Long Sơn - nếp xưa Nam bộ: Theo ông Trần giữ lề quê

10/06/2018 07:00 GMT+7

Ở xã Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) người dân vẫn bầu ra Hương Quản. Mọi việc hệ trọng của nhà Lớn đều do tám vị bô lão này quyết định. Việc ma chay vẫn còn tuân theo tục cũ: dùng chung quan tài...

[VIDEO] Long Sơn - nếp xưa Nam bộ
Hương Quản là những người có uy tín, được người dân tin tưởng bầu nên. Mọi việc lớn nhỏ của người dân trong thôn vẫn luôn được lấy ý kiến công khai. Tám vị Hương Quản được xem như tám vị “hộ pháp” có trách nhiệm phân tích phải trái, nên hoặc không nên làm gì để mang lại những gì tốt nhất cho người dân. Có những việc tự phát không thể thống nhất nhưng khi qua thẩm định của Hương Quản và phát động thì hầu hết người dân đều nghe theo.
Tám vị hộ pháp
Rót đầy ấm trà, cẩn thận đưa vào bình ủ, ông Vàng Võ Giót (81 tuổi, một trong tám vị Hương Quản uy tín có sức ảnh hưởng lớn với người dân Long Sơn) chậm rãi vuốt chòm râu dài rồi nói: “Người Long Sơn chúng tôi không theo một môn phái hay đạo giáo nào mà thờ ông bà tổ tiên, đặt nhân nghĩa làm đầu. Để duy trì lối sống, làm việc tập thể chúng tôi phân công lao động rất rõ ràng. Thiếu niên lo học hành, trung niên dành 2/3 thời gian lo kinh tế gia đình. Lão niên dành phần lớn thời gian để làm việc ở nhà Lớn. Với sự phân công lao động như thế, kinh tế các gia đình ở Long Sơn vẫn luôn được đảm bảo và công việc chung ở nhà Lớn cũng được chăm chút”.
Bà Lê Thị Kiềm (73 tuổi, cháu đời thứ 4 của ông Trần) cho biết người dân luôn nghe theo và tín nhiệm các vị Hương Quản. Vào ngày mùng 1 tháng chạp hằng năm, tám vị Hương Quản đại diện cho nhà Lớn đưa ra những vấn đề lớn như: xây nhà cho người nghèo, tặng sách, viết cho học sinh, tu sửa nhà Lớn... Với mỗi việc cụ thể, tám vị Hương Quản sẽ đưa ra kế hoạch thực hiện cụ thể. Khi đã thống nhất, Hương Quản là người giám sát, người dân trong xã cùng làm.
Long Sơn - nếp xưa Nam bộ: Theo ông Trần giữ lề quê1
Bà Lê Thị Kiềm là người duy trì nền nếp trong nhà Lớn
Với cách tổ chức nền nếp như thế nên năm ngoái khi dãy nhà khách tại nhà Lớn bị hư đã được tu bổ rất nhanh chóng. “Cả công trình lớn như thế nhưng chỉ trong vòng một tháng là xong. Khi làm, có nguy cơ bị hụt tiền nhưng nhờ các vị Hương Quản đưa ra bàn bạc công khai với bà con đúng lúc nên công trình vẫn hoàn thành đúng tiến độ. Từ trước tới nay, những công trình chung của nhà Lớn hầu hết được sự chung tay của bà con nên không có một công trình nào mắc nợ”, bà Kiềm chia sẻ.
Cạnh đó, các vị Hương Quản còn giám sát Quỹ Cung kính do người dân đóng góp. Quỹ này được người dân ở đây duy trì cả trăm năm nay. Theo ông Huỳnh Văn Xuân (một trong tám vị Hương Quản), quỹ này cùng với số tiền khách thập phương ủng hộ nhà Lớn được dùng để chăm lo đời sống cho người dân địa phương. Người nghèo không đủ ăn nhà Lớn cho gạo, nước tương, đường, bột ngọt. Trẻ con tới trường nhà Lớn cho học bổng, tập sách. Người nghèo quá không có nhà ở nhà Lớn cho tiền, phụ công xây nhà.
“Ở Long Sơn người nghèo không sợ thiếu ăn. Nhiều thì không có chứ gạo, nước tương, bột ngọt, dầu ăn lúc nào nhà Lớn cũng có sẵn để cho những người thiếu thốn. Người khó nhiều thì cho theo tháng, người khó ít thì một năm cho vài lần coi như động viên họ làm ăn. Mùa mưa sắp tới, sợ ngôi nhà của anh Mùi (thôn 6, xã Long Sơn) không chống chọi được, nhà Lớn lấy ý kiến các vị Hương Quản rồi hỗ trợ anh một bao gạo 49 kg, nước tương, bột ngọt, đường và 5 triệu để anh sửa nhà”, bà Kiềm cho biết.
Long Sơn - nếp xưa Nam bộ: Theo ông Trần giữ lề quê2
Chiếc bao quan hàng trăm nay nay được đặt ở gian Hội nhà Lớn - dùng để chôn cất tất cả người chết ở Long Sơn
Dùng chung quan tài
Không chỉ chăm lo cái ăn, cái mặc mà nhà Lớn còn cùng cộng đồng lo toàn bộ việc ma chay của từng người khi chết theo ý niệm “Nhất gia hữu sự, bá gia cùng lo”.
Khi có người qua đời, nhà Lớn sẽ trích quỹ mua tặng nhà có đám sáu tấm lá, hai tấm đệm, 4,5 m vải trắng, 4,5 m vải đỏ và một bao gạo cùng các nhu yếu phẩm phục vụ đám ma. Ngoài hiện vật, mỗi nhà có đám còn được hỗ trợ 500.000 đồng để thuê người xây mộ.
Ở Long Sơn, đám tang thường được tổ chức đơn giản. Người ta dùng sáu tấm lá chằm (lá dừa bện lại thành tấm, dùng để lợp nhà) xếp dưới huyệt, mỗi bên ba tấm như cái nóc nhà. Người đã mất được quấn trong ba lớp. Lớp thứ nhất là 4,5 m vải trắng, lớp thứ hai là một đôi chiếu, lớp thứ ba là 4,5 m vải đỏ rồi đưa thi hài xuống huyệt. Khi đi chôn thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa (hoặc một khu đất nào đó của gia đình) chứ không dùng xe.
Theo tục lệ, đám tang ở Long Sơn chôn trong vòng 24 tiếng đồng hồ, không giết gà, mổ heo, không chấp điếu, không đãi khách viếng, an táng không xem ngày giờ đẹp, xấu. Đặc biệt, tất cả người ở Long Sơn khi chết đều sử dụng chung một chiếc quan tài đan từ nan tre, đáy ván, đặt tại gian Hội nhà Lớn. Khi có người mất người dân sẽ tới nhà Hội “thỉnh” quan tài về. Sau khi hạ huyệt xong chiếc quan tài được lấy lại và đem về chỗ cũ. Trong một ngày nếu như xã có 2 - 3 người chết thì người dân sẽ tự phân chia giờ để chôn cất. Mộ phần sẽ được xây ngay sau đó.
Về việc dùng chung quan tài, bà Kiềm giải thích: “Khi còn sống ông Trần có nói “Sống đồng tịch, đồng sàng. Chết đồng quan, đồng quách”, tức là con người khi sống chung nơi thì khi chết liệm chung một quan tài. Tục lệ này còn mang thông điệp sâu xa nữa là kẻ hèn, người sang, dân nghèo hay người có chức có quyền đều bình đẳng như nhau khi chết. Do an táng nhanh, không cúng bái, giết gà, mổ heo đãi khách linh đình nên đám tang ở Long Sơn rất ít tốn kém. Người phụ giúp sẽ dùng bữa cơm với gia chủ rồi về”.
Ngoài việc chôn cất người chết theo tục xưa, hiện nay phần lớn người dân Long Sơn vẫn tổ chức đám cưới, đám hỏi vào bốn ngày âm trong tháng là 30, mùng 1, 15 và 16, rước dâu đúng giờ Thìn (8 giờ sáng), tiệc đãi thông thường. Nguyên tắc này được ông Trần quy định từ xa xưa và lề thói ấy được dân Long Sơn gìn giữ đến tận bây giờ. (còn tiếp)
Ông Trần khai phá vùng Long Sơn
Ông Trần - Lê Văn Mưu gốc người Nam bộ vùng Hà Tiên, từng theo giáo chủ Ngô Lợi (Tứ ân hiếu nghĩa) vùng núi Tượng (An Giang) tham gia nghĩa quân chống Pháp. Sau khi nghĩa quân tan rã, bị quân Pháp truy lùng ông Trần cùng gia quyến xuống thuyền lánh nạn, định cư dưới chân núi Nứa, lập nên ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn).
Từ năm 1910 - 1929 tại vùng đất này, ông Trần xây nhiều công trình lớn phục vụ thờ cúng, nơi ở cho dân khi mới đến lập nghiệp, trường dạy chữ quốc ngữ cho trẻ, nhà chợ, nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt...
Chiếc thuyền ông Trần dùng vượt biển còn gọi là Ghe Sấm hiện vẫn được lưu giữ và trưng bày tại nhà Thuyền ở khu di tích nhà Lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.