Máu đào biên cương

14/12/2014 08:36 GMT+7

Đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng Lai Châu mỗi lần xuống các trạm đồn công tác, dù gấp gáp - bận bịu thế nào cũng đều ghé qua các nghĩa trang liệt sĩ ở trung tâm xã, cạnh đồn hoặc nằm ngay ven đường thắp hương và tỉ mẩn ve vuốt từng gốc đào mốc thếch quanh nghĩa trang.

Đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng Lai Châu mỗi lần xuống các trạm đồn công tác, dù gấp gáp - bận bịu thế nào cũng đều ghé qua các nghĩa trang liệt sĩ ở trung tâm xã, cạnh đồn hoặc nằm ngay ven đường thắp hương và tỉ mẩn ve vuốt từng gốc đào mốc thếch quanh nghĩa trang.

Cây đào thiêng ngoài cổng Đồn BP Pha Long (Mường Khương, Lào Cai)

Cây đào thiêng ngoài cổng Đồn BP Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) - Ảnh: Mai Thanh Hải

“Bao anh em ngã xuống từ những năm còn sơ khai lực lượng, khổ cực không tả nổi”, đại tá Minh nói với tôi như vậy trong chuyến công tác lên Đồn Biên phòng đỉnh núi Sì Lờ Lầu (Phong Thổ) và trầm giọng: “Hoa đào làm vơi đi vất vả của bộ đội và cũng đỏ màu máu bộ đội, suốt 70 năm qua!”...

Giọt máu Xuân Trường

Đồn Biên phòng Xuân Trường ở xã Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng) vốn là địa bàn khó khăn nhất nhì trong tỉnh. Mùa nắng không sao. Cứ mùa mưa là đường sá sạt lở, ra vào phải đi bộ cả ngày đường và mọi liên lạc chỉ trông vào trạm phát sóng của Viettel lúc được lúc không. Lạ nỗi, cứ đầu tháng 12 dương lịch, khi dưới xuôi còn nắng bừng bừng thì Xuân Trường đã co ro trong gió rét và những nụ hoa đào xung quanh doanh trại lại nhu nhú đơm bông. Tò mò hỏi, trung tá Nguyễn Hồng Vinh - Đồn trưởng bảo: “Vì đây là nơi có chiến sĩ đầu tiên của QĐND VN hy sinh, nên hoa nở sớm”.

Đã là bộ đội thì thời nào cũng khổ và có khổ mới là bộ đội. Nhưng với biên phòng, cái sự khổ là nhiệm vụ, trách nhiệm với Tổ quốc, đồng bào, người thân và không ai chối bỏ cái sự vất vả, khổ cực ấy

Đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu

Thì ra, địa danh Xuân Trường trước kia mang tên Đồng Mu. Đêm 5.2.1945, Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường, quê ở xã Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) - 1 trong 34 chiến sĩ tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, vào ngày 22.12.1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình - đã chỉ huy bộ đội tấn công quân Pháp đóng ở đồn Đồng Mu và anh dũng hy sinh. Nhớ ơn người lính đầu tiên của QĐND VN ngã xuống, người dân Cao Bằng đã lấy tên ông đặt cho mảnh đất lịch sử.

Thiêng liêng nhưng cũng rất xa xôi và ít người biết đến vậy, nên anh em biên phòng ở Xuân Trường thường dặn nhau năng qua lại thắp hương cho liệt sĩ Xuân Trường. Bao năm thành thói quen: Không cứ ngày lễ tết - kỷ niệm, mỗi cán bộ chiến sĩ mới về nhận công tác tại đồn đều được dẫn ra bia tưởng niệm kể chuyện - nhắc nhở truyền thống. Cứ dịp Tết trồng cây mỗi năm, bộ đội lại hì hục cắm thêm những gốc đào quanh khu đất Đồng Mu xưa kia để tháng 12 thường lệ, hoa đào lại rực lên những nụ hoa đầu tiên trên biên giới, như giọt máu đầu ghi nhớ - tri ân những người ngã xuống đầu tiên.

 Son sắt Pha Long

Những ngày cuối tháng 12.2014, lên xã Pha Long (Mường Khương, Lào Cai), vừa chạm dốc Cổng Trời nhìn xuống dưới là thấy đỏ bầm màu hoa dưới thung lũng trung tâm xã, quanh doanh trại Đồn Biên phòng Pha Long.

 Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc xua 2 trung đoàn bộ binh có sự yểm hộ đắc lực của pháo binh, bất ngờ tấn công tiêu diệt hòng đánh chiếm Đồn Biên phòng Pha Long, làm bàn đạp tiến sâu sang Lào Cai, xuống Yên Bái. Bị rơi vào thế cô lập, trong tình huống chiến đấu phòng ngự cực kỳ ác liệt, những chiến sĩ Biên phòng Pha Long đã tiêu diệt 800 tên lính xâm lược và trụ vững, kìm chân địch suốt 4 ngày đêm (từ 17.2 - 20.2.1979), tạo điều kiện cho phía sau sơ tán, củng cố, tăng viện. Ngay những ngày đầu đánh trả quân xâm lược, 37 người lính Biên phòng Pha Long đã ngã xuống và lời từ biệt - trăng trối cuối cùng của người lính biên phòng, qua điện cơ yếu về Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn, xin vĩnh biệt các đồng chí”, vẫn rừng rực cháy đỏ trong cuốn sổ vàng truyền thống của đơn vị.

Trung tá Phạm Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long là người gắn bó với nhiều đồn biên phòng trong tỉnh Lào Cai, nói: “Không ở đâu hoa đào có màu đỏ như Pha Long. Càng rét càng đỏ” và dẫn tôi quanh đồn khoát tay chỉ: Ngoài hàng rào, trong doanh trại, ven lối đi, sau ụ súng... đâu đâu cũng màu hoa đỏ, chen bật cả lá xanh. Anh Mạnh kể: Hồi xây bia tưởng niệm ghi tên 37 cán bộ chiến sĩ biên phòng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, ở bên phải cổng đồn, phải chặt đi mấy cây đào làm mặt bằng xây dựng. Cứ tưởng đổ bê tông gạch đá là cây sẽ chết, không ngờ chỉ tháng sau, mầm cây nhú lên và vươn thành những cây đào thân gầy còi cọc, hoa chi chít. Giờ những cây đó vẫn sống, mỗi dịp cuối năm lại son sắt màu hoa…

Nguyện ước A Mú Sung

Cô giáo Nguyễn Vân Chi (quê TP.Yên Bái) đang dạy tiểu học tại thị trấn Bát Xát (Lào Cai) là vợ của liệt sĩ Trần Văn Duẩn.

Rạng sáng 17.2.2011, trung úy Trần Văn Duẩn (Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng A Mú Sung), trong khi làm nhiệm vụ ngăn chặn một thuyền xâm phạm trái phép đường phân thủy của biên giới VN trên sông Hồng, đã anh dũng hy sinh khi vừa bước sang tuổi 29, để lại vợ trẻ và con trai nhỏ mang tên Bảo Nam, ở địa đầu Lũng Pô dự định sống trọn đời.

Cô giáo Vân Chi thường đưa con trai Bảo Nam ra khu vực Lũng Pô, ven sông Hồng - nơi trung úy Trần Văn Duẩn hy sinh rạng sáng 17.2.2011 và mỗi lần như vậy, bé Bảo Nam lại đòi đội chiếc mũ kê pi của bố

Chồng hy sinh, cô giáo Vân Chi được địa phương tạo điều kiện chuyển nơi dạy học từ điểm trường lẻ về thị trấn Bát Xát, thuận tiện nuôi dạy con và cũng nguôi ngoai nỗi đau mất người thân duy nhất trên vùng đất mới lập nghiệp. Thế nhưng, cái gọi là “liền vết thương” quá khó với Vân Chi.

Tôi lên Lào Cai, tìm đến ngôi nhà cấp 4 vắng lặng ven thị trấn, rêu trơn xanh rì khoảng sân nhỏ, che lấp mảnh vườn đìu hiu cây cối và cổng gỗ ọp ẹp chống chếnh. Trong căn nhà tối của buổi chiều nhập nhoạng, ánh mắt liệt sĩ nhoi nhói nhìn xuống từ bàn thờ, bên cạnh là chiếc mũ kê pi vành xanh lá, quân hiệu vàng buôn buốt vách gỗ. Vân Chi thẫn thờ: “Ngôi nhà này, chúng em thuê từ hồi anh ấy chưa mất” và ngân ngấn nước từ đôi mắt tròn: “Hòa bình rồi, chiến tranh hết rồi. Sao chồng em, bộ đội mình vẫn cứ hy sinh?”.

Tôi không trả lời được câu hỏi này của em, suốt dọc chặng đường từ biên giới xa xôi về với thủ đô đông đúc người xe, đầy nhung lụa và ánh sáng. Vẫn lại đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu tẩn mẩn bảo: “Đã là bộ đội thì thời nào cũng khổ và có khổ mới là bộ đội. Nhưng với biên phòng, cái sự khổ là nhiệm vụ, trách nhiệm với Tổ quốc, đồng bào, người thân và không ai chối bỏ cái sự vất vả, khổ cực ấy”.

“Từ năm 2009 đến nay, toàn lực lượng Bộ đội biên phòng có 8 đơn vị được phong tặng và 1 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới, 3 tập thể và 1 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 121 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng, 210 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 678 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của các bộ, 3.389 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng”.

(Nguồn: Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.