Lý Sơn: Đảo mỗi ngày một mặn

Phạm Anh
Phạm Anh
18/08/2019 09:04 GMT+7

Để giữ nguồn nước ngọt, cách tốt nhất vẫn là bảo quản, bảo vệ túi nước trên biển, xem xét các dự án đầu tư xây dựng tại đảo Lý Sơn ₫ể hạn chế thấp nhất việc hút nước ngọt trong lòng đất phục vụ công trình.

Cùng với giếng khoan, giếng đào xuất hiện mỗi ngày một nhiều thì việc khai thác nước ngọt để xây dựng các công trình đã làm trữ lượng nước trong lòng đất của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sụt giảm nghiêm trọng, gây tình trạng xâm nhập mặn, nhiễm mặn ngày càng gay gắt.

Xây lu trước, xây nhà sau

Mới đây tại một bãi tắm ở đảo Bé (xã An Bình, H.Lý Sơn), một số du khách tắm biển phàn nàn vì một xô nước ngọt tắm lại phải trả 20.000 đồng là quá đắt. Thế nhưng khi nghe người bán giải thích chỉ là “huề vốn”, vì nước này phải đưa từ đảo Lớn ra với giá 300.000 đồng/m3, các vị khách khó tính mới dịu nét mặt. Ông Huỳnh Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết người dân mua nước ngọt từ đảo Lớn qua, giá tại cầu cảng đảo Bé là 220.000 đồng/m3, nước vào bên trong đảo thì chi phí thêm gần 100.000 đồng/m3 nữa.
Năm 2011 về trước, nhà nào ở đảo Bé cũng có máng hứng nước mưa chảy xuống lu chứa, để dành dùng quanh năm. Đàn ông, con trai muốn tắm là ra biển. Về nhà tắm lại, nhưng lại đứng trong thau, tiết kiệm nước để tưới cây. Tháng 5.2013, đảo Bé được tài trợ máy lọc nước biển sang nước ngọt, những cái lu đựng nước mưa sinh hoạt được chuyển sang tưới cho cây. Năm nay, máy lọc nước biển thành nước ngọt bị hỏng, những cái lu của hơn 500 người trên đảo lại hữu dụng.
“Mấy cơn mưa từ cuối tháng 7 đến nay đã phần nào giải khát cho đảo Lý Sơn, nhất là cho đảo Bé. Bà con lại lấy lu ra hứng nước mưa để sinh hoạt. Ngoài ra, năm nay, dân đảo Bé trước khi xây nhà, đều phải làm bể chứa nước 20 - 30 m3”, ông Hùng nói.
Ở đảo Lớn (gồm 2 xã An Vĩnh và An Hải), tình cảnh thiếu nước sinh hoạt năm nay cũng trầm trọng. Ngay như giếng Xó La ở thôn Đông, xã An Vĩnh, chưa bao giờ bị cạn và nhiễm mặn, nhưng mùa hè năm nay nước cũng cạn gần đáy và bị nhiễm mặn. Ông Nguyễn Thới, một người ở đảo Lớn, cho biết gia đình ông kinh doanh nhà nghỉ. Để phục vụ khách du lịch, gia đình có 4 cái giếng cả khoan và đào, nhưng đến hè này có 2 giếng hết nước và nhiễm mặn, 2 giếng còn lại còn rất ít nước, không đủ sinh hoạt, phải mua thêm hơn 1 triệu đồng tiền nước ngọt mỗi tháng.
Theo thống kê của UBND H.Lý Sơn, hầu hết các giếng nước cung cấp nước sinh hoạt ở huyện đảo đã bị nhiễm mặn và cạn khô; 2/3 hộ dân ở 2 xã An Hải và An Vĩnh phải chấp nhận dùng nước nhiễm mặn. Đó là chưa kể hơn 200 ha hoa màu vụ hè thu bị thiếu nước tưới.
Đảo mỗi ngày một mặn1

Túi nước ngầm Lý Sơn nằm dưới kẽ nứt đá bazan

Ảnh: Tấn Phát

Khai thác quá mức

Theo Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung, đảo Lý Sơn có bề mặt là cát và đá vụn san hô, phía dưới là tầng bazan nứt kẽ. Túi nước ngọt nằm ngầm trong tầng bazan này. Những năm gần đây, do tốc độ phát triển ở Lý Sơn khá nhanh, nên túi nước ngầm này bị “hút máu” trầm trọng. Theo điều tra, năm 2014 đảo này có 550 giếng nước, đến thời điểm này đã lên đến 939 giếng đào và 1.210 giếng khoan thủ công, dùng để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đã gây nguy cơ cạn kiệt và làm nhiễm bẩn nguồn nước.
Nghiên cứu cho thấy, năm 1998 một số lỗ khoan ở khu trung tâm bị nhiễm mặn độ sâu 40 - 45 m, thì nay chỉ 30 - 35 m nước đã bị nhiễm mặn. Từ năm 2012 - 2017, túi nước ngọt tụt 5 m, thì từ 2017 đến nay túi nước tụt gần bằng 5 năm trước. Tầng chứa nước Lý Sơn bị nhiễm mặn toàn bộ diện tích ven bờ, vùng địa hình thấp hơn mực nước biển. Nguyên nhân chính là do khai thác nước ngọt quá mức cho phép, dẫn đến mức nước trong tầng bazan hạ thấp, để nước biển tràn vào, lấn sâu vào đất đảo, tăng diện tích nước bị nhiễm mặn.
Đến nay, tầng chứa nước khe nứt đã bị nhiễm mặn đến trung tâm đảo Lớn. Khu vực thôn Đông, xã An Vĩnh, xâm nhập mặn vào sâu 300 - 500 m; thôn Tây, xã An Vĩnh xâm nhập mặn từ 100 - 200 m, còn lại các thôn: Đông, Tây và Đông Hội của xã An Hải xâm nhập mặn từ 50 - 100 m và theo tính toán từ các lỗ khoan sâu vào các lỗ hổng trầm tích, xác định được ranh giới nhiễm mặn lấn sâu vào đảo khoảng 2,61 km2.
Ngoài ra, do quá trình sản xuất khoảng 300 ha đất nông nghiệp (1 vụ tỏi, 3 vụ hành/năm), mỗi năm người dân Lý Sơn sử dụng 600 tấn phân bón và 40 tấn thuốc bảo vệ thực vật, lượng bao bì, chai thuốc không thu gom hợp lý, đã thải ra xung quanh gây hại môi trường và ngấm vào lòng đất.
Đảo mỗi ngày một mặn2

Giếng Xó La mùa hè này đã nhiễm mặn

Ảnh: Phạm Anh

Giữ nước ở lại đảo

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết huyện đã báo cáo tình trạng thiếu nước ngọt và bị nhiễm mặn lên UBND tỉnh Quảng Ngãi. Để có nguồn nước ổn định lâu dài, H.Lý Sơn đề nghị tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Lớn và nâng cấp nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé; xây hồ dự trữ nước tại đảo Bé; đề nghị tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị T.Ư hỗ trợ kinh phí đầu tư dự án đưa nước sinh hoạt từ đất liền ra Lý Sơn. Còn tại đảo, chính quyền khuyến cáo người dân chỉ khoan giếng khi ngành chức năng cho phép, vận động người dân tiết kiệm và dùng chung giếng nước; xây bể chứa dự trữ nước mưa; trồng và bảo vệ cây xanh để giữ nước.
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), nếu đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt, vốn ban đầu không lớn nhưng vận hành, hoạt động lâu dài khó bảo trì, vì ở môi trường biển máy móc sẽ mau hư hỏng. Còn đưa nước ngọt theo đường ống cấp nước từ đất liền ra, thì đầu tư ban đầu lớn, nhưng vận hành liệu có khả quan? Cách tốt nhất vẫn là bảo quản, bảo vệ túi nước trên biển, xem xét các dự án đầu tư xây dựng tại đảo để hạn chế thấp nhất việc hút nước ngọt trong lòng đất phục vụ công trình.
Còn theo ông Nguyễn Biện Như Sơn, Phụ trách Phòng Tài nguyên nước, Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, nguồn nước ở đảo Lý Sơn lâu nay đều là nước mưa và các hồ chứa nước. Vì vậy, làm sao cho lượng nước mưa hằng năm không thoát ra biển, mà nằm lại, ngấm vào lòng đất và ngày càng trữ nhiều hơn, giúp túi nước ngầm tăng lên theo thời gian vẫn là biện pháp tốt nhất. Ông Sơn cũng cho biết, đang nghiên cứu triển khai cách giữ nước này theo cách “nén”, ép nước chảy về các khe nứt tầng bazan để ngấm, trữ túi nước. “Nếu cách làm này thành công thì sẽ tiết kiệm vô cùng lớn cho đảo Lý Sơn và về lâu dài không ngay ngáy lo về nước sinh hoạt cho người dân đảo”, ông Sơn nói.
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý. Trên đảo còn lại vết tích của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây hàng triệu năm. Đây là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính, cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo. Diện tích của huyện đảo khoảng 9,97 km2, dân số khoảng 24.000 người, gồm 2 đảo: đảo Lớn (xã An Vĩnh và xã An Hải), đảo Bé (xã An Bình). Năm 1992, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.