Loạn kê toa thuốc, Bộ trưởng Y tế nhận trách nhiệm

15/06/2017 06:27 GMT+7

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận trách nhiệm trước dân về tình trạng loạn kê toa thuốc.

Dược sĩ kê đơn thay bác sĩ
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Dương Minh Ánh (Hà Nội) “truy” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của dược sĩ và tình trạng lạm dụng thuốc nói chung, thuốc kháng sinh nói riêng trong suốt thời gian qua, khiến nhiều bệnh nhân bị kháng thuốc, dị ứng thuốc, nặng hơn thì bị sốc thuốc phải nhập viện...
Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trước thực trạng nêu trên và giải pháp của Bộ trưởng trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong việc quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh

Đại biểu Dương Minh Ánh


Dẫn số liệu khảo sát cho thấy gần 3.000 hiệu thuốc tại nông thôn và thành thị ở phía bắc có 88 - 91% hiệu thuốc không bán theo đơn của bác sĩ, ĐB Ánh chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trước thực trạng nêu trên và giải pháp của Bộ trưởng trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong việc quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh”.
Bộ trưởng Tiến thừa nhận: “Tôi thấy ý kiến của ĐB rất xác đáng. Đây là yếu kém trong quản lý của ngành và chúng tôi nhận trách nhiệm về tình trạng người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được mà không cần đơn”. Tuy nhiên, bà Tiến cho rằng, khó quản lý tình trạng trên vì cả nước chỉ có 300 thanh tra, lực lượng mỏng, nên khó kiểm soát việc bán thuốc tại các hiệu thuốc trên toàn quốc, thậm chí còn khó hơn cả làm an toàn thực phẩm vì đây là lĩnh vực chuyên sâu. Song trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Y tế hứa sẽ cố gắng chấm dứt tình trạng này.
Tiếp tục chất vấn về vấn đề thuốc, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ vì sao giá thuốc VN hiện cao hơn mặt bằng khu vực. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng có tình trạng giá thuốc mỗi nơi một khác. Bà Tiến cho biết hiện nay để quản lý giá thuốc, Bộ Y tế đã ban hành một loạt thông tư. Đối với nhà thuốc bệnh viện, theo bà Tiến đã thực hiện nghị định đấu thầu, lập trung tâm mua sắm tập trung. Đối với quầy thuốc bán lẻ, bà Tiến cho rằng phải tôn trọng quy luật thị trường, có nghĩa phải tuân theo kê khai giá và công khai, minh bạch. “Chắc chắn các quầy thuốc khác nhau bán cùng một tên thuốc giá sẽ khác nhau, nếu bán rẻ thì nhiều người mua, bán đắt thì ít người mua, theo quy luật thị trường”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.
   Ảnh: Ngọc Thắng   
Tôi thấy ý kiến của ĐB rất xác đáng. Đây là yếu kém trong quản lý của ngành và chúng tôi nhận trách nhiệm về tình trạng người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được mà không cần đơn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Bà Tiến cũng thừa nhận thực trạng như ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) lo ngại là các vi phạm của những cơ sở y tế ngoài công lập tiếp tục diễn biến phức tạp, từ phòng khám chui, bác sĩ không được cấp phép hành nghề, cho đến tai biến gây chết người. “Một thực tế nữa là những cơ sở này thường chọn chữa các bệnh khó nói, khó chẩn đoán. Từ đó họ dùng một số thủ thuật không đảm bảo an toàn chuyên môn, rất dễ tai biến”, bà Tiến nói và cho hay mặc dù lực lượng thanh tra y tế đã tăng cường kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép nhiều cơ sở, song vì lợi nhuận cao nên vẫn còn tình trạng tái phạm. Dẫu vậy, Bộ trưởng Y tế khẳng định tình trạng này ở một số thành phố lớn đã tốt lên.
Không cổ phần hóa bệnh viện công
ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, băn khoăn câu chuyện các phòng khám dịch vụ, kê thêm giường dịch vụ nở rộ trong bệnh viện công lập tuyến trên. Ông Quang chỉ ra rằng theo luật Quản lý tài sản công, tới đây đơn vị công lập chỉ được liên danh khi dư thừa công suất, vậy ngành y tế sẽ giải bài toán đầu tư liên kết thế nào khi tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn?
“Xã hội hóa kết hợp công tư là chủ trương lớn để huy động nguồn lực nhưng nguyên tắc là không cổ phần hóa bệnh viện công”, Bộ trưởng Tiến khẳng định và trấn an rằng dù kết hợp công tư song sở hữu, cơ chế tài tài chính, hạch toán phải rõ ràng chứ không nhập nhằng.
Bội chi Quỹ BHYT do trục lợi
Liên quan đến vấn đề trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu tình trạng nhiều người đi khám làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh, gây quá tải và bội chi Quỹ BHYT.
Bộ trưởng Kim Tiến cho biết ngành vừa tổ chức kiểm tra, giám sát thì thấy tình trạng lạm dụng BHYT là có thật. Bà Tiến đánh giá, do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng BHYT đã rộng hơn, và với chủ trương thông tuyến thì nhiều người đã lợi dụng. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, trước mắt là ở một số bệnh tuyến T.Ư.
Giải trình thêm vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH VN, cho hay tổng quỹ BHYT cho năm 2017 là 73.000 tỉ đồng. Nhưng số liệu quý 1/2017 và dự báo cho thấy khả năng mức chi cả năm sẽ lên đến 80.000 tỉ đồng. “Việc tăng chi lên đến 10% là không bình thường. Nguồn dự phòng 6.000 tỉ khả năng không đủ, chỉ dành cho các địa phương bội chi có nguyên nhân khách quan thôi”, bà Minh lo ngại và đề nghị các ĐB giám sát ở địa phương, để loại trừ các yếu tố trục lợi BHYT như thời gian gần đây.
Thế nhưng, phần phát biểu của vị khách mời này đã vấp phải phản ứng. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng chỉ nhìn nhận vấn đề BHYT là phải giảm chi do trục lợi là chưa toàn diện, chưa vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân được tốt nhất. “Không muốn vỡ quỹ thì phải đặt ra tăng cường nguồn, đa dạng mức thu chứ không nhăm nhăm siết chi”, bà Lan nói.
Thừa nhận chuyện trục lợi để hưởng BHYT đang gây bức xúc dư luận, nhưng ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng cho biết người bệnh còn bức xúc hơn khi BHXH dựa vào lợi thế cầm tiền của mình để không thanh toán, dù bệnh nhân đủ hồ sơ.
Kỷ luật 7.000 cán bộ y tế
Về vấn đề y đức, các ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội), Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre)... phản ánh vẫn còn tình trạng các y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đạo đức của cán bộ y tế là do “con sâu làm rầu nồi canh” và vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt. “Trong thời gian qua, hơn 7.000 cán bộ y tế trong toàn ngành đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành”, bà Tiến cho biết.

Chỉ liệt kê văn bản thì sao gọi là nhận trách nhiệm?
Phần chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trong chiều qua mới chỉ vỏn vẹn có khoảng 30 phút cuối giờ song không vì thế mà kém sôi nổi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) tỏ ra gay gắt khi nhận xét về báo cáo của Bộ KH-ĐT trong việc nhận trách nhiệm trước tình trạng các dự án đầu tư trọng điểm kém hiệu quả.
Theo bà Kim Thúy, trong một trang báo cáo về trách nhiệm, cơ quan này chủ yếu dẫn ra hàng loạt văn bản, quy định pháp luật thì không rõ trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu? Còn ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị người đứng đầu ngành KH-ĐT nêu giải pháp đột phá để làm sao vẫn hút đầu tư nước ngoài mang vào các dự án với công nghệ hiện đại, không tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng trong nước và nhất là không để tình trạng chuyển giá tái diễn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: “Mục tiêu trong thu hút đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt được, đó là ở khía cạnh các dự án có công nghệ không phải cao, tình trạng chuyển giá, các dự án trong công nghiệp thì sử dụng nhiều năng lượng, nguyên vật liệu, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ gia công cao”. Hôm nay (15.6), QH tiếp tục phần chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.