Mạo hiểm ở Sydney

30/07/2012 03:15 GMT+7

Đến nước Úc, bạn có thể leo núi, băng rừng, lướt sóng dữ, lái xe hoặc cưỡi lạc đà xuyên hoang mạc… để tìm cảm giác mạnh. Ở ngay thành phố Sydney hiện đại cũng có một tiết mục mạo hiểm tương tự: leo lên cầu cảng.

Người Úc gọi cây cầu này là The Sydney Harbour Bridge (Cầu cảng Sydney) vừa kỷ niệm 80 năm ngày khánh thành (19.3.1932-19.3.2012). Harbour Bridge là cầu chính bắc qua vịnh Sydney, có chiều dài 2,4 km với 6 làn xe hơi, 2 làn tàu điện, 2 làn cho xe đạp và khách bộ hành. Muốn leo lên Harbour Bridge, bạn phải đăng ký với trung tâm dịch vụ đặt dưới chân cầu, giá vé nếu tính ra tiền Việt hơn 3 triệu đồng/người, đã bao gồm bảo hiểm nhân mạng. Trẻ em không được tham gia tiết mục mạo hiểm này.

Sau khi có vé leo lên cầu, bạn sẽ phải điền vào một tờ khai về tình trạng sức khỏe của mình. Người ta khuyến cáo nếu bạn đang có vấn đề về huyết áp, đường hô hấp, chóng mặt, sợ độ cao… thì tốt nhất không nên mạo hiểm leo lên cầu. Ban tổ chức sẽ tạm giữ một số vật dụng cá nhân như ba lô hoặc túi xách, nón, kính mát, máy quay phim hoặc máy chụp ảnh… để đảm bảo rằng du khách không bị vướng bận, chỉ chú tâm vào chuyện leo trèo và cũng nhằm tránh đánh rơi vật dụng gây nguy hiểm cho xe cộ, người đi bộ và tàu thuyền qua lại bên dưới. Du khách bắt buộc phải mặc bộ đồ áo liền quần (giống như phi công lái chiến đấu cơ), đội nón do ban tổ chức phát, đeo máy bộ đàm sau lưng và tai nghe để có thể nghe người hướng dẫn thuyết minh trong quá trình leo lên và leo xuống với tổng thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ.

Một nhóm leo lên cầu cảng được tập hợp khoảng 10-12 người (tạm gọi vận động viên - VĐV), hướng dẫn viên đi đầu. Mỗi VĐV có một sợi dây cá nhân dài khoảng 1 m dính vào thắt lưng, gắn vào đường dây cáp bằng thép dọc theo lan can của những bậc thang. Người ta đã tính toán những sợi cáp như vậy có thể chịu được trọng lượng hàng ngàn kg, do đó nếu không may ai đó hoặc nhiều VĐV bị trượt chân cùng lúc thì sợi dây cũng khó mà đứt được. Người ta thiết kế đường lên ở thành cầu phía đông, đường một chiều.

Chuyện leo lên tới đỉnh của Harbour Bridge ở độ cao 134 m không có gì khó, nó giống như bạn đi thang bộ lên một tòa nhà cao tầng vậy thôi. Chỉ có điểm khác nhau là gió vì tứ bề gần như trống trơn, càng lên cao gió quất càng mạnh. Nếu leo vào mùa đông của nước Úc như thời điểm hiện nay (từ tháng 6 - tháng 9), ngoài gió còn có thêm cái lạnh nữa, nhưng chẳng hề gì vì “bộ đồ phi công” là bạn đồng hành đắc lực cho VĐV. Đứng trên đỉnh cầu cảng, du khách sẽ có một tầm nhìn 360 độ toàn cảnh thành phố Sydney và những vùng phụ cận. Xa xa bên dưới là Nhà hát Con sò (The Opera House), những tòa nhà chọc trời, những chiếc du thuyền dọc ngang trên làn nước biển xanh ngắt… Và ngay dưới chân mình đứng là dòng xe cộ chạy ào ào qua cầu. Một cảm giác khá thú vị. Sau khi thỏa chí với trời cao đất rộng, hướng dẫn viên sẽ lôi máy ảnh ra chụp chung cho cả nhóm một pô làm kỷ niệm, sau đó chụp riêng cho mỗi VĐV.

Đoạn về lại trung tâm dưới mặt đất dễ thở hơn vì chỉ toàn đi xuống, bằng một lối khác ở thành cầu phía tây. Chỉ đến khi bạn đặt chân lên khu trung tâm thì mới rút dây an toàn ra được. Sau khi hoàn trả những đồ đạc cho ban tổ chức, du khách được giữ lại cái nón lưỡi trai để làm kỷ niệm. Không chỉ có thế, trước khi ra về, ban tổ chức sẽ tặng cho mỗi VĐV một tấm ảnh chụp chung cả nhóm trên đỉnh cầu. Nếu muốn nhiều hơn thế, bạn có thể yêu cầu dịch vụ tại chỗ in cho mình một tấm ảnh cá nhân với giá khoảng 550.000 đồng, hoặc mua 1 USB có 4 ảnh gom lại với giá 1,4 triệu đồng. Với giá này, thực ra không rẻ chút nào, nhưng đối với những du khách có rủng rỉnh tiền trong túi thì đó là “chuyện nhỏ”. Xúc cảm ở chỗ ta đã có tấm ảnh “đắt giá” lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ cho chuyến du lịch khi leo lên một trong 2 biểu tượng của Sydney.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.