộ nguy nga, sau cơn bão đã sụp xuống trông quá tang thương.

Trên các đường phố, cửa kiếng của các căn nhà và các văn phòng bể nát. Trên các con đường Lê Lợi, Pasteur, những cây cổ thụ bị trốc gốc đã chắn hết lối đi, làm người qua lại phải len lỏi trên các vỉa hè cũ nay cũng đầy gạch đá, tôn và kính vỡ. Các trạm xăng thì đông nghẹt người chờ đổ xăng. Dàn mái tôn che khán đài A sân vận động Chi Lăng cũng bị tốc hết và hiện ban quản lý cùng các nhân viên nơi đây đang gấp rút khôi phục.

Theo TTXVN, theo thống kê sơ bộ, đến 17 giờ ngày 1/10, tại TP Đà Nẵng - địa phương bị thiệt hại nặng nhất do tâm bão số 6 đi qua, có 4 người chết (trong đó có 1 em nhỏ 4 tuổi), 80 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Nhiều cơ sở, đơn vị, kho tàng, cơ quan bị hư hỏng; 3 chiến sỹ công an bị thương trong khi làm nhiệm vụ; 2.500 nhà ở bị ngập nước...

 

Thành Trung - TTXVN

Nghệ An: 4 người chết do bão

Sáng 1/10, BCH Phòng chống bão lụt huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn huyện có mưa to, mực nước các sông, suối tăng nhanh làm 4 người chết. 

Những người chết gồm: Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1977, trú tại xóm 11, xã Ngọc Sơn; Nguyễn Viết Đức, sinh năm 1995, trú tại xóm 14, xã Thanh An; Phan Đình Phúc, sinh năm 1997, trú tại xóm 8, xã Thanh Hưng; Phan Văn Tịnh, sinh năm 1988, trú tại xóm Phượng Đình, xã Đồng Văn. Cả 4 người chết trong trường hợp đánh bắt cá trên sông, suối khi nước đang dâng cao.

Chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị chết và cảnh báo với người dân trên địa bàn, nhất là những hộ gia đình sống cạnh sông, suối cần cảnh giác cao khi mùa mưa bão đã đến; trong mưa bão không nên đến các sông, suối để đánh bắt cá.

TTXVN

Quảng Ngãi: 5 người bị thương, 15 tàu thuyền bị chìm và mất tích

Theo số liệu từ BCĐ Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 15 giờ ngày 1/10, toàn tỉnh có 882 nhà bị tốc mái (chủ yếu ở huyện đảo Lý Sơn), 15 nhà bị sập, 15 tàu bị chìm và mất tích (không thiệt hại về người), 5 người bị thương... Toàn bộ thiệt hại ước tính khoảng 15 tỉ đồng.

Theo tin mới nhất, hai đoàn tàu SE6 và TN4 hành trình từ Sài Gòn ra Hà Nội đến Quảng Ngãi phải dừng trú bão, đến 13h30 đã tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, hiện hai đoàn tàu này đang phải dừng tại ga Tam Kỳ (Quảng Nam) do đường tàu chưa thông.

Đình Phú

Thừa Thiên - Huế: 30 người bị thương, hơn 4.500 căn nhà bị sập và tốc mái

Thống kê của Ban phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên - Huế (TT-H), tính đến chiều ngày 1/10, toàn tỉnh đã có trên 4.529 căn nhà bị sập và tốc mái, trong đó nặng nhất là các huyện Phú Lộc: 588 nhà. Toàn tỉnh đã có 30 người bị thương, trong đó có 2 cháu nhỏ ở Phong Hải, Phong Điền, 5 cán bộ của huyện Hương Thủy bị thương khi đang làm nhiệm vụ, hiện đã được cấp cứu tại Bệnh viên T.Ư Huế.

Tỉnh lộ 11, Quốc lộ 49 Phong Hòa đi Phong Bình đã bị chia cắt, tỉnh lộ 4 Huế - Quảng Điền bị ngập sâu nhiều đoạn gây ách tắc giao thông trên toàn tuyến. Quốc lộ 49 Huế đi Nam Đông, Huế đi A Lưới bị tắc đường do sạt lở nặng. Nước lũ cũng đã làm ngập tràn một số khu vực: thôn Tân Lập, xã Phú Thuận, Phú Vang; khu vực Cầu Hai, Lăng Cô (huyện Phú Lộc) nước dâng từ 0,8m đến 1m.

Mạng điện lưới trên toàn tỉnh đã bị mất hơn 70%, đến 14h toàn TP Huế đã mất điện. Hàng trăm ngàn cây xanh tại TP Huế và các vùng bị gãy đổ. Trung tâm chỉ huy PCBL của Bưu điện tỉnh cũng căng thẳng không kém. Mạng internet đã sập. Các địa bàn liên lạc báo về qua sóng bộ đàm, cho biết: cáp quang điện thoại do cây cối ngã đè đã bị đứt nhiều tuyến, hơn 1.000 cột bị gãy đổ, hư hỏng 190 km cáp đồng các loại, tốc mái 5 bưu điện huyện và trạm vệ tinh gây mất liên lạc ước tính khoảng 17.000 máy điện thoại.


Cây gãy trên đường phố Huế (ảnh: Bùi Ngọc Long)

Đến cuối giờ chiều ngày 1/10, tại TT-H, gió đã bắt đầu lặng, nhưng mưa vẫn chưa dứt, nước các sông vẫn đang lên. Hầu hết những phường nội thành của TP Huế và các vùng thấp trũng đã ngập lụt, có vùng ngập sâu hơn 1m. Các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thuỷ, Hương Trà... nhiều vùng dân cư đã ngập lụt sâu từ 0,5 đến 1,5m.

Đến nay, tại TT-Huế chưa có ai thiệt mạng vì bão.

Bùi Ngọc Long

Giao thông trên Quốc lộ 1A vẫn đảm bảo thông suốt

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đến 9 giờ ngày 1/10/2006 tại các tỉnh khu vực miền Trung chịu trực tiếp cơn bão số 6 thì chưa có bị thiệt hại về người.

An toàn giao thông trên Quốc lộ 1A vẫn đảm bảo thông suốt. Ngành đường sắt đã cho ngừng 5 đôi tàu tại các địa phương với gần 400 hành khách, hầm đường bộ Hải Vân bị mất điện vào lúc 1 giờ đêm ngày 1/10 và hiện đã cho nổ máy phát điện dự phòng; nhờ đó đến 9 giờ sáng 1/10, có 105 lượt xe ô tô qua hầm đường bộ Hải Vân. Chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng biểu dương các địa phương đã sớm chuẩn bị công tác phòng chống nên bước đầu đã đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ban chỉ đạo phải lên ngay phương án để sẵn sàng khi bão qua là triển khai những biện pháp khắc phục hậu quả ngay khi bão di chuyển sang hướng khác và phải nắm được tình hình thiệt hại tại các địa phương.

TTXVN

Bình Định: hơn 30 ngàn ha lúa mùa bị ngập, 10 hồ chứa nước bị hư hỏng

Tính đến 16 giờ 1/10, toàn tỉnh có hơn 33.700 ha lúa mùa bị ngập có khả năng gây hư hại; 10 hồ chứa nước trong tỉnh bị hư hỏng; 15 nhà dân ở xã An Hòa và 1 trường học ở xã An Vinh (huyện An Lão) bị tốc mái do lốc; nhiều tuyến đê, kè sông bị sạt lở. Trưa ngày 1/10, một tàu đánh cá cùng 7 ngư dân huyện Hoài Nhơn (Bình Định) do hỏng máy, bị sóng biển đánh trôi dạt vào vùng biển đảo Côn Sơn đã kịp thời được cứu hộ vào bờ an toàn sau khi phát tín hiệu cấp cứu.

Trước đó, tỉnh đã huy động gần 4.000 dân quân tự vệ, bộ đội, công an, thanh niên xung kích tham gia di dời 4.338 hộ với hơn 17.000 nhân khẩu từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời chủ động chi tạm ứng từ ngân sách gần 2 tỷ đồng để triển khai phòng chống bão và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

Cao Nguyên

Gia Lai: Sạt lở hồ chứa nước

Tại huyện Kbang, mưa to cộng gió cấp 6 – 7 khiến mực nước các con suối, sông Ba đang lên nhanh. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của huyện đã trực tiếp xuống các xã chỉ đạo người dân sẵn sàng di dời chống bão, lụt. Một số tuyến đường đến các xã đã bị ngập. Huyện đã huy động một trung đội dự bị động viên kịp thời, giúp dân di dời những hộ dân sống gần cầu Đắk Lôp (trị trấn Kbang), nơi có nguy cơ ngập lụt do nước lên nhanh.

Tại huyện Krông pa, nước các sông, suối đang uy hiếp nhiều vùng đông dân cư. Các ngành chức năng của huyện cùng người dân đã chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng đối phó với những tình huống ngập lụt có thể xảy ra. Mưa lớn tại huyện Đức Cơ khiến hồ chứa nước C5 (thị trấn Chư Ty) tưới cho khoảng 100 ha hoa màu bị sạt lở. Huyện đang tập trung mọi biện pháp khắc phục. Tại xã Ia Krel, con đường tạm qua cầu Thanh Giáo (đang thi công) bị sạt lở bờ kè, nước ngập hơn 1m khiến giao thông bị đình trệ.

Thiên Trúc

Một tổ trưởng dân phòng hi sinh khi tham gia chống bão


Ngày 1/10, anh Võ Lê – Tổ trưởng bảo vệ dân phố khu Mân Lập Tây, phường Mân Thái, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã hi sinh trong khi tham gia bảo vệ tài sản của nhân dân trong cơn bão số 6.

Anh em trong đội bảo vệ kể lại: Sáng 1/10, đúng lúc tâm bão đổ bộ vào Đà Nẵng, mặc dù mọi người cố can ngăn, nhưng anh Lê vẫn xung phong đi tuần tra trong khu phố để bảo vệ tài sản cho dân. Trong quá trình tuần tra, anh Lê đã bị mái tôn trên nóc nhà rơi trúng đầu làm anh bị chấn thương sọ não. Sau khi được đưa đi cấp cứu, nhưng do bị thương quá nặng, anh Lê đã tử vong.

Được biết, anh Lê giữ làm Tổ trưởng bảo vệ khu phố được 3 năm nay. Gia đình anh có hoàn cảnh khó khăn, 3 con gái còn đi học. Vợ anh, chị Lương Thị Hồng bị bệnh tim đang nằm trong bệnh viện.

TTXVN

Kon Tum: Lũ quét ở Đăk Glei

Do chịu ảnh hưởng của rìa tây hoàng lưu cơn bão số 6, vào lúc 13h30 ngày 1/10, tại Kon Tum gió đã mạnh dần lên cấp 6-7, mưa to. Lượng mưa đo được từ 80-120mm (riêng huyện Đăk Glei đạt 100-120mm dẫn đến lũ quét). Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đăk GLei bị sạt lở nghiêm trọng. Tại huyện Kon PLông nằm ở phía đông của tỉnh (giáp Quảng Ngãi) các tuyến đường liên xã như Ngọk Tem, Măng Bút, Đăk Nên, Đăk Ring bị sạt lở nặng, cây cối đổ chắn ngang đường, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Theo đánh giá của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Kon Tum, đây là lần đầu tiên sau 20 năm Kon Tum chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 180 áo phao, 50 nhà bạt, 6 xe ô tô trực chiến tại các điểm xung yếu. Tỉnh đã tiến hành di dời 42 hộ dân ở làng Ngọc Hoàng, Đăk Nên (Kon Plông) ra khỏi vùng sạt lở. Riêng ngành giáo dục kiên quyết giữ học sinh dân tộc nội trú ở lại trường; chính quyền địa phương không để nhân dân các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, thị xã Kon Tum sản xuất vùng ven hồ...

Tin từ các huyện Đăk GLei, Kon PLông, Tu Mơ Rông vào cuối giờ chiều 1/10 cho biết các địa phương này có gió mạnh, kèm theo mưa to. Mực nước các sông trong tỉnh tăng lên rất nhanh, có khả năng gây lũ lớn...

Ngọc Linh - Nguyên Lộc

Phú Yên: Di dời 500 hộ dân ra khỏi vùng triều cường

Chiều tối 1/10, địa bàn Phú Yên có mưa trên diện rộng và gió bắt đầu mạnh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Phú Yên, do có mưa lớn ở Tây Nguyên nên mực nước sông Ba và một số sông khác chảy xuống Phú Yên đang bắt đầu lên và dễ có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở, lụt cục bộ và nạn triều cường dọc biển.

Trước tình hình này, Ban chỉ huy PCBL tỉnh Phú Yên tiếp tục chỉ đạo tất cả trên 500 hộ dân đã di dời khỏi vùng triều cường phải tiếp tục ở nguyên vị trí tạm trú, chỉ một số trường hợp đặc biệt cần có đàn ông, thanh niên trở lại nhà để quán xuyến tài sản trong thời gian ngắn; trên 4.600 tàu thuyền đang được neo trú tại tỉnh vẫn phải nghiêm ngặt tuân thủ các quy định không được xuất bến đánh bắt, bởi đã có một số ngư dân cảm thấy “không có gì” nên đã muốn ra khơi trở lại. Trên 1.650 chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và gần 300 đội thanh niên xung kích vẫn tiếp tục ứng chiến 24/24 tại các điểm xung yếu để bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, sẵn sàng trước các tình huống xãy ra. Bên cạnh đó, nhiều nhà cửa nhân dân vùng gần sông suối cũng đã bắt đầu được các cơ quan chức năng tổ chức di dời để phòng tránh lũ lụt.

Trong khi đó, Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã huy động hàng trăm công nhân, xe máy vận chuyển đổ trên 3.000 m3 đá hộc xuống dòng sông Ba liền kề chân móng Quốc lộ 1A đoạn phía nam cầu Đà Rằng (TP Tuy Hoà) để chống nguy cơ đoạn đường này đang bị dòng sông “nuốt chửng”.

Hùng Phiên

Cần chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), trưa nay (1/10), sau khi đi vào đất liền bão số 6 tiếp tục suy yếu. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đã giảm xuống cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và bắc Tây Nguyên có gió mạnh cấp 7, giật trên cấp 8 và có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Hồi 13 giờ chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ vĩ bắc, 107,2 độ kinh đông trên vùng biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật trên cấp 9.

Trong 24 giờ tới, bão số 6 tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm.
Như vậy, chiều và đêm nay do nằm trong hoàn lưu của bão nên các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng và bắc Tây Nguyên còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật trên cấp 8.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần theo dõi các bản tin dự báo thủy văn và chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối miền núi, ngập sâu ở vùng đồng bằng ven biển.

Ngoài ra, khu vực phía nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Cần đề phòng dông, lốc.

TTXVN

6 người chết, 130 người bị thương

Tổng kết thiệt hại sơ bộ đến 15h45 ngày 1/10: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi đã có 6 người chết, hơn 130 người bị thương, 5.500 nhà bị sụp, tốc mái, hàng ngàn cây xanh ngã đổ. Số tàu thuyền bị chìm không đáng kể. Lý Sơn, Cù Lao Tràm có hơn 4.000 người bị cô lập hoàn toàn, lương thực đủ dùng trong 3 ngày. Dự kiến đến nửa đêm nay mới khôi phục được đường điện...

TTO

16h chiều ngày 1/10: Bão Xangsane đã đi đến vùng biên giới Lào - Thái Lan

Đến 16h chiều hôm nay (1/10), bão đã đi đến vùng biên giới Lào - Thái Lan, sức gió ở vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62-88 km/giờ), giật trên cấp 9.
 
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương chiều tối nay cho biết: Trong 24h tới, bão số 6 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền thuộc địa phận Thái Lan và suy yếu thêm. Do còn nằm trong hoàn lưu của bão, nên đêm nay các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng và bắc Tây Nguyên vẫn còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật trên cấp 8. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có mưa, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra, khu vực phía nam biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Cần đề phòng giông, lốc.
 
* Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cũng cho biết, lũ các sông từ Nghệ An đến Quảng Trị và Quảng Nam, Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Đêm nay, mực nước tại Lệ Thuỷ lên mức báo động (BĐ) III; tại Quảng Trị lên trên BĐIII là 0,7m; tại Ái Nghĩa lên trên BĐIII là 1m. Sáng mai (2/10), mực nước tại Câu Lâu lên gần mức BĐIII; các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức BĐII, có nơi trên mức BĐII. Các sông ở Thừa Thiên-Huế tiếp tục xuống. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng sâu và nước dâng cao vùng cửa sông ở các tỉnh trên.

Mai Vọng

Quảng Trị: Hơn 200 ngôi nhà bị tốc mái

CTV Kiến Giang từ Quảng Trị gửi thông tin về cho biết: Đến chiều 1/10, toàn tỉnh đã có 200 ngôi nhà bị tốc mái ở các xã ven biển huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh. Đê cát xã Trung Giang bị vỡ, đường cơ động ven biển Cửa Tùng bị sạt lở nhiều đoạn khoảng 50m, vào sâu 2m, có nhiều đoạn thủy triều dâng ngập sâu 1-1,5m. Nhiều cây cối bị đổ gây ách tắc giao thông ở thị xã Đông Hà. Đường vào A Vao, huyện Đkrông bị sạt lở mái taluy dương nghiêm trọng, không đi lại được.

Ban PCLB Công an huyện Triệu Phong cho biết: lúc 10h ngày 30/9, anh Nguyễn Thanh Triển (30 tuổi, ở thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch) đã bị sét đánh chết khi đi chăn bò trên đồng.

Tại Văn phòng chỉ đạo lụt bão Công an thị xã Đông Hà, ông Trần Đức Việt - Phó trưởng Công an thị xã luôn liên lạc qua bộ đàm với các đội cơ động đóng ở các phường thấp trũng trên địa bàn. Lúc 10h30 sáng nay (1/10), đội phường Đông Giang báo lên: nước bắt đầu dâng lên ngập các khu phố 6, 7, 8, 9, không đi được, người dân đang tập trung tại trường học Hoàng Hoa Thám. Tiếp đó, đội Đông Lễ báo cáo: khu phố 7, 8 đã bị ngập. Lúc 3h ngày 1/10, tàu thống nhất từ Hà Nội đi TP.HCM phải dừng lại ở ga Đông Hà. Ba tổ công an thị xã đã tuần tra liên tục, đảm bảo an ninh trật tự.

Theo ghi nhận của chúng tôi, lúc 8h sáng 1/10, ở Quảng Trị bắt đầu mưa tầm tã, gió thổi mạnh. Trên đường rất ít người đi lại, nhà dân đều đóng kín cửa. Một số nhà ở thị xã Đông Hà đã bị gió thổi bay mái tôn. Càng về trưa, vùng Triệu Phong, Hải Lăng mưa dữ dội, gió giật rất mạnh, không thể chạy xe máy trên đường Quốc lộ 1A được. Một số đoạn đường như ở chợ Đông Hà, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ đã bị ngập nước gần hết bánh xe. Thị xã Đông Hà đã bị mất điện cục bộ một số nơi, Văn phòng BCH PCLB tỉnh ở đường Hùng Vương cũng bị mất điện, phải chạy máy nổ.

Kiến Giang

 

Tuyến đường sắt Thống Nhất bị ách tắc

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chiều nay cho biết, bão số 6 đã làm ngã đổ rất nhiều cây xanh dọc theo tuyến đường sắt Thống Nhất, đoạn phía bắc đèo Hải Vân, thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngay trong ngày, ngành đường sắt đã huy động lực lượng tiến hành giải toả cây ngã đổ, cố gắng thông tuyến vào 0h ngày 2/10. Ngày 1/10 đã có 4 đoàn tàu phải nằm lại dọc đường để tránh bão. Đó là các đoàn tàu: SE6 và TN4 từ TP.HCM ra phải nằm lại ga Diêu Trì và Quảng Ngãi; tàu SE3 và SE5 phải nằm lại Đồng Hới và Huế. Cũng trong ngày 1/10, ngoài đôi tàu TN1/TN2 đã có kế hoạch huỷ bỏ chuyến trước đó, ngành đường sắt cũng huỷ thêm 2 đôi tàu nữa là SE5/SE6 và TN3/TN4, chỉ  chạy 3 đôi tàu là SE1/SE2, SE3/SE4 và TN7/TN8. Nếu không có thêm sự cố gì, có khả năng ngày 2/10, ngành đường sắt sẽ cho chạy tổng cộng 5 đôi tàu.

M.Vọng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.