Loay hoay tìm viện trợ

26/04/2010 01:21 GMT+7

Quá lệ thuộc vào nguồn viện trợ từ Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã đối mặt với nhiều khó khăn khi bị mất “bầu sữa” này.

Bài viết dưới đây điểm lại những nét chính mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển (KH-PT) chính quyền Sài Gòn mô tả. Ông Hưng lúc đó được xem là cố vấn thân cận của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông đã thuật lại những bí mật của dinh Độc Lập trong 2 cuốn sách: Hồ sơ mật dinh Độc Lập (đồng tác giả với Schecter - 1986) và Khi đồng minh tháo chạy (2005).

Thật ra, các nhà hoạch định chiến lược chính quyền Sài Gòn cũng đã thấy nguy cơ trước việc quá lệ thuộc vào viện trợ Mỹ, nhất là viện trợ quân sự. Nên theo lời tiến sĩ Hưng, dinh Độc Lập cũng từng nhiều lần tìm các nguồn tài trợ khác. Tuy nhiên, khi nhận viện trợ hoặc đi vay thì đều chịu những ràng buộc, mà suy cho cùng, viện trợ Mỹ vẫn là “số 1”.

Các nguồn viện trợ song phương

Một trong những quốc gia mà chính quyền Sài Gòn có thể cầu viện là Pháp. Khoản tiền viện trợ mà Paris cho Việt Nam Cộng hòa (VNCH) vay sau cùng là 130 triệu quan Pháp (tương đương 26 triệu USD), nhưng chính quyền Sài Gòn buộc phải mua hàng của Pháp. Theo lời tiến sĩ Hưng thì Bộ KH-PT muốn sử dụng khoản tiền này vào các chương trình canh nông, chế biến, để tạo công ăn việc làm, giải quyết nạn thất nghiệp. Nhưng phía Pháp thì lại gây áp lực buộc phải mua máy phát điện, hệ thống phát sóng tối tân cho đài truyền hình, rồi các loại xem ra là “xa xỉ phẩm” như điện thoại, xe đạp Peugeot..., là những thứ mà VNCH lúc đó không thể “phung phí” tiền để mua. Do chính quyền Sài Gòn không đồng ý nên khoản viện trợ này ngừng lại.

Sau Pháp là Nhật, và tuy thể thức cho vay của Tokyo có “nhẹ nhàng” hơn, với lãi suất thấp và cho vay dài hạn, nhưng Chính phủ Nhật cũng đòi hỏi phải mua hàng hóa Nhật, và rồi cũng giống như trường hợp của Pháp, gây áp lực VNCH nhập cảng những thứ xem ra không cần thiết trong thời chiến. Nhật đòi cho nhập thêm phụ tùng xe gắn máy Honda, mà lúc đó, Sài Gòn được báo giới ngoại quốc đặt cho cái tên “Hondaville”.

Một trong những nguồn cho vay đáng được quan tâm lúc đó là của Iran. Quốc vương Shah đề nghị giúp đỡ chính quyền Sài Gòn khoảng 100 triệu USD và cho vay ngay để yểm trợ nhập cảng hàng hóa. Chính quyền Tehran nói là nếu VNCH không có khả năng hoàn trả bằng tiền thì có thể trả bằng sản phẩm, chẳng hạn như trái cây, rau, hoa quả. Theo đề nghị của Iran thì VNCH tổ chức thu mua, đóng gói, rồi sẽ có phi cơ vận tải bay từ Tehran sang Đà Lạt hằng tuần để chở về. Theo kế hoạch này thì phi trường Liên Khương của Đà Lạt sẽ được tu bổ, sửa chữa lại. Đây là một đề nghị rất tốt và có lợi cho VNCH, nhưng kế hoạch cần có thời gian tổ chức, không thể thực hiện ngay được, trong khi nguồn tiền thì cần rất gấp.

Ngoại trừ các quốc gia kể trên, những nguồn viện trợ song phương khác không đáng kể, vì chỉ nhỏ giọt, năm ba triệu USD và thường là loại viện trợ nhân đạo.

Đáng kể nhất là nguồn tài chính đặc biệt từ Ả Rập Xê Út.

Ông vua hào phóng của Ả Rập Xê Út

Vào cuối năm 1974, một tia hy vọng lóe lên cho chính quyền Sài Gon từ nhà vua Ả Rập Xê Út là Saud al Faisal. Vào đầu năm 1975, nhà vua đã đồng ý trên nguyên tắc cho VNCH vay dài hạn mấy trăm triệu USD với lãi suất thấp. Điều kiện thật là dễ dãi, thủ tục  đơn giản. Ký xong là có tiền ngay, hoặc có thể vay bằng dầu lửa, rồi đến khi nào VNCH khai thác được dầu mỏ thì mới phải trả. Vào thời điểm đó, đã có nhiều tin tức về mỏ dầu ở thềm lục địa VN.

Khoản tiền vay của Ả Rập Xê Út sẽ cho phép chính quyền Sài Gòn mua thêm nhiên liệu, đạn dược của bất cứ nước nào. Một giải pháp vay mượn khác cũng đã được đề nghị với vua Faisal, là Ả Rập Xê Út sẽ đứng ra bảo đảm cho VNCH vay viện trợ quân sự Mỹ (USAID Loan Plan). Theo tiến sĩ Hưng thì kế hoạch này tốt hơn vì lúc đó, tất cả quân trang, quân dụng và vũ khí của quân đội Sài Gòn đều được chế tạo ở Mỹ, nên việc mua đạn dược, quân trang của nước này thuận lợi hơn.

Vừa lúc kế hoạch vay quân viện Mỹ qua bảo đảm của vua Faisal sắp được thực hiện thì ông vua này bị người cháu ruột giết chết.

Sở dĩ vua Faisal ủng hộ chính quyền Sài Gòn là vì ông này chống chủ nghĩa Cộng sản lẫn chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Cai quản đất nước từ năm 1964 với những chính sách cải tổ và hiện đại hóa đất nước, nhưng đến năm 1975 thì ông bị Hoàng tử Musaid - gọi vua là bác ruột, vừa từ Mỹ trở về nước - ám sát. Hôm đó là ngày 25.3.1975, nhân sự kiện nhà vua mở cửa hoàng cung cho mọi công dân vào chiêm bái, thì Hoàng tử Musaid đã bắn chết nhà vua, viện lẽ là để trả thù việc lực lượng quốc phòng Ả Rập hồi năm 1965 đã bắn chết người anh của Musaid. Tháng 6.1975, Musaid đã bị hành hình bằng hình thức chặt đầu trước công chúng.

Cái chết của vua Faisal vào đúng ngày tại miền Nam VN, Quân đoàn I có lệnh rút khỏi cố đô Huế. Không còn cách nào khác, Tổng thống Thiệu gửi điện chia buồn cùng Hoàng gia Ả Rập, và sau đó, thúc giục Chính phủ Ả Rập Xê Út tiếp tục tiến hành kế hoạch của tiên vương. Nhưng trong lúc tang gia bối rối, phía Ả Rập trả lời là sẽ cứu xét đề nghị ấy.

Ngày 14.4.1975, ông Thiệu phái ông Hưng cùng Ngoại trưởng VNCH lúc đó là ông Vương Văn Bắc và Đại sứ Trần Kim Phượng đi Washington D.C. cầu viện Mỹ theo kiểu “vay quân viện” lần cuối cùng, những mong níu kéo sự tồn vong của chính quyền Sài Gòn. Việc “vay quân viện” được VNCH “thế chân” bằng những thứ sau đây: - Tiềm năng dầu lửa - Tiềm năng xuất cảng gạo - Khoản tiền Ả Rập Xê Út hứa cho vay - Số vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc gia VN (lúc đó là 16 tấn, trị giá vào khoảng 120 triệu USD).

Trong khi những người “đi sứ” còn thương thảo thì tình hình chiến sự diễn biến quá nhanh. Và ngày 18.4, tiến sĩ Hưng nhận được bản tin mới nhất của các hãng thông tấn với nội dung: “Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ vừa bỏ phiếu chống việc tăng quân viện cho VNCH. Ủy ban Ngoại giao thì chấp thuận dự luật cho quyền Tổng thống Ford sử dụng quân đội để di tản người Mỹ ra khỏi VN”.

Hành động này được xem như là đã “khai tử” VNCH. Ông Hưng ở lại Mỹ cho đến ngày nay.

Tuyết Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.