Máy bay Malaysia mất tích: Họp báo không có phiên dịch tiếng Anh, phóng viên nước ngoài 'chịu chết'

12/03/2014 11:50 GMT+7

(TNO) Nhiều ngày qua, các cuộc họp báo tại Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn Phú Quốc không có người phiên dịch tiếng Anh khiến nhiều phóng viên nước ngoài không nắm hết thông tin về công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

(TNO) Nhiều ngày qua, rất đông phóng viên của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đổ về Phú Quốc (Kiên Giang) đưa tin về việc tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích. Nhưng các cuộc họp báo tại Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn ở Phú Quốc không có người phiên dịch tiếng Anh khiến nhiều phóng viên nước ngoài không nắm hết thông tin.

>> Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia mất tích

Họp báo không có phiên dịch tiếng Anh, nhiều phóng viên nước ngoài ‘chịu chết’
Sau cuộc họp báo chiều 11.3, các phóng viên đến từ Malaysia (giữa) phải hỏi thêm thông tin từ phóng viên Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu

Mỗi ngày ở Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn có hai cuộc họp báo. Một cuộc họp vào buổi sáng, trước khi diễn ra tìm kiếm và một vào buổi chiều sau khi buổi tìm kiếm kết thúc. Các cuộc họp báo diễn ra rất nhanh gọn. Ở đó, những người có trách nhiệm thông báo mọi diễn biến, thông tin trong ngày về cuộc tìm kiếm.

Tuy nhiên, do buổi họp báo chỉ được thông báo bằng tiếng Việt nên một số phóng viên nước ngoài dù có mặt trực tiếp vẫn không nắm đầy đủ thông tin.

Ông Vincent Jiang, phóng viên của tờ 21st Century Business Herald đến từ Hồng Kông, có mặt ở Phú Quốc từ ngày 10.3, với mục đích đưa tin về cuộc tìm kiếm. Ông Vincent Jiang nói tiếng Anh khá tốt nhưng do không có người phiên dịch đi kèm nên sau buổi họp báo ông phải hỏi lại thông tin từ một số phóng viên Việt Nam.

Có cuộc họp báo ông Vincent Jiang đặt câu hỏi bằng tiếng Anh nhưng người trả lời nói bằng tiếng Việt, thành ra ông Vincent Jiang cũng không hiểu câu trả lời mà mình hỏi.

Ngày 11.3, một nhóm phóng viên từ Malaysia đến Phú Quốc đưa tin cũng không hiểu thông điệp của cuộc họp báo. Buổi họp kết thúc, nhóm phóng viên này lại tìm phóng viên của Thanh Niên Online để hỏi cuộc họp có những thông tin gì.

Được biết, có khoảng 60 cơ quan báo chí nước ngoài đăng ký đến Phú Quốc đưa tin tìm kiếm máy bay mất tích. Hầu hết ngôn ngữ mà phóng viên nước ngoài sử dụng là tiếng Anh. Ngoài một số hãng lớn như BBC, Reuters, Tân Hoa xã, New York Times, AFP… có phóng viên là người Việt Nam hoặc thuê người phiên dịch, còn lại phần lớn phóng viên các hãng thông tấn đều nói tiếng Anh khi đến Phú Quốc.

“Việc không có người phiên dịch ở các cuộc họp báo sẽ khiến một số phóng viên nước ngoài không nắm thông tin mà lực lượng tìm kiếm đưa ra. Nên nhớ sự kiện này được cả thế giới quan tâm chứ không chỉ người dân ở Việt Nam”, một phóng viên có mặt đưa tin ở Phú Quốc nói.

Trong hai ngày qua, theo quan sát của phóng viên Thanh Niên Online, Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn ở Phú Quốc đã ưu tiên một số phóng viên nước ngoài theo máy bay để có nhiều thông tin về cuộc tìm kiếm.

Trung Hiếu - Khải  Đơn

>> CIA: Không loại trừ khả năng máy bay Malaysia mất tích bị tấn công khủng bố
>> Máy bay Malaysia mất tích: Hơn nửa triệu người kiểm tra hình vệ tinh để tìm máy bay
>> Có hai nhân chứng nhìn thấy máy bay Malaysia trước khi mất tích?
>> Máy bay Malaysia mất tích bay thấp và lệch khỏi đường bay ban đầu 1 tiếng đồng hồ
>> Máy bay Malaysia gửi tin báo kỹ thuật trước khi mất tích
>> Thân nhân hành khách trên máy bay Malaysia mất tích từ chối nhận tiền hỗ trợ
>> Interpol loại trừ khả năng máy bay Malaysia mất tích vì bị khủng bố
>> Nhà ngoại cảm' gọi điện báo 'máy bay Malaysia mất tích rơi trong rừng... U Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.