Mét đất rũ bỏ tình thâm...

Phan Thương
Phan Thương
01/12/2019 06:57 GMT+7

Trong vụ tranh chấp đất, bị cáo, cũng là anh trai của người bị hại, thừa nhận toàn bộ hành vi đánh em gái, không đôi co, thậm chí từng quỳ xuống xin lỗi em gái...

Phiên xử phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” chiều 25.11 đối với bị cáo N.V.H (64 tuổi, TP.HCM) diễn ra chóng vánh nhưng bầu không khí ảm đạm, nặng nề và giằng xé nỗi lòng cứ đeo bám mãi những người dự khán và cả hội đồng xét xử (HĐXX).

Từ dấu lăn tay của mẹ già trên tờ giấy trắng...

Sau khi HĐXX phúc thẩm đọc bản án sơ thẩm, bị cáo H. trình bày: “Ngày hôm đó bị cáo nghe chuyện em kêu mẹ lăn tay trên tờ giấy trắng nên có đánh em. Bị cáo biết sai, bị cáo chịu. Bị cáo cũng đã quỳ xuống xin lỗi em trước tòa sơ thẩm, nhưng em bị cáo không chịu. Bị cáo không biết phải làm sao”.
“Bị cáo trình bày cụ thể diễn biến hành vi gây thương tích với bị hại”, chủ tọa yêu cầu. Bị cáo H. trình bày: “Bị cáo bước vào nhà hỏi em có bắt mẹ lăn tay trên tờ giấy trắng không. Em nói nhờ mẹ lăn tay trên giấy trắng để làm CMND. Bị cáo thấy không đúng, hai bên nói nặng nhẹ, bị cáo nóng lên tát em một cái. Em lấy ly đánh lại và bị cáo giật ly đánh em 3 cái vào đầu”. Khai trước HĐXX, bị cáo cũng khẳng định thương tích 9% của em gái là do mình gây ra. Bị cáo chỉ kháng cáo xin HĐXX phúc thẩm chuyển mức án từ 6 tháng tù của TAND Q.12 sang 6 tháng tù treo.
Nhưng, ngược lại, bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với anh trai mình, tăng mức bồi thường từ 25,5 triệu đồng đến hơn 130 triệu đồng. Lý do kháng cáo, bà này trình bày: “Ông H. là người gây tội cho tôi nhưng ông khai gian, né tránh, thể hiện sự không chân thật, chân thành. Ông ta đánh tôi, chứ tôi không phản ứng đánh lại lần nào và cũng không chửi bới. Bước vào nhà là ông ta đã chửi bới, đánh tôi, thể hiện tính côn đồ. Hơn một năm qua ông không bồi thường, hỏi thăm tôi”.
Phiên tòa sau đó tiếp tục, trong khi bị cáo cứ một tiếng “tôi sai, tôi xin lỗi em” thì bị hại một mực “tôi cho ở tù rục xương”, và hai anh em họ không hề có được tiếng nói chung trong căn phòng xét xử nhỏ. Nhà bị cáo có 6 anh em ruột, bị hại là út gái trong nhà, không có chồng nên từ nhỏ ông H. là người yêu thương, lo cho ăn học. Chuyện này cả gia đình ông ai cũng thừa nhận. Nhưng vài năm gần đây, hai anh em bắt đầu bất hòa vì bị hại nảy sinh tranh chấp nhà đất với người chị lớn. Ông H. đứng ra bênh vực người chị. Mâu thuẫn ngày càng lớn dần khi bị hại về nhà bảo mẹ lăn tay trên một tờ giấy trắng…

Máu chảy, sao ruột chẳng mềm !

Bị cáo H. bị xét xử theo khoản 1 điều 134 bộ luật Hình sự, là trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Chủ tọa trong phiên tòa sơ thẩm từng giải thích với bị hại và đưa ra lời động viên: “Anh trai chị đã quỳ xuống xin lỗi chị. Nếu chị rút đơn tại tòa thì tòa sẽ đình chỉ vụ án. Chị là người quyết định tất cả, quyết định số phận anh trai mình”. Nhưng, bị hại vẫn lạnh lùng trả lời: “Tôi không rút đơn”. Chủ tọa này kiên nhẫn: “Tôi nhắc lại, vụ án này chị là người quyết định cuối cùng. Anh chị đã ăn năn hối cải, còn đang chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi”. “Tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu”, bị hại thẳng thừng.
Ở phiên tòa phúc thẩm, vị chủ tọa cũng vài lần nheo mắt hướng về bị hại, giải thích, thuyết phục hòa giải: “Thông qua việc xét xử này, cũng như phiên tòa sơ thẩm, HĐXX luôn muốn phân tích, động viên hai bên, cố gắng giải quyết với nhau, để ngoài việc xét xử đảm bảo quy định pháp luật còn giữ được tình máu mủ ruột thịt. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất sau khi xét xử vụ án này”. Ông nhấn mạnh thêm: “Đây là mâu thuẫn trong gia đình, bị cáo và bị hại là hai anh em ruột. Máu chảy ruột mềm. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Nói gì thì nói hai anh em ruột cũng không khước từ được nguồn gốc của mình, mối quan hệ ruột thịt đối với nhau. Sự việc xảy ra đương nhiên xảy ra rồi, tuy nhiên giải quyết như thế nào để hàn gắn được mới là điều quan trọng. Hai bên nên có một sự cân nhắc”.
Chủ tọa vừa dứt lời, người đàn ông 64 tuổi ấy bật khóc thành tiếng như một đứa trẻ: “Bị cáo sai nên mới có ngày phải đứng ở đây, rồi để chủ tọa nói như vậy. Bị cáo rất đau lòng. Má bị cáo mới mất một phần vì thấy anh em bị cáo như vậy. Với bị cáo như vậy là quá đủ rồi”. Thế nhưng, bị hại vẫn lạnh lùng trả lời: “Tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu” khi được HĐXX hỏi ý kiến.
Vẫn giọng kiên định, rõ ràng, chủ tọa chia sẻ với em gái bị cáo: “Theo tôi được biết, sau bản án sơ thẩm, người mẹ của hai anh em mất. Đây là mất mát lớn nhất. Sự việc xảy ra rồi, đừng để sự mất mát, đau đớn đó tăng thêm. Có những thứ chúng ta sẽ mất nhưng máu mủ ruột già sao rũ bỏ được”. “Tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu”, người em dứt khoát.
Tranh luận, bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư của bị hại cũng mong bà có thể lắng nghe những động viên, chia sẻ của HĐXX để phiên tòa có một kết thúc tốt đẹp, để người mẹ có thể nhắm mắt nơi suối vàng. Song, tất cả không làm thay đổi được ý chí “Tôi phải cho anh ở tù rục xương” của bà đối với anh trai mình.
Cuối phiên tòa, bị cáo được HĐXX chấp nhận kháng cáo, chuyển từ 6 tháng tù giam sang 6 tháng tù treo. Sau phiên xử, bị cáo chạy tới ôm các con và khóc. Ngược lại, bị hại vùng vằng tỏ thái độ không đồng tình với luật sư của mình.
Rồi hai anh em họ rẽ hai ngả rời tòa, tránh ánh mắt nhìn nhau, bỏ lại sau lưng câu nói của ai đó xát muối vào lòng: “Máu chảy, sao ruột chẳng mềm!”.

Anh trai không đòi bồi thường mà chỉ yêu cầu phạt tù em gái

Ngày 18.11 vừa qua, TAND TP.Cần Thơ xử phúc thẩm, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, phạt bị cáo P.Y.M (37 tuổi, ngụ Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) 6 tháng tù (giảm 2 tháng so với án sơ thẩm) về tội "hủy hoại tài sản".
Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều người dự khán không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến chuyện bị cáo và các bị hại là anh em ruột trong một gia đình nhưng bị hại một mực yêu cầu xử lý hình sự chứ không cần bồi thường thiệt hại.
Theo nội dung vụ án, do mâu thuẫn từ việc cha chia đất không đồng đều cho các con, khoảng 5 giờ chiều 24.2.2019, P.Y.M cầm dao đến vườn cây của anh ruột P.H.Q chặt ngang phần gốc 15 cây mãng cầu xiêm đang ra hoa kết trái. Chưa dừng lại, bị cáo M. tiếp tục chặt phá thêm 5 cây cam xoàn trong khu vườn của người em ruột P.M.T. Theo kết luận định giá tài sản, tổng giá trị thiệt hại là hơn 2,4 triệu đồng. Phía bị hại chỉ yêu cầu xử lý hình sự đối với P.Y.M chứ không yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.