Đó là 2 cô giáo Chu Thị Nhì và Nguyễn Thị Hồng, giáo viên điểm trường mầm non Thào Chư Phìn (xã Bát Đại Sơn, H.Quản Bạ, Hà Giang) hằng ngày nuôi dạy 33 học sinh người Mông - Dao, trong đó 14 em ở lại suốt tuần từ thứ hai đến hết thứ sáu mới về nhà.

>> MAI THANH HẢI

Điểm trường mầm non Thào Chư Phìn nằm giữa thung lũng trên dãy núi

Hầu Thị Cá, người dân tộc Mông năm nay mới 3 tuổi, nhà cũng ở bản Thào Chư Phìn nhưng cách điểm trường 2 tiếng leo núi. Năm học mới, vợ chồng Hầu Mí Chá, Sùng Thị Hờ dẫn Cá và anh trai Hầu Mí Chính (5 tuổi) đến tận điểm trường Thào Chư Phìn, dúi 2 đứa vào tay cô giáo: “Muốn nó đi học thì cô giáo phải nuôi đấy”. Cũng vậy, đầu năm học, cả cụm người Dao ở điểm B của bản Thào Chư Phìn nằm sát đường biên đưa 7 đứa trẻ lít nhít 3 - 5 tuổi đến điểm trường dự khai giảng và cùng để con lại: “Nhà đến trường 3 tiếng, trẻ con không tự đi được. Gửi cô giáo thôi”.

Hoa đào trên đỉnh núi Bát Đại Sơn (Quảng Bạ, Hà Giang)

Hôm đầu tiên bò cả nửa ngày trên vách đá lên điểm trường, cả hai cô giáo Chu Thị Nhì và Nguyễn Thị Hồng nản lắm. “Ở nhà chăm sóc con 5 tuổi đã mệt, nữa là 14 đứa, bé nhất 3 tuổi nói tiếng đồng bào còn chưa sõi, mới đi học cứ nhìn thấy cô giáo là khóc ngằn ngặt”, Hồng nhớ lại và nói thêm: “Tháng đầu thay nhau nằm cạnh trẻ 3 tuổi để chúng nghĩ là bố mẹ, cho dễ ngủ. Sáng rửa mặt, tối lau người. Đến bữa là đút cơm cho ăn… Quần quật từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Cuối tuần về nhà, mắt thâm quầng”.

Nhì thì cười: “Trẻ khóc ban đêm phải bế hỏi ngay. Đứa nào bé quá thì lại phải gọi đứa lớn dậy… phiên dịch” và kể: “Đêm đầu tháng 11.2018 vừa qua, Hầu Thị Chúa 4 tuổi đau bụng nôn ói. Cô giáo phải đến nhà dân gần đấy nhờ trông trẻ và dẫn đường cho 2 cô thay nhau vượt núi, luồn rừng hơn 2 tiếng đồng hồ tới điểm Gần Pải ngay giáp biên, gọi y tế thôn bản khám bệnh và trả con cho phụ huynh”. “Rạng sáng về trường, 2 chị em nhìn mặt mũi chân tay sứt xát tím bầm, ôm nhau khóc. May mà con bé không sao”, cô Nhì nói.

Trẻ em bản Thào Chư Phìn trượt đường mòn xuống núi học tiểu học tập trung

Chiều chủ nhật, Nhì và Hồng hẹn nhau từ TT.Tam Sơn (H.Quản Bạ) lên Bát Đại Sơn. Chiếc xe máy cũ, treo buộc đủ thứ rau thịt, mắm muối. Quãng đường hơn 40 km, xe ì ì lên dốc vượt qua những đoạn cua tay áo đến nghẹt thở, gần 2 tiếng mới đến gần mốc 338 phân chia biên giới Việt - Trung để gửi xe, đeo gùi, leo vách đá lên điểm trường.

Người Mông ở cao nguyên đá Hà Giang bảo, Bát Đại Sơn là 8 ngọn núi của trời, Thào Chư Phìn là cổng trời, chỉ tộc Mông hoa người nhỏ, lưng to và lòng tay chân bè ra bám đá, mới leo lên đấy sống và báo hiệu giặc giã xâm lăng cho cả dải biên cương… Với Nhì và Hồng thì chỉ đơn giản: “Đường mòn bò qua núi cao, vách đá dựng đứng, không cẩn thận là rơi xuống vực sâu chết toi”. Hơn 2 tiếng đồng hồ vừa bò vừa nằm nghỉ, rút cục cũng tới điểm trường. Hồng lọ mọ thắp đèn dầu xua tan bóng tối đang từ từ bò vào căn phòng ở lợp mái tôn. Nhì kiên nhẫn ngồi thái từng miếng nhỏ và rang hết tảng thịt heo, làm thức ăn cho học sinh ăn bữa trưa đầu tuần. Hết thịt thì ăn trứng gà, lạc rang.

Học sinh “mầm non bán trú” Thào Chư Phìn tự trải chăn gối ngủ trưa

Sau bữa tối, 2 cô giáo đi nằm sớm. Đây là buổi tối thư thái nhất trong cả tuần ở điểm trường, bởi từ tối mai, các cô sẽ phải trông dạy 33 học sinh ban ngày và 14 học sinh qua đêm, toàn 3 - 5 tuổi mới xa nhà. Câu chuyện quẩn quanh trong ánh đèn dầu: Chu Thị Nhì năm nay 39 tuổi. Con đầu của Nhì đang học xa, con trai út Mai Tiến Thành học lớp 5 tuổi ở điểm trường Sán Trồ và mọi việc chăm sóc gia đình, con cái đều do một tay anh chồng Mai Đức Trung, hiện là Phó chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn, lo liệu. “Em đã xin đưa con lên điểm trường, nhưng núi cao quá, không cõng được con”, Nhì thành thật. Còn cô giáo Nguyễn Thị Hồng 28 tuổi, có 2 cậu con trai. Năm học 2015 - 2016, Hồng được phân công dạy điểm trường Lao Chải. Lúc ấy, cậu út Lẻo Minh Quân mới 7 tháng nên Hồng phải bế con lên. Thấy vợ quá vất vả trên núi, anh chồng Lẻo Đức Trung cũng đành bỏ việc, gửi con đầu cho ông bà ngoại, lên phụ vợ trông con dưới mái gianh lợp tạm ở đầu lớp, nguyên 1 năm học. “Thào Chư Phìn khổ gấp 10 lần Lao Chải, chồng em lên thăm một lần, về sợ không dám lên lần hai”, Hồng cười, mắt toàn nước.

Ở điểm trường “mầm non nội trú” độc nhất vô nhị tỉnh Hà Giang này, ngày nào cũng có 2 buổi “kết thân bên bếp lửa” vào sáng sớm và chiều tối. Đó là lúc nấu ăn, học sinh vây quanh bếp lửa cho ấm, cô trò cùng nói chuyện và… học tiếng nhau. Hoang vắng xa xôi, lại chỉ cách biên giới khoảng 30 phút đi bộ, bước sang bên kia Trung Quốc là đường ô tô chạy ngay sát cột mốc, nhà cửa điện lưới san sát rực rỡ...; cả bản Thào Chư Phìn đều lo các cô giáo bị kẻ xấu bắt cóc nên cử ông Hầu Mí Lùng (50 tuổi) mang súng kíp đến trông coi, phụ giúp nấu cơm, chăm sóc học sinhcùng 2 cô giáo.

Thấy cô giáo vất vả, Cứ Mí Say nhà gần đó cũng xin gia đình cho qua điểm trường trông coi học sinh. Say năm nay 35 tuổi, chưa vợ, bị mù từ nhỏ, ít bạn chơi nên giờ cứ ở rịt điểm trường. Thứ sáu các cô giáo về nhà, Say thơ thẩn trông trường và thức ngóng kỳ được cô giáo lên, mới thở phào: “Thế là cô giáo lên, nếu không cả bản mình buồn lắm”.

Các cô giáo và “anh bảo vệ” Hầu Mí Lùng trên điểm trường

Không chỉ Hầu Mí Lùng, Cứ Mí Say mà cả bản ai cũng quý “2 cô giáo mẹ”. Nhà nào mổ lợn giết gà cũng mang lên cho miếng thịt. Đổ nồi mèn mén (bột ngô) mới cũng mang cả bát sang. Nấu nồi rượu ngô men lá, cũng chắt chai đầu còn nóng hổi, bắt cô giáo phải uống vài chén… Thấy cô giáo cứ vừa nấu cơm vừa đi khắp bản dò sóng điện thoại gọi về cho chồng con, ông Hầu Mí Lùng nhận nấu cơm giúp buổi chiều, để cô tìm được chỗ nói chuyện. Riết thành quen, cứ chiều là dân bản giúp nấu nướng để cô giáo nghỉ ngơi, tham gia dân quân, cùng ra tận đường biên phát quang, quét dọn mốc giới.

Bộ đội đồn biên phòng Nghĩa Thuận tặng áo ấm cho học sinh biên giới Bát Đại Sơn

Không chỉ Hầu Mí Lùng, Cứ Mí Say mà cả bản ai cũng quý “2 cô giáo mẹ”. Nhà nào mổ lợn giết gà cũng mang lên cho miếng thịt. Đổ nồi mèn mén (bột ngô) mới cũng mang cả bát sang. Nấu nồi rượu ngô men lá, cũng chắt chai đầu còn nóng hổi, bắt cô giáo phải uống vài chén… Thấy cô giáo cứ vừa nấu cơm vừa đi khắp bản dò sóng điện thoại gọi về cho chồng con, ông Hầu Mí Lùng nhận nấu cơm giúp buổi chiều, để cô tìm được chỗ nói chuyện. Riết thành quen, cứ chiều là dân bản giúp nấu nướng, để cô giáo nghỉ ngơi, tham gia dân quân, cùng ra tận đường biên phát quang, quét dọn mốc giới.

Buổi sáng lạnh ở Thào Chư Phìn, Hồng chỉ tôi lũ trẻ má phính tròn căng lon ton đến lớp, đứa nào cũng khư khư mấy lá rau cải hoặc quả su su đưa cô giáo: “Đã chọn nghề giáo viên vùng cao thì phải chấp nhận gian khó. Mệt quá thì cứ nghỉ, cứ thong thả, rồi mọi thứ sẽ qua”…

Tôi tin điều mà Nhì, Hồng nói và đã thầm lặng làm ở nơi biên cương heo hút. Họ và bao thầy cô khác, như những cánh hoa đào rừng của Thào Chư Phìn nở sớm, chỉ bừng lên giản dị ở những đỉnh núi góc rừng lặng lẽ, như Bát Đại Sơn.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Mai Thanh Hải


Báo Thanh Niên
27.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.