Mách nhau cách tránh bẫy dự án 'ma'

01/01/2020 05:30 GMT+7

Qua bài viết Bi kịch mua phải dự án 'ma ' đăng trên Thanh Niên ngày 31.12.2019, nhiều bạn đọc đã chia sẻ những cách giúp tránh bẫy dự án 'ma'.

Như Thanh Niên đã thông tin, sau gần 3 tháng trôi qua kể từ khi vụ án tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và các công ty, đối tượng liên quan bị khởi tố, đến nay quyền lợi của gần 7.000 khách hàng với số tiền bị lừa lên đến 2.500 tỉ đồng vẫn chưa rõ. Có không ít người đã vay tiền để mua đất, trong đó có người quá quẫn bách đã tự sát. Theo nhiều bạn đọc (BĐ), vụ Alibaba và những công ty bất động sản lập dự án “ma” đang bị điều tra là lời cảnh tỉnh với nhiều nhà đầu tư không am tường thị trường bất động sản nhưng lại lao vào “lướt sóng”.

Cảnh giác với “lãi cao, sinh lời nhanh, ít vốn”

“Mọi người ơi cho mình hỏi: Làm sao tránh được bẫy dự án “ma”? Mình đang định mua miếng đất mà thấy hoang mang quá. Cảm ơn mọi người”, BĐ Van Thanh (TP.HCM) đặt câu hỏi. Lập tức, nhiều BĐ đã cùng chia sẻ kinh nghiệm của mình. BĐ Hoa Ban (TP.HCM) viết: “Tôi ghét nhất và tránh xa các vụ việc hứa trả lãi cao, sinh lời nhanh nhưng bỏ vốn ít. Những kẻ rao quảng cáo như vậy 100% là lừa đảo. Chúng chỉ trả lãi như lời hứa vài lần rồi trốn hoặc chây ì không trả tiền. Ai mà chẳng ham lời, nhưng nên suy nghĩ cho kỹ là kinh tế bây giờ khó khăn, ai cũng khó khăn thì miếng đất, căn hộ mình đầu tư sẽ bán được cho ai, ai thuê?”. BĐ Trinh Cuong (Đồng Nai) mách: “Cái chi mà càng lời nhiều thì rủi ro càng cao thôi. Ai mà đi vay chịu lãi suất cao để “đầu tư” vào đất quả là "có gan" nhỉ? Công ty, doanh nghiệp thì tự do muốn đặt tên chi cũng được (miễn luật không cấm), nhưng cái tên mới nghe đã thấy "huyễn hoặc", khó hiểu (như Alibaba) thì cũng nên “ngờ ngợ” mà cảnh giác”.
Trong khi đó, BĐ Ng Thành (TP.HCM) thì cảnh báo đừng chạy theo trào lưu “lướt sóng”, chạy theo đám đông, tranh mua tranh bán, gom hàng... mà dính bẫy dự án “ma”.

Siết trách nhiệm của chính quyền

Nhiều BĐ cũng nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương đối với các dự án “ma”. BĐ Le Van Hai (TP.HCM) “rất mong chính quyền địa phương thật sâu sát, xử phạt mạnh tay đối với các dự án "ma", có thông báo đến người dân. Như vậy sẽ giúp dân tránh được các bẫy dự án "ma"”. BĐ Tam (TP.HCM) cho rằng còn nhiều dự án lừa đảo chưa được phanh phui, đề nghị chính quyền nên mạnh tay cưỡng chế ngay từ đầu, đừng để quá muộn. Và theo BĐ này: “Trung ương nên thanh tra toàn bộ các dự án nghi ngờ có thể có sự tiếp tay của cán bộ địa phương”.
BĐ Thông (Hà Nội) đặt vấn đề: “Người dân đặt viên gạch thì có thanh tra xây dựng đến kiểm tra ngay, vậy còn các dự án bất động sản mênh mông, làm rầm rộ sao chính quyền không biết?”. BĐ Phan Nam (Quảng Nam) cũng cho rằng công ty lập văn phòng, tiếp thị ầm ầm, kéo dây điện, san lấp, làm đường, rao bán, chính quyền nhiều nơi chẳng thấy nói gì thì người dân dính bẫy là đương nhiên!
Cùng quan điểm, BĐ Phong Vu (Hà Nội) cho rằng những dự án “ma” quá lộ liễu, quá rầm rộ như xây nhiều đường nhựa và vỉa hè cây xanh thì không loại trừ có sự móc ngoặc tiếp tay của quan chức địa phương, do vậy cần cơ chế và án lệ để răn đe.
Phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ dự án đó bằng nhiều nguồn: người thân, người dân khu vực đó, chính quyền địa phương, báo chí... Và quan trọng hơn hết là đừng quá tham, chẳng có cái gì mà lãi "trên trời" cả, nếu không là lừa đảo.
TranTinh (Bình Dương)
Muốn làm giàu mà thiếu các kỹ năng cơ bản thì việc chịu rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Người ta làm kinh doanh bài bản với nghiên cứu thị trường, nghiên cứu chính sách, phân tích rủi ro đủ thứ mà đôi khi vẫn bị thua lỗ. Chứ cái kiểu làm ăn cứ thấy lợi bằng “tai” rồi lao vào không đắn đo suy nghĩ thì thất bại là chuyện đương nhiên.
Hoàng Nhân Ái (Quảng Bình)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.