Lùi xét giáo sư, phó giáo sư: Đáng mừng hơn đáng lo!

29/10/2020 05:00 GMT+7

Một tiền lệ hiếm có đã xảy ra trong việc công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2020. Đó là, kỳ họp phải lùi lại vì... có quá nhiều đơn tố cáo. Việc này được bạn đọc đánh giá là cần thiết.

Như Thanh Niên đã thông tin, theo kế hoạch, từ 20 - 25.10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2020. Tuy nhiên, trước nhiều đơn tố cáo hàng loạt ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thông qua, kỳ họp đã phải lùi lại vì đợi một số hội đồng ngành xét lại.
Đáng chú ý, 31/40 ứng viên của một ngành bị tố không đạt. Trước đó, Báo Thanh Niên cũng nhận được tố cáo về hiện tượng đăng bài ồ ạt trên tạp chí quốc tế, qua đó dấy lên nghi ngờ có việc “chạy bài” để được xét GS/PGS. Từ đó, một số nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, am hiểu về công bố quốc tế, kiểm tra một số nội dung tố cáo. Kết quả kiểm tra cho thấy, có biểu hiện vi phạm “liêm chính khoa học” ở một số ứng viên.

Hãy thực chất!

“Đây là một tín hiệu đáng mừng hơn đáng lo vì cuối cùng vấn đề khá tế nhị này đã được phơi bày; buộc những cơ quan có thẩm quyền phải xem xét lại một cách thấu đáo. Gần đây, đã xảy ra một số vụ việc “lùm xùm” liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Dư luận tỏ ra bức xúc vì có một số vị GS, PGS có liên quan ít nhiều đến việc này. Từ đó, có hiện tượng một số người dân không còn tin lắm vào thực lực của những vị có chức danh GS, PGS. Điều này, cũng không nên buồn hoặc thấy tự ái, vì liệu danh hiệu có quan trọng lắm không? Điều cốt yếu là những vị mang chức danh ấy có làm được gì hay không mà thôi. Tôi nêu ra những ý kiến này, bởi bản thân tôi cũng đã từng gặp người có chức danh PGS mà chẳng biết gì về... tiếng Anh”, bạn đọc (BĐ) có nickname Leo chia sẻ.
“GS, PGS là những người thực sự tài năng, giúp ích được cho đất nước, “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”. Đừng dùng danh vị để tư lợi hay dùng vào mục đích “lợi ích nhóm”. Những vị đang cố “chạy” cho mình chức danh, làm “sức bật” tiến thân, vì những mục đích không trong sáng, xin hãy dừng lại. Hãy thực chất!”, BĐ Can Tran viết.

“Ngụy” giáo sư, phó giáo sư rất nguy hại

Còn theo BĐ Trần Đình Hoành: “Dạo này, nhiều vấn nạn liên quan đến những người có học vị, học hàm..., nên không khỏi dẫn đến phát sinh nhiều đơn tố cáo trước kỳ họp công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Chức danh GS, PGS gần như được xem là “bác học” trong lĩnh vực, chuyên ngành hẹp của mình, nên phải cần thực chất về năng lực bản thân. Sẽ rất tai hại nếu sự “liêm chính khoa học” không được tôn trọng, nhất là có sự liên quan đến người dùng những mánh khóe, cách thức không hợp pháp, thiếu minh bạch để đạt được chức danh bằng mọi giá... vì sẽ rất nguy hại cho thế hệ tương lai”.
BĐ Phạm Hoàng Diên cũng đề nghị xem xét các tiêu chuẩn, quá trình trong việc công nhận một cá nhân là GS, PGS, theo hướng cần chú trọng đến thực tế. Cụ thể, ứng viên có công trình, sản phẩm, phát minh, sáng kiến... nào đang được sử dụng rộng rãi trong xã hội hoặc ngành của mình không. Đây mới là những căn cứ có tính thực tiễn cao hơn là những bài báo khoa học mà các cơ quan truyền thông đại chúng, trong đó có Báo Thanh Niên đã chỉ ra, rằng “mua với giá nào cũng có”.
Nhiều BĐ đề nghị, nhà nước nên lập đoàn thanh tra độc lập (những người không thuộc Bộ GD-ĐT hoặc không thuộc hội đồng GS các cấp; có thể mời các chuyên gia, GS đang ở nước ngoài) để thanh tra, kiểm tra kết quả phong GS, PGS ở tất cả các lĩnh vực.
Cần phải xác minh thật kỹ các đơn tố cáo. Sau khi có kết quả, nên công khai cho dư luận biết. Trong khoa học, không thể chấp nhận sự gian dối.
Ba Lê
Chúng ta đã nghe nhiều từ tiêu cực liên quan đến chữ "chạy", như: chạy trường, chạy lớp, chạy việc, chạy chức... Nên không thể để cho tình trạng "chạy" GS, PGS xảy ra.
Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.