Mâu thuẫn trong lời khai về quyền ra y lệnh chạy thận của Hoàng Công Lương

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/01/2019 15:18 GMT+7

Bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định, các bác sĩ đều có quyền ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân. Trong khi bác sĩ Phạm Thị Huyền lại khẳng định, chỉ một mình bị cáo Lương có quyền ra y lệnh.

Sáng 21.1, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (xảy ra ngày 29.5.2017) bước sang ngày xét xử thứ 7, với phần thẩm vấn của luật sư, đại diện Viện kiểm sát với các bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Trả lời luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), về việc tại Đơn nguyên Thận nhân tạo gồm những ai có quyền ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân, bác sĩ Phạm Thị Huyền (bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, chỉ có một mình bác sĩ Hoàng Công Lương được phép ra y lệnh.
Nữ bác sĩ này cũng cho hay, trong quá trình mình làm việc (từ năm 2015 tới thời điểm xảy ra sự cố ngày 29.5.2017), khi bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt sẽ ủy quyền bằng miệng cho các bác sĩ khác ra y lệnh.
Khi luật sư truy vấn việc bác sĩ Hoàng Công Lương ủy quyền ra y lệnh có trái quy định không thì bác sĩ này nói không biết, vì khi nào bị cáo Hoàng Công Lương đi vắng thì sẽ ủy quyền cho các bác sĩ còn lại ra y lệnh.
Tiếp đó, luật sư đặt câu hỏi với bị cáo Hoàng Công Lương, có khi nào ủy quyền để các bác sĩ khác tại Đơn nguyên Thận nhân tạo thực hiện ra y lệnh như nội dung trả lời của bác sĩ Phạm Thị Huyền hay không, thì bị cáo Hoàng Công Lương  tiếp tục khẳng định, bản thân không có quyền ủy quyền ra y lệnh.
"Bị cáo đã nói rõ trong những lần khai trước, là bác sĩ nào có chứng chỉ hành nghề làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đều có thể ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân", bị cáo Lương nói.
Luật sư Quynh hỏi bị cáo Lương có bao giờ vắng mặt tại Đơn nguyên Thận nhân tạo hay không, thì bị cáo Lương cho biết, vào đầu tháng 3.2016 có được lãnh đạo bệnh viện phân công đi tập huấn 1 tuần tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Khi luật sư tiếp tục hỏi trong trường hợp thực tế, bị cáo đi học vắng mặt tại bệnh viện thì ai là người ra y lệnh tiếp tục chu kỳ lọc thận cho bệnh nhân?, bị cáo Lương trả lời: "Bị cáo đi tập huấn 1 tuần, trong thời gian đó những bác sĩ nào có chứng chỉ hành nghề tại khoa đều có thể ra y lệnh".
"Khi bị cáo nghỉ thì ai là người ra y lệnh?", luật sư tiếp tục nhắc lại. Bị cáo Lương một lần nữa khẳng định: "Bị cáo đã nói rõ là bác sĩ nào có chứng chỉ hành nghề cấp cứu nội khoa ở Khoa Hồi sức tích cực đều có thể ra y lệnh lọc máu cho các bệnh nhân, chứ không riêng gì bị cáo".
Luật sư Quynh tiếp đó cho biết đã thu thập được giấy chứng nhận từ 7 - 11.3.2016, bị cáo Hoàng Công Lương lúc đó đang đi học tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), và cho rằng đây là chứng cứ mới vì trong cáo trạng cho rằng, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo chỉ duy nhất bị cáo Lương ra y lệnh.
Tuy nhiên, ngay sau đó, trả lời đại diện Viện kiểm sát, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, theo quy định, chỉ có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề mới được ra y lệnh, trong trường hợp này là bị cáo Hoàng Công Lương, còn các bác sĩ chưa có chứng chỉ như bác sĩ Huyền do ít kinh nghiệm hơn, cần có người kèm cặp, nên mới có việc bác sĩ Lương ký xác nhận bên cạnh y lệnh của các bác sĩ này.
Vị này cũng khẳng định, khi bác sĩ có chuyên môn cao hơn ký xác nhận bên cạnh y lệnh của bác sĩ ít kinh nghiệm hơn, thì trách nhiệm thuộc về bác sĩ ký xác nhận.
Theo cáo trạng, sáng 29.5.2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp (là người không có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước) nói về việc Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế) thông báo hệ thông nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng, nhưng Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền đối với 18 bệnh nhân. Trên cơ sở đó, các điều dưỡng viên tiến hành hoạt động lọc máu cho các bệnh nhân.
Theo Viện kiểm sát, việc ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh của Hoàng Công Lương để tiến hành việc lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2, đã dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 9 người chết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.