Lương thực đã đến với dân vùng bị cô lập

02/11/2020 08:06 GMT+7

Nhận được hàng cứu trợ là lương thực, thực phẩm sau nhiều ngày bị cô lập vì mưa lũ gây sạt lở, nhiều người dân 2 xã Phước Lộc và Phước Thành, H.Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã không kìm được nước mắt.

Hôm qua (1.11), khoảng 3.000 hộ dân bị cô lập nhiều ngày ở 2 xã Phước Lộc và Phước Thành đã được tiếp tế lương thực, thực phẩm cả bằng đường hàng không và đường bộ.

Xé rừng băng suối, cõng thực phẩm cho 3.000 người đang kêu cứu vì sạt lở

“Mừng rơi nước mắt khi thấy trực thăng tiếp tế”

Sáng 1.11, Trung đoàn 930 - Sư đoàn 372 thực hiện chuyến bay trực thăng cứu hộ đầu tiên, chở theo 2 tấn hàng tiếp tế cho bà con xã Phước Lộc đang bị cô lập. Đây là hướng tiếp tế hàng cứu trợ được trông đợi nhất vì nhanh và vận chuyển được khối lượng lớn, đặc biệt trong điều kiện sạt lở nghiêm trọng xảy ra những ngày qua khiến việc tiếp tế bằng đường bộ cực kỳ khó khăn.
Người dân xã Phước Lộc chờ nhận hàng tiếp tế từ trực thăng quân đội ẢNH: ĐỘC LẬP

Người dân xã Phước Lộc chờ nhận hàng tiếp tế từ trực thăng quân đội

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trong chuyến thứ hai thực hiện chiều cùng ngày, chiếc trực thăng do thượng tá Nguyễn Ngọc Trung, Trung đoàn trưởng 930 làm cơ trưởng, ngoài việc tiếp tế hàng cứu trợ còn đón 3 người dân tại xã Phước Lộc về Đà Nẵng để được trợ giúp y tế. Có mặt trên chuyến bay đặc biệt này, PV Độc Lập của Báo Thanh Niên cho biết từ trên máy bay nhìn xuống thấy nhà dân xơ xác, đường sá ngổn ngang bùn đất, các vách núi bị sạt lở loang lổ. Nhiều người dân đứng trên mái nhà giơ cao nón vẫy hoặc đổ ra đường ngóng chờ hàng cứu trợ. Ông Hồ Văn Hà (43 tuổi, thôn 6, xã Phước Lộc) kể: “Lũ cuốn trôi hết, chúng tôi không còn cái ăn. Mấy hôm nay bà con chia nhau từng củ khoai còn sót lại”.
Để những chuyến hàng vào với người dân đang bị cô lập, lực lượng phải băng rừng, lội suối ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Phải băng rừng, lội suối để chuyến hàng vào với người dân đang bị cô lập

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Vừa được đỡ lên máy bay, thai phụ Đinh Thị Tươi (28 tuổi, giáo viên ở xã Phước Lộc) nước mắt lưng tròng ngoảnh đầu nhìn tạm biệt chồng, bà con và những căn nhà xác xơ vì lũ. Để đảm bảo an toàn cho đứa con trong bụng, chị đành từ biệt người thân để được đưa về Đà Nẵng một mình, chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Trong khi đó, bà Lê Thị Kỷ (65 tuổi, ngụ xã Phước Lộc) phờ phạc sau nhiều đêm không ngủ được vì lo sợ, khi 21 năm sống tại H.Phước Sơn, lần đầu bà chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng cả quả đồi sạt lở. Căn nhà của bà đã bị cuốn trôi toàn bộ, mấy ngày qua bà tá túc nhờ trong thôn. “Ngày ni nhờ anh em đây (trực thăng cứu trợ - PV) gửi đồ ăn chứ cả xã không có chi ăn nữa hết. Người dân chúng tôi mừng rơi nước mắt khi thấy trực thăng tiếp tế hàng”, bà Kỷ chia sẻ.
Sạt lở vùng cao Quảng Nam nhìn từ trực thăng ẢNH: ĐỘC LẬP

Sạt lở vùng cao Quảng Nam nhìn từ trực thăng

ẢNH: ĐỘC LẬP

Cuộc sống nơi 3.000 người đang kêu cứu vì sạt lở nhìn từ trực thăng

Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Ngọc Trung, cơ trưởng 2 chuyến bay trong ngày 1.11, cho biết thời tiết rất phức tạp, nhiều mây và gió lớn nên tiếp cận khu vực đồi núi rất khó khăn, nhưng tổ bay vẫn quyết tâm và tính toán chính xác phương án giảm độ cao xuống khu vực lòng chảo Phước Lộc, thả hàng hóa tiếp tế cho bà con. “Ở chuyến thứ hai sau khi thả hàng, trực thăng đón 3 người cần hỗ trợ y tế trong điều kiện khu vực đáp nhỏ hẹp, cần độ chính xác rất cao. Điều chúng tôi vui nhất là hàng hóa đến các khu vực đồng bào bị chia cắt, kịp thời để đồng bào không bị đói rét”, thượng tá Nguyễn Ngọc Trung nói.
Chị Đinh Thị Tươi rơi nước mắt khi được trực thăng quân đội đưa về Đà Nẵng để sinh con ẢNH: ĐỘC LẬP

Chị Đinh Thị Tươi rơi nước mắt khi được trực thăng quân đội đưa về Đà Nẵng để sinh con

ẢNH: ĐỘC LẬP

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp chỉ đạo cứu trợ, cứu nạn từ trực thăng, chia sẻ với PV Thanh Niên: “Điều kiện thời tiết bay rất khó khăn, nhưng các đồng chí bình tĩnh, mưu trí, tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cứu trợ nhân dân là mệnh lệnh trái tim…”.
Lực lượng gùi cõng hàng cắt đường rừng ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Lực lượng gùi cõng hàng cắt đường rừng

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Cô giáo khóc trên trực thăng, cảm ơn quân đội đưa ra khỏi vùng sạt lở

Hàng trăm người trèo đèo, lội suối cõng hàng cứu trợ

Trong khi đó, sau nhiều ngày nỗ lực thông tuyến, hôm qua những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên bằng đường bộ cũng đã đến tay người dân 2 xã vùng cao Phước Thành và Phước Lộc.
Một em bé đến UBND xã nhận hàng cứu trợ ẢNH: TRÁC RIN

Một em bé đến UBND xã nhận hàng cứu trợ

ẢNH: TRÁC RIN

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cho hay trong sáng 1.11 đã huy động khoảng 500 người gồm quân đội, công an, biên phòng, lực lượng dân quân, người dân tham gia vận chuyển hàng. Với đoạn đường gần 10 km, lương thực thực phẩm được chia thành bao 30 kg, lực lượng gùi cõng gặp rất nhiều khó khăn do địa hình di chuyển phải vượt qua đồi dốc, suối, cầu treo...
Dỡ gạo xuống xe để chuẩn bị gùi cõng vào cho những hộ dân bị cô lập ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Dỡ gạo xuống xe để chuẩn bị gùi cõng vào cho những hộ dân bị cô lập

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo ông Hà, trong ngày 1.11, các lực lượng đưa khoảng 8 tấn hàng vào tiếp tế người dân để kịp ổn định lương thực, thực phẩm, trước khi bão số 10 ảnh hưởng tới đất liền. Dự kiến hôm nay và ngày mai (3.11), nếu thời tiết thuận lợi sẽ tranh thủ vận chuyển 15 tấn hàng gồm gạo, mì chính, nước mắm, thịt hộp... vào cả 2 xã.
Trong ngày 1.11, Sư đoàn 372 đã thực hiện thành công 2 chuyến bay đưa khoảng 4 tấn hàng hóa đến với người dân ẢNH: ĐỘC LẬP

Trong ngày 1.11, Sư đoàn 372 đã thực hiện thành công 2 chuyến bay đưa khoảng 4 tấn hàng hóa đến với người dân

ẢNH: ĐỘC LẬP

Gian nan băng rừng, lội suối cõng hàng cho 3.000 người dân kêu cứu vì sạt lở

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho hay mưa lũ đã cuốn đi hàng chục ngôi nhà, tài sản của người dân. Hiện bà con đang phải tá túc tạm trong trường học, trạm y tế. Lượng gạo dự trữ đủ để cấp phát tạm thời, nhưng thực phẩm và quần áo rất thiếu thốn. Do vậy, khi nhận hàng tiếp tế, bà con nhiều người rơi nước mắt.
PV Thanh Niên đi cùng các mũi tiếp tế lương thực đã ghi nhận những nỗ lực của lực lượng chức năng.

Hàng cứu trợ của Thanh Niên theo trực thăng đến tay người dân

Sáng 1.11, gần 3 tấn hàng cứu trợ khẩn cấp của Báo Thanh Niên đã được chuyển tới Sư đoàn 372 để theo các chuyến bay trực thăng tiếp tế cho 2 vùng bị cô lập hoàn toàn là Phước Lộc và Phước Thành. Hàng gồm 100 thùng nước đóng chai, 50 thùng sữa TH True Milk, 40 thùng xúc xích, 500 thùng mì gói, là món quà bạn đọc, Công ty CP sữa TH True Milk, Tập đoàn Masan hưởng ứng lời kêu gọi của Báo Thanh Niên chuyển đến người dân.
Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn Không quân 372 đóng gói hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên ẢNH: NGUYỄN TÚ

Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn Không quân 372 đóng gói hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Ngay khi tiếp nhận hàng, trung tá Võ Văn Quang, Phó chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn Không quân 372, đã cùng các cán bộ chiến sĩ tiến hành phân loại, đóng gói cẩn thận vào các túi. “Mỗi bao trọng lượng 15 - 20 kg để tiện cho người dân vận chuyển về nhà. Chúng tôi cũng ghi chú loại hàng hóa bên ngoài ở cả 2 mặt của bao hàng, để người dân tiện phân loại khi tiếp nhận”, trung tá Quang nói.
Hiện Sư đoàn 372 tiếp nhận gần 30 tấn hàng cứu trợ và trong ngày 1.11 sư đoàn đã thực hiện thành công 2 chuyến bay cứu trợ, đưa khoảng 4 tấn hàng hóa đến với người dân vùng bị cô lập.

Báo Thanh Niên đưa hàng cứu trợ theo trực thăng đến vùng sạt lở Quảng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.