Luật Biển với lợi ích quốc gia

22/07/2012 03:10 GMT+7

Tại buổi họp báo (ngày 16.7) do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức về lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 luật vừa được QH thông qua tại kỳ họp thứ 3, nhấn mạnh về ý nghĩa của luật Biển, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam (VN) theo đúng Công ước luật Biển năm 1982.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hồng Thao (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Ông đánh giá thế nào về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo được thể hiện trong luật Biển VN?

PGS-TS Nguyễn Hồng Thao
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao - Ảnh: TTXVN

Xin nhận xét vài điểm:

Thứ nhất, luật Biển tái khẳng định quan điểm nhất quán của VN về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quan điểm này đã được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp năm 1988, 1992, trong Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển VN năm 1977, Tuyên bố về đường cơ sở VN năm 1982, trong Nghị quyết của QH phê chuẩn UNCLOS 23.6.1994, trong luật Biên giới quốc gia 2003.

Hai là, các quy định về vùng biển và chế độ pháp lý các vùng biển thể hiện rõ tinh thần của UNCLOS 1982 và có phần phát triển làm rõ thêm. Ví dụ, nhiều người thường hiểu tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển, các quốc gia khác có quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, tự do hàng hải, tự do bay. Các quyền tự do này được quốc gia ven biển tôn trọng với điều kiện chúng chỉ được thực hiện trên cơ sở tôn trọng các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.

Một quốc gia muốn xác định tuyến đường cáp và ống dẫn ngầm đi qua vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia khác cần phải dựa trên các nghiên cứu khoa học cụ thể. Nghiên cứu khoa học biển là quyền tài phán của quốc gia ven biển. Trên cơ sở quản lý thực tiễn và cũng được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, luật Biển quy định: Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của VN.

Ba, tại điều 303 UNCLOS 1982 quy định trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển còn có thêm quyền chủ quyền đối với các hiện vật mang tính khảo cổ và lịch sử. Luật Biển chưa có quy định về vấn đề này. Có lẽ để cho các văn bản khác điều chỉnh.

Bốn, luật Biển cũng làm rõ thêm về khái niệm đảo, đá, quần đảo cho phù hợp với các quy định của UNCLOS và bảo đảm quyền lợi biển của VN.

Năm, đặc biệt luật Biển cũng quy định rõ hơn chế độ qua lại của các loại tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển VN, phù hợp với chế độ pháp lý của từng vùng biển; quy định về quyền truy đuổi, về các hoạt động cấm trong nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, về hợp tác nghiên cứu khoa học biển, về giữ gìn và bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, tìm kiếm cứu hộ, về đảo nhân tạo và các công trình thiết bị trên biển.

Các quy định này sẽ giúp các thể nhân, pháp nhân sử dụng biển, các lực lượng thi hành pháp luật trên biển thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.

Sáu, luật Biển có cả một chương riêng về phát triển kinh tế biển, động viên mọi nguồn lực của nhà nước, công dân, các tổ chức trong và ngoài nước, trên cơ sở nguyên tắc phát triển kinh tế biển phải gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện và bảo vệ các hoạt động phát triển kinh tế trên biển và trên đảo.

Có thể thấy, luật Biển đã đề cập một cách toàn diện nhất các hoạt động trên biển đặt dưới sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Điều này thể hiện rõ VN là một quốc gia ven biển có trách nhiệm trong việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của mình, phù hợp với luật quốc tế và lợi ích quốc gia, cam kết bảo vệ các hoạt động biển hợp pháp của các thể nhân, pháp nhân VN và nước ngoài trên các vùng biển VN.

Ông đánh giá thế nào về sự tương thích của luật Biển VN với UNCLOS 1982?

VN cũng như các quốc gia ven biển đánh giá cao UNCLOS 1982 như một Công ước khung quan trọng nhất thiết lập một trật tự pháp lý mới công bằng trên biển, bảo đảm tốt nhất quyền lợi biển của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác. Vì vậy có thể nói, tính tương thích với UNCLOS 1982 là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng luật Biển.

Tính tương thích này thể hiện rõ trong điều 2.2 của luật Biển: Trường hợp quy định của luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Mặt khác, theo luật quốc tế, khi phê chuẩn UNCLOS năm 1994, VN cũng như các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện đúng các cam kết của mình đối với các quy định của luật Biển.

Có thể còn những ý kiến trao đổi về mặt học thuật, song theo tôi các quy định của UNCLOS đã được áp dụng trực tiếp vào VN. Trên cơ sở đó, chúng ta đã cùng Malaysia hoàn thiện hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa trình Ủy ban Thềm lục địa của LHQ năm 2009 theo đúng yêu cầu của UNCLOS và các văn bản liên quan.

Luật Biển chỉ nội luật hóa các quy định của UNCLOS và bổ sung thêm những quan tâm chính đáng của VN về những vấn đề mà UNCLOS không đề cập đến như vấn đề chủ quyền.

Sự nội luật hóa này là cần thiết để diễn giải các thành ngữ luật khô khan cho dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận và giải thích hơn đối với các công dân VN và nước ngoài, đối tượng trực tiếp thực hiện các hoạt động biển và chịu tác động của luật Biển trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, phù hợp với các quy định của luật quốc tế. Nó cũng là dịp để chúng ta xem xét lại hệ thống pháp luật về biển, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Chính vì vậy điều 2.1 của luật Biển quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về chủ quyền, chế độ pháp lý của vùng biển VN thì áp dụng quy định của luật này”.

Luật Biển với lợi ích quốc gia
Đảo Trường Sa lớn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Luật này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến việc giải quyết tranh chấp trên biển của VN với một số nước láng giềng?

VN là một quốc gia nạn nhân của chiến tranh, hiểu rõ giá trị của hòa bình, yêu chuộng hòa bình, chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Luật Biển thể hiện rõ chủ trương này trong điều 4: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.

Luật Biển cũng thể hiện rõ ràng cơ sở pháp lý xác định các vùng biển VN phù hợp với UNCLOS 1982, phù hợp với nguyên tắc “đất thống trị biển”, theo đó tất cả các vùng biển đều được xác định từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Đường cơ sở này phải được Chính phủ xác định và công bố sau khi được Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn.

Luật Biển cũng quy định các tiêu chuẩn phân loại các đảo, bộ phận không tách rời của lãnh thổ VN thành hai loại: Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Các quy định này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để VN đàm phán cùng các nước liên quan giải quyết các tranh chấp biển, phân định các vùng biển chồng lấn.

Luật Biển cũng quy định rõ các xử lý vi phạm đối với hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trên các vùng biển VN. Đây cũng là cơ sở để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển phù hợp với pháp luật Biển quốc tế và VN.

Xin cảm ơn ông!

Luật Biển VN gồm 7 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Phạm vi điều chỉnh của luật gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN; hoạt động trong các vùng biển VN; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo...

Ng.Phong
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.