Lương tối thiểu vùng 2019 sẽ ngã ngũ trong hôm nay

Thu Hằng
Thu Hằng
13/08/2018 09:34 GMT+7

Sáng nay 13.8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp phiên thứ 3 để quyết định mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Theo nhận định của các chuyên gia, tại phiên họp này, lương tối thiểu sẽ ngã ngũ.

Căng thẳng đã giảm nhiệt
2 phiên họp căng thẳng diễn ra trong tháng 7, các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia không thể tìm được tiếng nói chung khi thảo luận mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
Từ khoảng cách 8% ở phiên thứ nhất, trong phiên thứ 2, phía đại diện cho chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhượng bộ từ không tăng đưa lên mức mức tăng 2%. Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%.
Trong khi đó, đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ mức đề xuất 8%.
Trao đổi với Thanh Niên trước phiên họp sáng nay, PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho biết trong phiên thứ 3, tình hình không còn căng thẳng đối đầu như ở các phiên trước. “Tổng Liên đoàn vẫn giữ quan điểm của mình ở mức 8%, chúng tôi đang vận động chủ sử dụng lao động nâng mức tăng lương cao hơn so với mức họ đã đề xuất trong phiên thứ 2. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, người lao động cần được hưởng lợi thành quả do mình làm ra. Khi mức lương các bên tiến gần lại với nhau, chắc chắn lương tối thiểu sẽ ngã ngũ trong ngày hôm nay”, ông Thọ nói.
Khác với những phiên họp trước, đại diện VCCI khá kiệm lời chia sẻ thông tin về mức tăng lương tối thiểu. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, bước vào phiên sáng nay với tâm lý cởi mở: “Nguyên tắc của Hội đồng tiền lương quốc gia là phải có sự đồng thuận, chắc chắn VCCI sẽ có sự điều chỉnh tăng lên cho phù hợp để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn. Mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc họp nhưng chắc chắn sẽ chốt trong ngày hôm nay”.
Lương tối thiểu sẽ tăng ở mức trên 5%!?
Theo bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết trong phiên thứ 2, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới chỉ dừng lại ở việc phân tích tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Bức tranh kinh tế tương đối khả quan. Tuy nhiên, Hội đồng cũng nhận thấy những thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đã sắp đạt 4%, sát với mục tiêu của Quốc hội.
Bà Minh bày tỏ: “Hiện Chính phủ đang "gồng mình" để giữ CPI không tăng mới đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động. Nếu tiền lương tăng được vài đồng, nhưng giá cả hàng hóa tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa với người lao động. Việc tăng lương cần cải thiện được đời sống, giữ được việc làm cho người lao động. Điều này cũng có nghĩa là cần hài hòa với khả năng chi trả của doanh nghiệp để tạo ra việc làm ổn định.
Một thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, bộ phận kỹ thuật đã chuẩn bị 4 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 để các bên cùng tham khảo cho ý kiến là: 4%, 5%, 5,5% và 6,1%.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho hay quan điểm của Chính phủ là tạo cơ hội cho các bên thương lượng, từ đó đề ra các mức tăng xích lại gần nhau hơn. Tăng ở mức bao nhiêu không chỉ cần đảm bảo lợi ích các bên, mà còn cần đảm bảo cả các vấn đề quốc gia như việc làm, trật tự, an sinh xã hội. “Trong bối cảnh lạm phát không quá cao, năng suất lao động tăng, doanh nghiệp đối mặt với rủi ro về tỷ giá, chiến tranh thương mại đối đấu…chúng tôi khuyến cáo các bên tiền lương tăng ở mức từ 5-5% là hợp lý. Trong trường hợp các bên không đi đến thống nhất. Chủ tịch Hội đồng sẽ đưa ra phương án cuối cùng để 2 bên bỏ phiếu”, ông Diệp nói.
Còn theo nhận định của ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, mức tăng lương tối thiểu năm 2019 ở mức 5%. Ông Huân chia sẻ: “Các bên không thể xuống hơn nữa, mức 4% thực chất chỉ đủ bù trượt giá. Mức lương năm 2019 phải cao hơn năm, dù cho mức tăng là rất nhỏ. Tôi cũng mong cho người lao động được tăng lương nhưng còn khả năng doanh nghiệp, thuế tận thu, chi phí lao động tăng, đơn hàng khó, cạnh tranh quyết liệt, công nghề, máy móc thiết bị lạc hậu...thì không biết họ có tồn tại được không chứ chưa nói đến phát triển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.