Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm

16/09/2020 05:56 GMT+7

Căn nhà A Kâm nằm sát bên dòng Đăk Bla thơ mộng. Tiếng ê a học bài của trẻ con đã vang lên ngay từ đầu cổng. Lớp học của anh với hơn 40 đứa trẻ được chia làm 2 lớp quay về 2 phía. A Kâm và vợ mỗi người phụ trách một bên.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum nhưng không xin được việc, vì đam mê dạy học, vợ chồng anh A Kâm quyết định trở về làng mở lớp dạy học miễn phí. Sau 5 năm, vợ chồng A Kâm đã tổ chức giảng dạy cho hơn 300 lượt học sinh nghèo.

Tốt nghiệp sư phạm không xin được việc, mở lớp dạy miễn phí cho hàng trăm trẻ em trong làng

Lớp học miễn phí

Chiều muộn một ngày tháng 9, Kon Tum bước vào mùa mưa, bầu trời xám xịt. Con đường về làng Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum) như chông chênh hơn bởi sỏi đá nhấp nhô. Cư dân ven sông Đăk Bla, vùng ngoại ô TP.Kon Tum từ lâu đã quen với lớp học bên triền sông của ông giáo làng A Kâm.

Món quà bất ngờ

Nói về món quà bất ngờ được học sinh dành tặng, A Kâm vẫn nhớ như in hôm đó là ngày 20.2. Như mọi ngày, lũ trẻ tập trung trước sân nhà thầy chuẩn bị cho buổi học. Một em học sinh hớt hải chạy đến gọi to: “Ơ thầy Kâm, già làng có việc nhờ thầy qua nhà giúp một tay”. Nghe vậy A Kâm vội vàng lái xe máy đi ngay. Thế nhưng khi đến nơi thì chẳng thấy già làng nhờ việc gì cả. Sau khi uống vài chén trà, A Kâm vội quay về nhà dạy học.
Đứng ở đầu cổng, thầy giáo chẳng thấy học trò đâu, đèn điện trong nhà tắt ngấm. Khi thầy bước vào đến cửa, bóng đèn vụt sáng, một chiếc bánh kem chìa ra, lũ trẻ đồng thanh hát vang bài ca sinh nhật. Thì ra từ buổi chiều học trò đã góp tiền mua bánh kem rồi “lừa” A Kâm đi ra ngoài để tổ chức sinh nhật cho thầy giáo.
“Lúc đó mình hạnh phúc đến phát khóc. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ mình được người khác tổ chức sinh nhật cho như vậy cả. Hôm ấy, học sinh xin mình nghỉ học để tổ chức một tiệc mừng sinh nhật lần đầu tiên trong đời”,
A Kâm hào hứng kể lại, mắt vẫn còn lấp lánh niềm hạnh phúc.
Căn nhà A Kâm nằm sát bên dòng Đăk Bla thơ mộng. Tiếng ê a học bài của trẻ con đã vang lên ngay từ đầu cổng. Lớp học của anh với hơn 40 đứa trẻ được chia làm 2 lớp quay về 2 phía. A Kâm và vợ mỗi người phụ trách một bên.
Như chẳng để ý đến những người khách lạ, lớp học cứ thế miệt mài diễn ra với những cánh tay giơ lên phát biểu. Ngày nào cũng vậy, lớp học của ông giáo làng bắt đầu từ lúc con gà lên chuồng và kết thúc lúc bụng lũ trẻ đã bắt đầu sôi.
Để cho học sinh làm bài tập, A Kâm dắt khách ngồi tạm xuống hiên nhà rồi gãi đầu giãi bày: “Nhà chật quá, giờ cả sân đều là lớp học mất rồi, anh chị thông cảm”. A Kâm người nhỏ thó với nụ cười dễ mến và trông trẻ hơn hẳn so với cái tuổi 30 của mình. Anh bảo năm 2014, anh tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Thế rồi A Kâm kết duyên cùng Y Thoan cũng vừa tốt nghiệp chuyên ngành mầm non cùng trường. Xin mãi không được việc, vợ chồng anh đành trở về làng làm thuê cuốc mướn kiếm sống.
Một ngày kia, thấy những đứa trẻ trong làng lăn lóc chơi đùa chẳng quan tâm đến việc học hành, A Kâm ngửa đôi bàn tay chai sạn mà đáng ra nó chỉ dùng để cầm phấn rồi tự nhủ: Nếu cứ cầm cuốc thế này, giấc mơ làm thầy giáo của mình sẽ mãi mãi vụt tắt. A Kâm liền nghĩ đến chuyện mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong làng.
Nghĩ là làm, A Kâm liền gõ cửa từng nhà trong thôn cho con em đến lớp của mình. Đáp lại tấm lòng của anh là những ánh nhìn dửng dưng của dân làng. Họ không ngăn cản cũng chẳng ủng hộ, bởi vậy hành trình vận động học sinh đến lớp của A Kâm cực kỳ khó khăn.
“Người dân ở đây nhận thức còn thấp, họ ít quan tâm đến việc học của con em. Bởi vậy tiếng là làng ở thành phố nhưng chất lượng học tập của các em không được cao. Mình muốn thay đổi lại việc này, mở lớp dạy để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho con em trong làng”, A Kâm nói.
Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm

Sau một ngày làm lụng trên nương rẫy, chị Y Thoan lại trở về giúp chồng dạy học

Mua kẹo dụ học trò

Không nhận được sự đồng tình của phụ huynh, A Kâm đi tìm lũ trẻ thuyết phục. Thế nhưng với chúng, lớp học của thầy không thú vị bằng những tổ chim trên núi, chẳng no cái bụng bằng mấy con cá dưới đồng. Đáp lại với lời mời gọi của ông giáo làng là những đôi mắt to tròn và cái lắc đầu nguầy nguậy.
Nửa đêm, nằm nghe mưa đổ, A Kâm chong mắt thức. Đã mấy đêm liền như thế, anh cứ trân trân nhìn lên trần nhà, như đếm từng giọt nước rơi, cho đến gần sáng. Biết chồng trăn trở về chuyện gọi học trò đến lớp, Y Thoan liền bàn: “Hay mình mua bánh kẹo rồi dụ lũ trẻ đi học?”, A Kâm khen phải rồi yên tâm đi ngủ.
Sáng hôm sau, khi con gà vừa cất tiếng gáy, A Kâm trở dậy mua bánh kẹo để chuẩn bị cho lớp học. Chờ lũ trẻ tan trường về, anh đến từng nhà “mời” các em đi học. Ai đi học sẽ được phát bánh kẹo.
“Nghe thấy có kẹo, tụi nhỏ nhảy cẫng lên sung sướng như bắt được vàng. Buổi đầu tiên là khai giảng, nên các em không cần mang sách vở, dụng cụ học tập. Khi các em đến, vợ chồng mình sẽ thông báo thời khóa biểu và giờ giấc học tập cho những ngày sau”, A Kâm hào hứng kể.
Đúng 5 giờ chiều, hơn 30 học sinh đem sách vở đến tập trung trước vuông sân nhà thầy A Kâm. “Lễ khai giảng” được tổ chức gọn lẹ, không có diễn văn, không tiếng trống trường mà chỉ có bánh kẹo và tiếng cười đùa của con trẻ. Lớp học của thầy A Kâm bắt đầu như thế.
Những ngày mới mở lớp, vợ chồng A Kâm đối diện với không ít khó khăn. Thiếu thốn cơ sở vật chất, bàn ghế, dụng cụ học tập. Căn nhà nhỏ hẹp chẳng thể chứa nổi mấy chục con người. Vậy là lớp học phải chuyển ra sân. Những hôm trời mưa, không có mái che, vuông sân trở nên nhớp nháp nên lớp học đành phải tạm dừng.
“Thời gian đầu khá khó khăn khi chưa có bảng lẫn bàn ghế. Hai vợ chồng mình bước đầu phân loại các em theo lớp. Sau đó mình bố trí mỗi lớp ngồi riêng một khu vực rồi dạy học theo chương trình cho phù hợp với trình độ của các em. Sau này khi biết mình mở lớp, một nhà hảo tâm đã mua tặng một ít bàn, ghế và bảng phục vụ việc dạy học. Thời gian tới mình sẽ cố gắng dành dụm tiền để mở rộng diện tích lớp học, để các em thoải mái ngồi học bài”, A Kâm tâm sự.
Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm

Ông giáo làng đã không ít lần phải mua bánh kẹo để dụ học sinh đến lớp

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Biết ơn bằng hoa dại

Thấy đi học vui hơn ở nhà, nhiều em bắt đầu tìm đến nhà thầy A Kâm theo học. Lớp học của ông giáo làng cứ thế đông dần lên. Có những ngày nhà A Kâm có đến 60 đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 8. Vợ chồng A Kâm hết xoay bên này giảng bài lại xoay bên kia ra bài tập. Lớp học cứ thế kéo dài đến tối mịt.
“Lớp học bắt đầu từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, các môn học chủ yếu là toán, văn, tiếng Anh. Do ban ngày 2 vợ chồng mình phải đi làm rẫy, làm thuê nên chỉ tranh thủ dạy học từ khoảng 5 giờ đến 7 giờ tối. Bận nhất là thời điểm sắp thi học kỳ, các em lo ôn tập nên học bài rất hăng say. Những hôm ấy lớp học có thể kéo dài đến tận 9 giờ đêm. Vợ chồng mình dạy xong chỉ kịp ăn tô mì tôm chống đói”, chị Y Thoan (27 tuổi) nói khi người chồng vừa quay lại giảng bài cho lũ trẻ.
Nhà có vài sào rẫy, vợ chồng Y Thoan hết trồng ngô rồi trồng sắn. Năm rồi, anh A Kâm được bầu làm Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Tiếng là cán bộ nhưng tiền lương cũng chỉ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào vườn sắn sau nhà.
Dù vất vả là vậy nhưng với vợ chồng Y Thoan, chất lượng học tập của các em được nâng cao là niềm động viên lớn nhất. Những điểm 9, 10 xuất hiện ngày càng nhiều trong tập vở của các em. Lũ trẻ đã có ý thức hơn trong việc học.
Chất lượng học tập được nâng cao, tụi nhỏ cũng bắt đầu hiểu được tấm lòng của vợ chồng ông giáo trẻ. Chị Y Thoan bảo rằng trong làng chủ yếu là người Bana, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để bày tỏ tấm lòng của mình, lũ trẻ thường mang tặng thầy cô những thứ có sẵn như hoa dại, cá suối. Đợt 20.11 năm ngoái, tụi nhỏ rủ nhau lên rừng hái hoa dại. Đến giờ học, chúng len lén chạy đến ngại ngùng ấn vào tay thầy cô những bó hoa với đủ màu sắc.
“Đó là những món quà đặc biệt nhất trong mấy năm mình giảng dạy cho các em. Học trò ở đây không nói được những lời chúc hoa mỹ, chỉ cầm quà lên và lí nhí trong miệng cho hoặc tặng thầy cô. Nhận những món quà đó, vợ chồng mình đều cảm thấy hạnh phúc và thương các em hơn”, chị Y Thoan xúc động kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.