Loay hoay xử lý mê tín dị đoan

06/06/2019 06:28 GMT+7

'Chúng tôi đang suy nghĩ xem có văn bản nào thống nhất xử lý chuyên về vấn đề mê tín dị đoan hay không?', Bộ trưởng Thiện nói

Là bộ trưởng thứ 4 đăng đàn, phần lớn các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đều xoay quanh vấn đề thương mại hóa hoạt động tâm linh và phòng ngừa, ngăn chặn mê tín dị đoan.

Có việc quan chức đóng cổ phần xây “chùa BOT”?

Câu chuyện làm “nóng” phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện ở Quốc hội (QH) chiều 5.6 là vấn đề thương mại hóa các công trình tâm linh mà đại biểu (ĐB) Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu ra.
Chúng tôi đang suy nghĩ xem có văn bản nào thống nhất xử lý chuyên về vấn đề mê tín dị đoan hay không?
Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện
ĐB này đặt vấn đề: “Báo cáo của Bộ VH-TT-DL không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết việc thương mại hóa công trình tâm linh, tạm gọi là các công trình “chùa BOT” và ở đó có việc một số quan chức đóng cổ phần vào việc xây dựng “chùa BOT” để kiếm lời sau khi xây dựng không? Bộ Công an và Bộ VH-TT-DL có giải pháp gì để xử lý hành vi lệch chuẩn của một số ít công dân VN đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật?”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, Bộ VH-TT-DL là cơ quan quản lý về văn hóa, còn vấn đề quản lý về tôn giáo, đền chùa thì thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, từ trách nhiệm quản lý nhà nước về văn hóa, ông Thiện khẳng định, “hiện chưa có thông tin nào về việc quan chức xây dựng chùa” và đề nghị ĐB nếu có thông tin thì cung cấp cho QH, Chính phủ để xử lý.
Ngay sau phần trả lời của ông Thiện, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh ĐBQH khi chất vấn phải chịu trách nhiệm về câu hỏi của mình. “Bộ trưởng khẳng định chưa có thông tin về việc quan chức góp tiền xây chùa. Nếu ĐB có thông tin thì cung cấp để QH giám sát, cơ quan quản lý nhà nước xem có việc này hay không để xử lý”, bà Ngân nói.

Cấp hàng ngàn héc ta đất cho du lịch tâm linh

Trước đó, vấn đề cấp hàng ngàn héc ta đất cho các dự án “du lịch tâm linh” cũng được nhiều ĐB chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về vấn đề này mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng vẫn “nợ” từ chiều 4.6 đã được Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời bằng việc tiếp tục khẳng định các dự án du lịch tâm linh hiện được điều chỉnh ở nhiều văn bản pháp luật. Theo ông Hà, nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định pháp luật trong việc cấp phép xây dựng các dự án tâm linh sẽ kiểm soát được khu du lịch tâm linh, tránh việc như ĐB nêu. Chưa đồng tình với giải trình của Bộ trưởng, các ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) và Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tiếp tục giơ biển tranh luận.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn ngày 5.6 Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn ngày 5.6 Ảnh: Ngọc Thắng
“Vấn đề cử tri và dư luận nêu là sự nhập nhằng giữa các dự án tâm linh và dự án du lịch”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu và đặt vấn đề: “Thứ nữa là việc phân bổ hàng ngàn héc ta cho các dự án này có hợp lý hay không. Tôi xin đề nghị trả lời”.
ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng câu hỏi mà ông đặt ra là ở VN có nên quy hoạch cả ngàn héc ta cho du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng hay không, trong khi đất đai ở ta là đất sản xuất, hữu hạn? Trên thế giới có nước nào dành cả ngàn héc ta để làm khu du lịch tâm linh như nước ta không? Tuy nhiên, do thời gian chất vấn đã hết nên một số câu hỏi chất vấn và tranh luận của các ĐB dành cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã được Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trả lời bằng văn bản.

Đang tìm văn bản để xử lý mê tín dị đoan

Một vấn đề cũng được nhiều ĐB chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là giải pháp phòng ngừa mê tín dị đoan, quản lý nguồn thu từ các chùa chiền, khu du lịch tâm linh.
ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) nêu hiện tượng các hoạt động mê tín dị đoan đang diễn biến phức tạp, coi bói, xin xăm, rút quẻ, đồng bóng, gọi hồn diễn ra công khai tại nhiều cơ sở thờ tự, tại nhiều địa bàn dân cư. ĐB tỉnh Nam Định cho rằng: “Sự nhầm lẫn giữa mê tín dị đoan với tâm linh, tín ngưỡng đang là mảnh đất tốt để hoạt động mê tín dị đoan núp bóng tâm linh, tín ngưỡng, là nguyên nhân dẫn đến sự ngần ngại của chính quyền, của các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống mê tín dị đoan”. Ông đề nghị Bộ trưởng phân biệt hai khái niệm này đồng thời đưa ra giải pháp. Trong khi đó, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự minh bạch trong việc thu, chi tiền công đức ở chùa chiền, khu du lịch tâm linh và cũng như việc hòm công đức được đặt dày đặc ở các điểm tâm linh.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải trình hoạt động mê tín dị đoan cần phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội, nhưng không thể giải quyết được trong thời gian ngắn nên phải kiên trì xử lý việc này.
“Hiện nay có nhiều văn bản pháp luật liên quan, nhưng chúng tôi rà lại không có văn bản nào điều chỉnh riêng về vấn đề này. Chúng tôi đang suy nghĩ xem có văn bản nào thống nhất xử lý chuyên về vấn đề mê tín dị đoan hay không?”, Bộ trưởng Thiện nói. Về quản lý tiền công đức, Bộ trưởng Thiện cho biết, hiện chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định tiền công đức sẽ thu, chi thế nào mà chỉ có quy định tiền, tài sản công đức cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai.
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng trong giáo lý, giáo luật của Phật giáo thì không có dâng sao giải hạn, thỉnh vong, gọi hồn, vậy mà 2 hoạt động mê tín dị đoan này vẫn đang ngang nhiên tồn tại ở nhiều nơi thờ tự của Phật giáo, như chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, khiến hình ảnh của đạo Phật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Xảy ra những hiện tượng nêu trên trách nhiệm của người đứng đầu ngành văn hóa các địa phương và trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng như thế nào? Những vi phạm ở chùa Phúc Khánh và chùa Ba Vàng khiến dư luận bất bình, phẫn nộ và có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự, nhưng đến nay việc xử lý chưa đến nơi đến chốn, Bộ trưởng có chủ động phối hợp với ngành công an để điều tra, làm rõ các dấu hiệu này không?”, ĐB Giang chất vấn tiếp.
Các câu hỏi của ĐB sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời vào sáng nay (6.6). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ tham gia trả lời về các nội dung này.
 
Có cần thiết yêu cầu truy tố bà Yến ở chùa Ba Vàng?
Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, việc xử phạt hành chính đối với hành vi của các cá nhân vi phạm trong vụ “thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) mức 5 triệu đồng là quá nhẹ và đề nghị Bộ trưởng Thiện cho biết quan điểm mức phạt này đã đủ tính răn đe chưa.
Về mức phạt 5 triệu đồng đối với bà Phạm Thị Yến về hành vi vi phạm lối sống văn hóa, Bộ trưởng Thiện cho biết đây là mức phạt cao nhất theo Nghị định 158 về xử phạt hành chính đối với hành vi này. Ông Thiện đồng tình mức phạt là nhẹ và phải tăng nặng.
Không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Thiện, ĐB Thủy cho rằng, Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành nên xem xét việc xử phạt đó đúng người, đúng tội chưa và có cần thiết phải yêu cầu các cơ quan pháp luật truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?
Bên cạnh đó, ĐB Thủy cũng đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm tái diễn tại chùa Ba Vàng, vì sau khi bị xử phạt, bà Yến lại tiếp tục tuyên truyền và đưa các video lên YouTube, thách thức cơ quan pháp luật. Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH cho rằng vấn đề này có trách nhiệm quản lý của Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ nên đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời vào sáng 6.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.