'Mắt thần' chống tội phạm

03/01/2017 06:30 GMT+7

Nhiều địa bàn ở TP.HCM được trang bị camera an ninh đã góp phần đáng kể trong phá án và phòng chống tội phạm.

Mới đây, ngày 28.12.2016, Công an P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM bắt giữ Nguyễn Cao Sơn (32 tuổi, tạm trú P.12, Q.Gò Vấp) về hành vi trộm cắp xe gắn máy. Trước đó gần 1 năm, vào tối 26.1.2016, anh T.K.D đến uống nước tại quán cà phê trên đường Huỳnh Văn Nghệ (P.12, Q.Gò Vấp) rồi bị mất xe máy nên trình báo công an. Sau khi trích xuất hình ảnh camera an ninh đặt trước quán, lực lượng chức năng xác định được người trộm xe là Nguyễn Cao Sơn. Tuy nhiên, Sơn nghiện ma túy, hay sống lang thang, sau khi trộm xe đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Đến ngày 28.12.2016, Công an P.12 phát hiện Sơn và đưa về phường làm việc. “Ban đầu Sơn một mực chối tội và quyết không khai bất cứ gì. Tuy nhiên, khi cho xem lại camera thì gương mặt Sơn liền biến sắc và cúi đầu nhận tội ngay”, trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng công an P.12, kể.
Từ hình ảnh camera, nhiều tội phạm đã phải cúi đầu nhận tội Ảnh: Hải Nam

Mua xe gian còn tìm đến nhờ sang tên
Trung tá Lê Thành Hưng cho biết toàn địa bàn P.12 đến nay đã trang bị 530 camera an ninh, đóng góp rất lớn vào công tác phòng chống tội phạm. Trong năm 2016, camera an ninh đã giúp Công an P.12 truy xét bắt 1 vụ cướp tài sản, 3 vụ trộm cắp, 2 vụ gây rối trật tự công cộng.


Trước đây, khi chưa có camera, nhiều vụ dù biết chính xác là hung thủ nhưng phải qua đấu tranh rất khó khăn thì hung thủ mới chịu nhận tội. Nay có camera thì điều này trở nên dễ dàng hơn, có hình ảnh rõ ràng thì hung thủ chỉ có nước nhận tội thôi

Trung tá Nguyễn Văn Kỳ, Trưởng công an P.Tân Thới Hiệp (Q.12)


Trong đó, vào giữa năm 2016 cũng ở P.12 (Q.Gò Vấp), anh D.V.X bị kẻ gian trộm xe cùng giấy tờ xe để trong cốp. Khoảng một tháng sau, có một người đi xe máy tìm đến nhà anh X. với mục đích nhờ anh ký sang tên chiếc xe mà người này đang có ý định mua. Khi biết chiếc xe định mua là tài sản trộm cắp, người này vội phóng xe bỏ chạy. Nhờ hình ảnh trích xuất từ camera an ninh trong hẻm ghi lại biển số xe, lực lượng công an xác định được người đàn ông trên ngụ ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Làm việc với cơ quan chức năng, người này khai đang tính mua lại chiếc xe trên từ một tiệm cầm đồ ở Q.Tân Bình, nên tìm đến anh X. để sang tên. Nhờ đó, lực lượng công an đã tìm thấy chiếc xe bị mất.
Phá án nhanh
Trưa 10.5.2016, tại hẻm 128 Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), anh S. (28 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị hai thanh niên dùng dao đâm chết. Cả hai hung thủ đều bịt khẩu trang, khó nhận dạng. Tuy nhiên, toàn bộ sự việc đã lọt vào một camera an ninh tại con hẻm. Hình ảnh từ camera cho thấy 2 hung thủ đi trên chiếc xe máy không có gác chân phía sau. Kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, Công an Q.Bình Thạnh nghi một trong hai hung thủ là Trần Đông Quốc (sinh 1987, ngụ Đồng Nai, tạm trú Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Cùng lúc đó, trinh sát cũng phát hiện Lê Nhựt Tân (sinh 1992, tạm trú TP.Biên Hòa, Đồng Nai), là bạn của Quốc, đi chiếc xe máy có đặc điểm giống xe máy trong vụ án trên. Ngày 12.5, công an đã làm việc với Tân, Quốc. Trước những hình ảnh của camera, cả hai không thể nào chối tội.
Giữa tháng 9.2016, Công an P.Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) nhận được tin báo có một nhóm người xông vào nhà trọ trên địa bàn, đánh chết anh Phạm Thái Việt (19 tuổi, quê Ninh Bình). Sau khi gây án, nhóm người liền rút khỏi hiện trường và không ai ở khu vực nhà trọ nhận diện được hung thủ. Nhưng nhờ camera được gắn tại nhà trọ, Công an P.Tân Thới Hiệp xác định một số nghi can. Ngay trong đêm, Công an Q.12 rà soát và phát hiện trong một nhóm đang nhậu, một số người có đặc điểm tương đồng với các nghi can nên đưa về làm việc. Chính hình ảnh trích xuất từ camera đã khiến những kẻ gây án không thể chối tội. Cũng qua hình ảnh camera, lực lượng công an còn xác định vai trò của từng người. Có 4 nghi phạm đã bị khởi tố, trong đó, Lương Ngọc Thắng (quê H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) là hung thủ chính, người đã dùng điếu cày đánh vào đầu khiến nạn nhân tử vong. Theo trung tá Nguyễn Văn Kỳ, Trưởng công an P.Tân Thới Hiệp, hiện nay camera an ninh ngày càng trở thành phương tiện đắc lực cho việc phá án được nhanh chóng, chính xác. “Trước đây, khi chưa có camera, nhiều vụ dù biết chính xác là hung thủ nhưng phải qua đấu tranh rất khó khăn thì hung thủ mới chịu nhận tội. Nay có camera thì điều này trở nên dễ dàng hơn, có hình ảnh rõ ràng thì hung thủ chỉ có nước nhận tội thôi”, trung tá Kỳ nói.
Theo Công an Q.12, địa bàn quận hiện được lắp đặt 858 camera an ninh với 104 đầu lưu trữ, 77 màn hình quan sát tại các khu phố và công an phường, với tổng kinh phí khoảng 3,7 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Trong năm 2016, Công an Q.12 đã triệt phá được 39 vụ án nhờ hình ảnh trích xuất từ camera.
Để “mắt thần” phát huy tác dụng
Không những giúp cơ quan công an phá án mà sự hiện diện của camera được cho là còn giúp tình hình an ninh trở nên tốt hơn. Nhiều khu phố trước đây phức tạp về an ninh trật tự nhưng khi có camera thì tình trạng giảm hẳn. Tại khu vực Bến xe An Sương, thuộc xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM, một điểm nóng về ma túy trước kia, giờ cũng đã có chuyển biến rõ rệt. Theo một người dân sinh sống trong con hẻm bên hông bến xe, trước kia khi khu vực này chưa được lắp camera, con nghiện cứ ra vào hẻm chích hút “dập dìu”, từ khi có camera an ninh, tình trạng đã giảm hẳn.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM, cho biết Công an TP tham mưu UBND TP.HCM nhân rộng mô hình camera giám sát an ninh trật tự tại các địa bàn cơ sở cấp phường, xã, thị trấn theo cơ chế “nhà nước và nhân dân cùng làm”, trên cơ sở thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật đường truyền, phân quyền quản lý và truy cập, trích xuất dữ liệu. Về lâu dài, chủ trương của UBND TP “phủ sóng” camera an ninh trên toàn TP.
Bọn tội phạm luôn phải e dè với các tuyến đường có camera an ninh

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng: “Công an quận, phường phải có cơ chế giám sát, quản lý, bố trí camera hợp lý sao cho khi xảy ra vụ việc thì lực lượng công an, bảo vệ dân phố, kể cả người dân phải có mặt kịp thời ngăn chặn, bắt giữ tội phạm. Có như vậy, camera mới phát huy được tác dụng”. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo: “Không trông chờ vào camera. Camera chỉ hỗ trợ một phần nào đó, còn con người (lực lượng công an, bảo vệ dân phố - NV) vẫn là lực lượng nòng cốt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
Cảnh báo trên là đáng lưu tâm, bởi trong buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy TP.HCM và Quận ủy Tân Phú (TP.HCM) vào chiều 28.12, ông Nguyễn Thành Chung, Bí thư Quận ủy Tân Phú, thừa nhận: “Ở những phường này có gắn camera rất nhiều, nhưng gắn camera rồi mà chủ quan không đi tuần tra thì không ngăn chặn được tội phạm. Cứ nói gắn camera rồi tội phạm giảm nhưng không làm gì sao mà giảm được”.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 của TP.HCM ngày 30.12.2016, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong năm 2017 đơn vị sẽ tham mưu Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý an ninh trật tự. Hiện Công an TP.HCM đang đầu tư các trang thiết bị hiện đại trong tổng thể đề án xây dựng TP thông minh như kết nối hệ thống camera về hệ thống trung tâm chỉ huy của Công an TP, phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.