Lý Sơn thu phí 'thăm' đảo: Để tình yêu biển đảo thăng hoa, hay tận thu phí?

Phạm Anh
Phạm Anh
17/07/2019 16:22 GMT+7

Lý Sơn là đảo tiền tiêu, vừa được HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua chủ trương thu phí tham quan đối với du khách trong và ngoài nước.

Mức thu phí tham quan Lý Sơn từ 30.000 - 70.000 đồng/người/lượt. Chủ trương này đã được thông qua, nhưng phương án thu cụ thể như thế nào hiện chưa được ấn định.
Vấn đề đặt ra là, Lý Sơn là đảo tiền tiêu gắn liền Hải đội Hoàng Sa vang danh trong công cuộc khẳng định chủ quyền Tổ quốc, thì nên miễn phí tham quan Lý Sơn như lâu nay để góp phần cho tình yêu biển đảo thăng hoa, hay là cứ tận thu phí vì nguồn ngân sách không đủ đầu tư hạ tầng?

Nên tham vấn cộng đồng Lý Sơn

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường đại học Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi) là người có thâm niên 30 năm nghiên cứu về Lý Sơn, gắn bó với đất đảo tiền tiêu này, gắn bó với người dân đảo mộc mạc, ấm tình Lý Sơn.
Qua những hiểu biết của mình, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ được xem là người khởi xướng, góp công sức vào việc phục dựng lại lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, để rồi năm 2013, lễ này được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Đó là chưa kể việc ông khuyến cáo dòng họ và người dân trên đảo Lý Sơn trùng tu, bảo vệ di tích, liên quan đến chủ quyền lãnh hải, an ninh quốc gia.
Sáng 17.7, xung quanh vấn đề HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua chủ trương thu phí khách tham quan trên đảo Lý Sơn, trao đổi với PV Thanh Niên, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho rằng do không được tham gia họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa qua, lại càng chưa đọc đề án về việc thu phí khách du lịch lên đảo. Do đó, ông không "bàn ra bàn vào" việc này.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Lý Sơn là đảo tiền tiêu đặc biệt, khoảng 24.000 con người sinh sống trên đây, nên trước khi ra quyết định về quy định thu phí khách tham quan đảo, tỉnh Quảng Ngãi nên tham vấn cộng đồng dân Lý Sơn.
Về quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cũng đồng tình với việc thu phí, nhưng thu phí như thế nào thì tỉnh Quảng Ngãi cần cân nhắc. 

Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải khi được xây dựng lên, khách du lịch thập phương đều đến đây bái vọng, thể hiện niềm tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ra đi, nằm lại biển khơi vì giang sơn nước Việt

XUÂN THỌ

Một góc biển đảo Lý Sơn

THÔNG TIN DU LỊCH LÝ SƠN

 
Lo đầu tư, rồi hãy thu phí
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ góp ý, nếu thu phí du khách tham quan đảo, thì nên đầu tư vào di tích và danh thắng ở đây, để làm tăng thêm giá trị cảnh quan, di tích đó.
Chẳng hạn như ở núi Giếng Tiền, với cảnh đẹp nên thơ thiên nhiên ban tặng, ta không nên phá vỡ cảnh hoang sơ đó, mà "nhân tạo" trồng phi lao vào đây.
"Tốt hơn hết (có thể chính quyền hay doanh nghiệp) làm lối đi thân thiện, rồi sau đó thu phí", Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nêu ý kiến.
Hay như về bộ xương cá voi lớn nhất nước đang bảo quản ở lăng Đồng Đình đại vương (lăng Tân). Bây giờ bộ xương này để hậu điện, mỗi xương sườn dài 3,7 m; xương ngà dài 4,7 m; đường kính đốt sống 0,41 m; chiều ngang xương đầu dài 2,9 m; chiều ngang xương rẻ quạt 1,6 m.
Trải qua mấy trăm năm, nhưng xương cốt vẫn rắn chắc và vào cuối năm mới mở cửa cho khách cùng dân địa phương xem. Nếu phục dựng lại bộ xương cá voi này, sau đó tổ chức cho khách tham quan vào chiêm ngưỡng, ta mới thu phí. Đầu tư, sau đó thu tiền phí, là nhằm thu hồi tiền bỏ ra, sau nữa là bảo tồn và phục vụ khách tham quan. Làm như vậy khách đến đây sẽ thỏa mãn hơn khi bỏ đồng tiền đóng góp cho sự phát triển của Lý Sơn.

Lý Sơn nhìn từ trên cao, sẽ thấy một màu xanh cây trái quyện với màu đại dương sâu thẳm. Màu xanh ngút ngàn của những cánh đồng tỏi, hành… ở Lý Sơn đẹp nhất là vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán hằng năm

XUÂN THỌ

Đôi ngã còn… phân vân
Vào trang facebook Đảo Lý Sơn của chính con em trên đảo này lập ra, có nhiều ý kiến bàn về vấn đề thu phí khách du lịch trên đảo Lý Sơn.
Theo chia sẻ của anh Lê Anh Việt trang facebook Đảo Lý Sơn (và xác minh của PV Thanh Niên), cách đây 2 năm (khoảng tháng 7.2017), nhiều người dân Lý Sơn phản ứng gay gắt việc huyện đảo này cho các tổ chức dựng trạm, đắp bãi thu phí 20.000 đồng/du khách ở Hang Cau. Việc thu phí này sau đó bãi bỏ.
Theo anh Lê Anh Việt, muốn thu phí cũng được, "nhưng hãy làm cái gì đó để du khách bỏ tiền ra sử dụng thì hay hơn. Còn các điểm như Hang Cau, Chùa Hang, Chùa Đục.., vốn có ngàn xưa, một phần của thiên nhiên, một phần của ông cha để lại".
Một người gốc gác đảo Lý Sơn, là anh Đặng Hữu Diệp cũng viết trên trang facebook Đảo Lý Sơn rằng, du khách đến Lý Sơn vì vẻ đẹp hoang sơ, thắng cảnh độc lạ và con người chân chất ở "đảo tỏi". Còn dịch vụ du lịch, anh Đặng Hữu Diệp nói rằng, nghe du khách chê đất đảo nghe mà bẽ mặt: "Thu phí để làm gì. Trong khi những dịch vụ tiện ích cơ bản chưa đáp ứng được… Thu theo kiểu như vậy, người ta gọi là tận thu…".
Anh Nguyễn Văn Định, "vua tỏi Lý Sơn" lại có góc nhìn khác. Anh Định bộc bạch rằng, mình ủng hộ thu phí khách du lịch, nhưng không phải 30.000 - 70.000 đồng/lượt/khách, mà là 100.000 đồng/lượt/khách cũng tốt.
Tuy nhiên, theo "vua tỏi Lý Sơn", dịp này chính quyền nền tuyên truyền, khuyến cáo người dân thay đổi canh tác trồng tỏi, vệ sinh môi trường, góp phần thu hút du khách tham quan.
Anh Phan Long, Công ty lữ hành Đại Việt, cũng đồng ý với việc thu phí. Tuy nhiên, anh Long cho rằng chính quyền nên thu thí điểm trước 20.000 - 30.000 đồng/lượt/khách, nhưng hiện nay chỉ nên thu đảo Lý Sơn, còn đảo Bé nên dừng lại. Lộ trình những năm về sau, khi dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn thì điều chỉnh mức thu thì sẽ hợp lý hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.