Lương chỉ đáp ứng 38,4% nhu cầu

30/05/2013 03:05 GMT+7

Ủy ban Các vấn đề xã hội vừa gửi báo cáo tới các ĐBQH liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết về y tế, lương thưởng, giải quyết việc làm.

Theo báo cáo, đến nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố T.Ư triển khai thực hiện Thông tư 04 về tăng giá dịch vụ y tế, với mức trung bình bằng khoảng 65-85% so với mức giá tối đa được quy định. Tại các tỉnh miền núi, nơi hơn 90% dân số có BHYT (chủ yếu do ngân sách hỗ trợ mua, quỹ BHYT có tỉnh kết dư đến 100-150 tỉ/năm) đã quyết định áp dụng mức giá viện phí 80-90% so với mức giá tối đa và dự kiến nửa cuối năm nay, Hà Nội và TP.HCM sẽ áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo thông tư này. Đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này “thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, nâng cao quyền lợi cho bệnh nhân BHYT và vận hành chính sách theo đúng quy luật”. Tuy nhiên, cơ quan giám sát nhìn nhận: “Giá dịch vụ y tế điều chỉnh cũng là gánh nặng đối với người chưa có thẻ BHYT (khoảng 33% dân số), phần nào tác động đến chỉ số lạm phát”.

Báo cáo cũng chỉ ra năm 2012, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt hơn 5%, trong khi mức dự kiến tăng trưởng từ 6-6,5% dẫn đến việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho khu vực công chỉ ở mức 1,15 triệu đồng/tháng (dự kiến là 1,3 triệu đồng/tháng). Mức lương này chỉ đạt 38,4% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tương tự, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, hợp tác xã năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng thêm bình quân 17,4%, thấp hơn so với mức dự kiến điều chỉnh là 36,4%.

Ở lĩnh vực lao động, việc làm, ủy ban này cung cấp nhiều con số đáng lo ngại, như số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng từ 7,9 triệu người năm 2011 lên 8,3 triệu người năm 2012 (tăng 4,2% sau 1 năm). Số người được hưởng trợ cấp BHTN trong 3 năm 2010 - 2012 tăng từ 145.000 lên 410.000 (2011) và đến cuối 2012 lên tới 461.000 người. Đáng chú ý, tuy số người hưởng trợ cấp BHTN chỉ tăng khoảng 50.000 người so với năm 2011 nhưng số tiền chi BHTN hằng tháng tăng tới 133%, từ 1.126 tỉ đồng lên mức 2.625 tỉ đồng trong cả năm 2012.

Trong khi đó, 3 năm thực hiện BHTN, tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1% (0,5% số người thất nghiệp được đào tạo nghề trong năm 2012). Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cảnh báo, ở một số địa phương đã có tình trạng lợi dụng chính sách BHTN. Số nợ bảo hiểm này đến hết năm 2012 là 4.639 tỉ đồng.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.