Lũ quét kinh hoàng và câu chuyện cứu người giữa lằn ranh sinh tử

18/09/2016 14:09 GMT+7

Trong cơn lũ quét kinh hoàng, giữa lằn ranh sinh tử, những người lính biên phòng không quản hiểm nguy lao mình trong lũ dữ cứu người.

Ký ức kinh hoàng
Một ngày sau cơn lũ quét, chị Rơ Châm H’Pinh (41 tuổi) ngụ tại làng Ó, xã Ia Dom (Đức Cơ, Gia Lai) nhớ lại lúc mình bị kẹt ở chòi rẫy, giữa bốn bề nước lũ, mà chưa hết kinh hoàng.
Đây cũng không phải lần đầu tiên người dân ở vùng này bị lũ quét. Hai lần trước bị lũ quét là do quả “bom nước” thủy điện Ia Krel 2 vỡ đập cuốn phăng mọi thứ. Lần này, họ thêm một lần đối mặt với tử thần.
Không quản hiểm nguy cứu người dân bị nạn Ảnh: Quốc Anh
Ngày 16.9, chị Rơ Châm H’Pinh cùng chồng là anh Ksor Gao (44 tuổi) và 4 người khác đi làm rẫy rồi ở lại luôn tại chòi. Đến khoảng 2 giờ ngày 17.9, anh Gao tỉnh giấc thì phát hiện nước lũ Suối Đôi đã ngập ngang các tấm ván lót nhà sàn. Dòng nước lũ dâng cao rất nhanh, chòi rẫy có thể bị ngập và bị lũ cuốn đi bất cứ lúc nào. Anh Gao liền gọi tất cả mọi người dậy và lội nước men theo doi đất cao bên cạnh để tìm đến gốc cây bằng lăng cách chòi rẫy 50 m. Cả nhóm liền trèo lên cây để tránh nước lũ đang ngày một dâng cao.
Đồn BPCKQT lệ Thanh hăm hỏi, động viên những người dân bị gặp nạn.Ảnh: Quốc Anh
Thăm hỏi, động viên những người dân bị gặp nạn. Ảnh: Quốc Anh
“Mình sợ lắm, từ nhỏ tới giờ chưa lội nước lũ trong đêm lần nào. Cứ thấy nước cuốn mấy gốc cây bên bờ suối mà tưởng mình cũng sắp bị cuốn theo. Rồi sợ chết bỏ lại năm đứa con không ai nuôi, thế là mình khóc”, chị H’Pinh kể. Riêng anh Kpuih Nhoong một phần vì quá hoảng loạn, một phần không biết leo cây, đành phải ôm gốc cây cho khỏi bị lũ cuốn. Nước dâng tới đâu anh Nhoong bám thân cây tới đó.
Trèo được lên cây rồi mà mấy người phụ nữ vẫn còn khóc thút thít, trời thì mưa tầm tã, con nước dưới chân thì mỗi lúc một dâng cao. Cả nhóm không biết tìm cách nào để thoát khỏi tình trạng này cả. Ai cũng run lên cầm cập phần vì lạnh và đói, phần vì sợ gốc cây mình đang trú có thể bị cơn lũ cuốn trôi. Những tưởng nước lũ sẽ rút nhanh. Chờ mãi mà nước lũ cứ cuồn cuộn đổ về không dứt. Đến 4 giờ 30 (17.9), tình trạng tuyệt vọng hãi hùng vẫn bủa vây nhóm 6 người. 
Thượng tá Lê Thuần Chất, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, cho biết từ năm 2009 tới nay các cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã 3 lần cứu người dân thoát khỏi dòng nước lũ. Năm 2013, các cán bộ, chiến sĩ đã cứu được 9 người dân bị cô lập do sự cố vỡ đập Ia Krel 2 lần 1. Năm 2014 khi vỡ đê quai thủy điện Ia Krel 2 vỡ lần nữa, các cán bộ chiến sĩ cũng đã cứu thành công 2 người.

Không còn cách nào để liên hệ với bên ngoài vì tất cả điện thoại di động đều bị hỏng do ngâm nước lũ không sử dụng được. Anh Gao tìm cách hú thật to để thông báo cho người hàng xóm gần nhất biết. May mắn, tiếng hú của anh có người nghe thấy, họ liền thông báo cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tìm cách giải cứu.
“Sợ lắm chứ, mưa lạnh cứ liên tục đổ xuống, gió mạnh như muốn đổ cây, dưới đất chỉ có nước với nước, trời thì tối đen chẳng thấy gì. Cứ bám trên cây cả mấy giờ đồng hồ mỏi tay lắm nhưng không dám buông tay", anh Gao kể lại.
Băng mình vào lũ dữ cứu người
Sau khi nhận được tin, đồn Biên phòng Lệ Thanh tổ chức lực lượng gồm 11 chiến sĩ do thiếu tá Võ Hồng Thanh, phó đồn, mang theo 15 phao cứu sinh, hơn 200 m dây, nhanh chóng đến hiện trường tiến hành cứu hộ cứu nạn.
Thiếu tá Thanh cho biết: "Ban đầu chúng tôi dùng đèn pin ra hiệu để trấn an tinh thần bà con. Sau đó, trung úy Đào Công Tú, người bơi giỏi nhất đồn, được giao nhiệm vụ đem dây và áo phao vượt dòng nước lũ giải cứu người dân. Việc tiếp cận mục tiêu rất khó khăn do lũ lớn. Trời lại còn đang tối trong khi vị trí từ chỗ người dân bị nạn đến bờ cách khoảng 200 m".
Phương án cứu nạn được đưa ra là tìm cách dần dần tiếp cận 6 người dân. Bằng cách lợi dụng các cột điện để chằng dây, các chiến sĩ sẽ bơi sang bám trụ điện cách bờ chừng 50 m đang ở giữa dòng lũ để căng dây cho đồng đội bám sang, rồi lại tiếp cận cột điện khác cho khi đến được chòi rẫy.
Do dòng nước lũ quá mạnh, nhiều lần các chiến sĩ bị cuốn trôi cách hàng chục mét phải kéo bơi lại vào bờ. Khoảng 30 phút quăng mình giữa dòng nước lũ, trung úy Tú cùng đồng đội mới tiếp cận được gốc cây, căng dây, đưa áo phao cho những người dân đang bị kẹt.
"Lúc đầu bà con vẫn còn hoảng loạn lắm, tôi phải động viên mãi rồi mọi người mới bình tĩnh và chịu để chúng tôi dìu vào bờ.” Tú nói.
Trung úy Đào Công Tú nói thêm: “Khó khăn, nguy hiểm lắm, phải đối mặt với tử thần. Nhưng người dân tin chúng tôi, đây cũng là bổn phận của chúng tôi".
Đến 7 giờ 20 phút ngày 17.9, 6 người dân bị cô lập do lũ dữ đã được giải cứu và đưa đến khu vực an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.