Lương tăng ít, phúc lợi giảm

24/09/2009 15:07 GMT+7

Năm nay mức tăng lương bình quân chỉ đạt 16,47%, thấp hơn năm 2008 (tăng bình quân 19,5%). Phúc lợi và trợ cấp đều cắt giảm để tập trung vực dậy sản xuấtNgày 23-9, tại TPHCM, Navigos Group đã công bố kết quả khảo sát lương VN 2009.

Khảo sát tiến hành trên 163 công ty (100% vốn nước ngoài, cổ phần, liên doanh, văn phòng đại diện và công ty VN) hoạt động ở 15 lĩnh vực với 75 ngành nghề. Kết quả khảo sát đã cung cấp nhiều thông tin về lương, thưởng của thị trường lao động VN.

Tăng lương để giữ người

Năm 2009, suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ đến việc tăng lương ở các doanh nghiệp (DN). Kết quả khảo sát lần này cho thấy mức lương tăng bình quân là 16,47%. Dẫn đầu mức tăng lương là ngành bất động sản với mức tăng 23,25%. Trong khi đó, lĩnh vực tài chính có mức tăng lương cao nhất trong 2 năm qua đã bị rớt xuống thứ hai với mức tăng 21,78%. 

Bà Winnie Lam, Giám đốc bộ phận tư vấn nhân sự của Navigos Group, nhận định: “Tỉ lệ tăng lương bình quân này có thể không đại diện cho tất cả các lĩnh vực vì trên thực tế một số lĩnh vực tăng trưởng vẫn còn thấp. Dù vậy, DN vẫn sẽ phải tăng lương ở một tỉ lệ nhất định nào đó để giải quyết nhu cầu tuyển dụng, giữ người dù tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn”.

Mức tăng thấp hơn 3,03% so với năm 2008

Nếu như năm 2008, mức tăng lương bình quân trên thị trường là 19,5% thì năm nay mức tăng lương chỉ đạt 16,47%. Như vậy, lương trên thị trường tuy tăng nhưng so với năm trước lại thấp hơn 3,03%. Kéo theo sự thay đổi tiền lương, nhiều ngành nghề cũng thay đổi. Năm 2008, ngành tài chính dẫn đầu với mức tăng lương cao nhất thì năm nay bất động sản lại chiếm ưu thế đứng đầu mức tăng lương.

Phúc lợi, trợ cấp ít hơn

Nếu như các DN thực hiện chính sách tăng lương để giữ người thì trái lại để cân đối chi phí, các DN buộc phải cắt giảm chính sách phúc lợi dành cho người lao động. Tại nhiều DN, nếu như năm trước, các chương trình chăm sóc sức khỏe, du lịch, thưởng định kỳ... đều được thực hiện thì năm nay, chi phí ấy bị cắt giảm để nhường cho việc tập trung vực dậy sản xuất.

Điều này càng thể hiện khá rõ qua kết quả khảo sát lần này. Cụ thể, các chế độ phúc lợi trong tổng thu nhập của người lao động giảm đáng kể chỉ còn ở mức 7% (trong khi năm 2008 là 16,17%). Riêng trợ cấp năm 2008 là 3,67% thì năm nay chỉ còn 3,22%.  Ông T.V.L, trưởng phòng nhân sự công ty T.N đóng tại Đồng Nai, cho biết năm trước công ty tổ chức cho người lao động du lịch trong và ngoài nước thì năm nay, để tiết kiệm chi phí, công ty chỉ tổ chức vui chơi tại DN. Thêm vào đó, những chương trình đào tạo dành cho nhân viên cũng phải bỏ ngỏ.

DN VN tăng lương cao hơn DN nước ngoài

Một kết quả đáng lưu ý qua kết quả khảo sát lần này: Các công ty trong nước tham gia chỉ chiếm tỉ lệ 11,7% nhưng lại có mức tăng lương bình quân 16,45%, cao hơn so với mức tăng lương bình quân tại các DN 100% vốn nước ngoài (15,61%). Bà Winnie Lam nhận định: “Có lẽ các DN trong nước đang cố gắng để bắt kịp thị trường lao động nhằm tuyển dụng được người. Điều này cho thấy các DN sẵn sàng trả lương cao để có nguồn nhân lực phục vụ cho DN”.

Điều đáng nói trong đợt khảo sát lần này, các DN ở khu vực TPHCM và Hà Nội lại có mức tăng lương thấp hơn mức tăng lương của các DN tại các địa phương khác ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: TPHCM là 16,34%, Hà Nội là 16,08%, trong khi các địa phương khác ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có mức lương gộp tăng bình quân 20,54%.

Theo Huỳnh Nga / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.