Lừa đảo 245 tỉ đồng ở Eximbank: Giống và khác gì vụ án Huyền Như?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
27/02/2018 16:00 GMT+7

Liên quan đến vụ án nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của khách hàng, các chuyên gia pháp lý đưa ra những nhận định điểm giống và khác so với đại án Huỳnh Thị Huyền Như.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng từ sổ tiết kiệm của khách hàng rồi bỏ trốn, vừa bị Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với bị can này.
Các chuyên gia đã đặt ra nhiều tình huống pháp lý có thể xảy ra trong vụ việc này và nhận định vụ án có điểm giống, khác với đại án Huỳnh Thị Huyền Như.
"Xác định bị hại" là khâu mấu chốt
Trao đổi với Thanh Niên, Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, vụ án này có điểm giống và khác nhau với vụ Huyền Như. Cụ thể, giống là cùng quan hệ giữa cá nhân gửi tiền với ngân hàng (NH) rồi bị nhân viên của NH dùng thủ thuật gian dối lừa đảo và chiếm đoạt tiền gửi.
“Còn khác cơ bản là trong trường hợp này, cá nhân gửi tiền thực hiện theo hình thức khách hàng đặc biệt - VIP nên bỏ qua nhiều thủ tục của NH trong việc gửi tiền theo sổ tiết kiệm tạo điều kiện cho cán bộ NH chiếm đoạt tiền. Ai là bị hại trong vụ án này trở thành vấn đề mấu chốt cần làm rõ”, LS Công nêu.
Ngoài ra, LS Công còn đặt ra các tình huống trong vụ việc này có thể xảy ra. “Thứ nhất, khách hàng đã thực hiện đầy đủ thủ tục để gửi tiền theo quy định của NH. Dù khách hàng có nhận hay không nhận sổ tiền gửi tiết kiệm thì vẫn đủ cơ sở để xác định đã phát sinh giao dịch giữa khách hàng với NH trong quan hệ gửi - nhận tiền theo hình thức gửi tiền tiết kiệm. Lúc đó tiền bị mất trong các sổ, tài khoản của khách hàng là lỗi do NH, tức NH sơ suất mà bị chiếm đoạt. Lúc này NH là bị hại và NH phải trả lại tiền mà khách hàng bị chiếm đoạt”, LS Công nhấn mạnh.
LS Công phân tích tình huống thứ hai, khách hàng có mong muốn gửi tiền tiết kiệm nhưng không hoặc thực hiện ít hơn các thủ tục quy định mà tin tưởng vào nhân viên của NH mà thực hiện và ký hoặc không ký các chứng từ giấy tờ theo quy định trong quy trình mở sổ tiết kiệm. Lợi dụng việc này, nhân viên NH thực hiện thêm các thủ tục giả mạo chữ ký của khách hàng để gửi tiền vào và rút ra nhằm chiếm đoạt thì tùy vào giấy tờ, thủ tục khách hàng thực hiện đến đâu mà xác định NH hay khách hàng là bị hại.
Thứ ba, lại có trường hợp khách hàng đã ký các thủ tục giấy tờ nhưng lại tiếp tục ký thêm giấy ủy quyền khống, nhân viên NH lợi dụng ghi vào nội dung được quyền rút tiền. Nhân viên NH đã rút tiền và chiếm giữ số tiền này thì nhiều khả năng đây là quan hệ dân sự. Sự gian dối của nhân viên NH trong trường hợp này sẽ được họ giải thích là đã được sự đồng ý của khách hàng. Đây là trường hợp khá hy hữu nhưng không phải không xảy ra.
“Như vậy để xác định ai là bị hại và trách nhiệm của NH đến đâu thì phải căn cứ vào chứng từ giấy tờ đang lưu giữ tại NH không phải mọi trường hợp đều xác định là lỗi của NH hay lỗi của khách hàng”, LS Công phân tích.
Theo LS Công, hiện CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên do số tiền gửi lớn và được chia thành nhiều lần nên có thể số tiền này rơi vào trường hợp lừa đảo NH hoặc khách hàng mà cũng có thể còn có hành vi của tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong trường hợp nhân viên nhận tiền một cách hợp pháp của khách hàng rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt.
"Chờ phán quyết của tòa án" có hợp lý?
LS Hoàng Tư Lượng (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm của NH là một loại hợp đồng dân sự đặc biệt, đồng thời có cả đặc điểm của hợp đồng gửi giữ và hợp đồng vay tài sản. Với tư cách là người giữ tài sản, NH được hưởng “tiền công” từ việc sử dụng tiền vốn của người gửi tiền. Đồng thời, với tư cách là người vay tài sản, NH phải trả lãi cho người gửi tiền.
“Như vậy, hiện nay, pháp luật không cấm các NH hàng thực hiện thủ tục ủy quyền mang tính nội bộ. Theo đó, bên ủy quyền và bên được ủy quyền cùng ký vào giấy ủy quyền, lãnh đạo NH ký xác nhận ủy quyền, lập tức bên được ủy quyền được thực hiện giao dịch. Chứng từ giao dịch thường thông qua một nhân viên giao dịch, một kiểm soát viên đã được đại diện theo pháp luật của NH ủy quyền việc chi trả tiền với một số lượng nhất định; tiếp đến nhân viên ngân quỹ kiểm tra chứng từ và thực hiện lệnh rút tiền của khách hàng. Nếu các vị trí này thông đồng, giả mạo chứng từ đề rút tiền của chủ tài khoản thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, thủ tục rút tiền theo ủy quyền không chỉ thể hiện ở việc người được ủy quyền chỉ cung cấp giấy ủy quyền mà không kèm theo thẻ tiết kiệm và giấy tờ khác như: chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc Hộ chiếu của người được ủy quyền.
Trong sự việc nêu trên, bà B. gửi tiền hợp pháp và đã được Eximbank chi nhánh TP.HCM xác nhận các tài khoản được mở là hợp lệ, hợp pháp cho bà B. và được thể hiện bằng các thẻ tiết kiệm. Mặc dù, ông Lê Nguyễn Hưng có làm giả giấy ủy quyền của chủ tài khoản thẻ tiết kiệm để thực hiện sử dụng rút tiền trong tài khoản thẻ tiết kiệm của khách hàng nhưng thẻ tiết kiệm gốc vẫn do bà B. giữ thì các lần rút tiền ông Hưng không xuất trình thì NH vẫn cho rút liệu có phù hợp hay không? Hơn nữa, trên trang thông tin mạng công khai của Eximbank có quy định rút tiền gửi tiết kiệm thì người được ủy quyền phải xuất trình thẻ tiết kiệm.
“Như vậy, việc ông Hưng có hành vi gian dối trong lập giấy ủy quyền hoặc sử dụng giấy uỷ quyền chữ ký thật của bà B. đã ký trước đó chiếm đoạt tài sản của bà B. bằng dưới bất kỳ thủ đoạn nào thì phía NH cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Điều 597 BLDS 2015. Tuy nhiên, theo quan điểm của NH, NH sẽ có trách nhiệm trả lại tiền cho bà B. nhưng phải khởi kiện ông Hưng để tòa phán quyết Eximbank là bên thiệt hại thì điều này là giải pháp mang tính căn cơ nhất thời của Eximbank và nó sẽ gây bức xúc trong dư luận bởi khi huy động số tiền gửi có số lượng lớn thì bà B. với ngân hàng là khách hàng VIP nhưng khi thanh toán thì phải bằng việc khởi kiện mới có phán quyết để trả lại. Hơn nữa, phiên tòa xét xử vụ Eximbank kiện ông Hưng không biết khi nào mới diễn ra do công an chưa bắt được nghi can”, LS Lượng lý giải.
LS Lượng nhấn mạnh, vụ việc ở Eximbank lúc này vẫn chưa thể đưa ra được kết luận ai là người cuối cùng chịu trách nhiệm. Cơ quan điều tra đã vào cuộc nhưng cũng chưa ai biết nội dung, kết quả điều tra cụ thể ra sao. Sự việc xảy ra là không ai mong muốn, có chăng là lời sẽ chia nâng cao cảnh giác hơn nữa cả khách hàng và NH!”
Xét về khía cạnh hình sự, LS Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, nhấn mạnh do hiện nay chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra Điều 229 BLTTHS. Khi nào bắt được ông Hưng sẽ xử lý sau.
Tuy nhiên, trước khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can. Và lúc này, bà B. có thể tiếp tục khởi kiện Eximbank yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại về phần tiền mình đã gửi như đã nêu trên theo Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.