Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Không tiến được thì đừng thụt lùi !

06/11/2020 06:33 GMT+7

Chủ trì cuộc đối thoại với các chuyên gia về dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi chiều 5.11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà tiếp thu nhiều ý kiến và nhìn nhận: “Luật không tiến được cũng đừng thụt lùi”.

Buổi đối thoại được tổ chức sau những thông tin chuyên gia cho rằng nhiều điểm trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi thụt lùi so với luật hiện hành.

Sẽ công khai các báo cáo ĐTM

Tại buổi làm việc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết so với dự thảo cũ, ban soạn thảo đã bổ sung thông tin về quyết định phê duyệt kết quả thẩm định và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt kết quả thẩm định vào thông tin về môi trường. Tại các điều quy định về đánh giá tác động môi trường, dự thảo mới nhất cũng bổ sung quy định chủ dự án lẫn cơ quan thẩm định khi xây dựng và thẩm định ĐTM đều phải đăng tải lên trang thông tin điện tử để tham vấn. Dự thảo mới cũng quy định trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt kết quả thẩm định phải được công khai cho cơ quan quản lý nhà nước về BVMT.
Tuy nhiên, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng vấn đề được nhiều người đề cập là cơ quan quản lý nhà nước phải công khai báo cáo ĐTM đã được thẩm định và phê duyệt chưa được quy định cụ thể trong luật. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Võ Tuấn Nhân giải thích “đây là vấn đề cần cân nhắc vì theo luật Tiếp cận thông tin và luật Doanh nghiệp (DN) thì báo cáo ĐTM là thuộc sở hữu của DN. Do đó, cơ quan quản lý công khai là làm lộ bí mật DN, là vi phạm luật Tiếp cận thông tin, luật DN”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ngắt lời Tổng cục trưởng Nhân vì cho rằng luật đã quy định DN phải công khai (cho cơ quan quản lý nhà nước - PV) thì cơ quan quản lý nhà nước cũng công khai. Từ đó, Bộ trưởng Hà đề nghị tiếp thu điểm này vào dự thảo luật.
Một vấn đề khác được TS Tùng đề cập là đề nghị quy định phải công khai danh sách hội đồng thẩm định các báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ trưởng Hà cho rằng việc quy định về hội đồng thẩm định nên để ở nghị định dưới luật theo hướng gắn trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước.
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Không tiến được thì đừng thụt lùi !1

Quy định đăng ký là không cần thiết, nên bỏ đi

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

Công bố chất lượng môi trường cho cộng đồng không phải đăng ký

Về quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng “không có lý do gì lại bắt các tổ chức, cá nhân phải đăng ký mới được công bố thông tin”. Tiếp nhận ý kiến này, ông Hà nói: “Chỉ nên quy định phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của pháp luật thôi, không phải đăng ký. Quy định đăng ký là không cần thiết, nên bỏ đi”.
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Không tiến được thì đừng thụt lùi !2

Không có lý do gì lại bắt các tổ chức, cá nhân phải đăng ký mới được công bố thông tin

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng

Nguồn phát thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao mới phải quan trắc tự động

Giải thích về việc dự thảo bỏ quy định DN phải tự quan trắc môi trường định kỳ, thay vào đó là bắt buộc quan trắc tự động, ông Hà nói: “Quan điểm soạn thảo luật là phòng ngừa nên những đơn vị nguy cơ gây ô nhiễm cao, quy mô phát thải lớn thì phải có quan trắc tự động”, và lưu ý với những đơn vị quy mô không lớn, nhưng tính chất ô nhiễm nguy hiểm, đã vi phạm nhiều lần thì phải áp dụng quan trắc tự động như những nguồn phát thải lớn.
Phản biện lại, TS Hoàng Dương Tùng nêu tại dự thảo luật BVMT sửa đổi bản mới nhất có điều 111, 112 chủ yếu nói đến quan trắc tự động, không nhắc đến DN phải tự quan trắc định kỳ. “Quan trắc tự động không bao gồm hết được các thông số kỹ thuật cần giám sát và nhiều thông số cũng không có trong quy chuẩn môi trường hiện nay. Tôi cho rằng, chỉ nên quy định quan trắc tự động với những nguồn thải lớn”, TS Tùng nói và cho rằng cần quy định DN phải công khai để người dân, chuyên gia giám sát, đồng thời với việc gửi thông tin tự quan trắc đến cơ quan nhà nước.
TS Tùng cũng cho rằng, đối với những đơn vị không tuân thủ thì áp dụng luật Xử phạt vi phạm hành chính và có thể rút giấy phép. Bộ trưởng Hà đồng tình với TS Hoàng Dương Tùng và nêu ý kiến: “Tất cả áp dụng quan trắc tự động hết thì rất tốn kém. Đưa vào dự thảo luật là có quy định quan trắc tự động và DN tự quan trắc định kỳ. Tuy nhiên, quan trắc tự động chỉ áp dụng với những nguồn phát thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao. Còn quy định chi tiết như thế nào thì để vào trong nghị định, Chính phủ quy định, không thể đưa hết vào luật khung. Ban soạn thảo đưa lại như quy định trong luật BVMT năm 2014, không tiến thì đừng thụt lùi”.
Dự luật BVMT sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11.11 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.