Loại bỏ ngay những quy định kỷ luật lỗi thời trong học đường

11/12/2020 06:02 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng phải loại bỏ những quy định kỷ luật lỗi thời trong học đường sau khi đọc thông tin về vụ nữ sinh lớp 10 ở An Giang nghi tự tử vì uất ức.

Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 10 ở An Giang nghi tự tử vì uất ức, nhiều ý kiến cho rằng phải loại bỏ những quy định kỷ luật lỗi thời trong học đường, đồng thời giáo viên cũng cần có những ứng xử phù hợp trong môi trường giáo dục hiện nay.
Như Thanh Niên thông tin, em N.T.N.Y (ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) đã để lại thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử ngay tại trường, để minh chứng mình không vi phạm như quyết định xử lý của trường. Mẹ của nữ sinh này cho biết nguyên nhân bắt đầu từ việc Y. không tham gia học phụ đạo đủ 5 môn có thu tiền theo quy định của trường, mà chỉ học môn tiếng Anh mà em yếu nhất. Đồng thời, quá trình học Y. cũng bị giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thường nhắc nhở về việc mặc áo dài mỏng...
Sau đó, Y. dùng điện thoại ghi âm cô giáo chủ nhiệm thì bị phát hiện. Kết quả, nhà trường xử lý cấm túc trong 2 tuần, phải vào lớp sớm để các cô giáo dạy quy tắc ứng xử, lao động. Trường đã thông báo nêu tên Y. dưới cờ trước toàn trường khiến nữ sinh này uất ức dẫn đến hành động dại dột.

Chẳng khác làm nhục, xúc phạm học sinh

Nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc trước những biện pháp kỷ luật học sinh phản giáo dục và thiếu nhân văn như trên. “Những quy định kỷ luật lạc hậu, lỗi thời, phản giáo dục suýt tước đi mạng sống của một em học sinh tại sao đến giờ vẫn còn tồn tại? Hành vi bêu riếu, mỉa mai, dè bỉu học sinh của giáo viên chủ nhiệm quá vô tâm, vô cảm, kém sư phạm... Cần xử lý thật nghiêm”, BĐ Thanh Bình bức xúc.
Trong khi đó, BĐ Tri Ngo ý kiến: “Mình đồng ý rằng phải có sự chung tay của cả gia đình, xã hội, nhà trường trong việc dạy dỗ hình thành nhân cách học sinh, phải vừa cương vừa nhu, không quá nuông chiều từ phía gia đình, cũng không quá khắc nghiệt từ phía nhà trường. Nhưng phạt kiểu của trường và cô giáo như vậy là không được, đó cũng là một hình thức làm nhục, xúc phạm nhân phẩm học sinh công khai. Hiện nay từ bậc giáo dục mầm non đã không còn nhận xét phê bình các cháu trước lớp nữa mà chỉ trao đổi trực tiếp giữa nhà trường và gia đình, huống chi đây là học sinh lớp 10, không thể áp đặt kiểu giáo dục cũ được. Phản tác dụng”.
“Các em cần được những lời động viên hơn những lời phê phán. Là một nhà giáo trình độ sư phạm nên dạy học sinh theo đường lối đã học, đừng để chuyện đã rồi, sau đó xin lỗi kiểm điểm...”, BĐ Thanh Chung góp ý.

Giáo viên cần ứng xử phù hợp hơn

Qua câu chuyện của em Y., nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc ngành giáo dục cần thay đổi mạnh mẽ, loại bỏ những cái cũ, những cái không còn phù hợp. Bên cạnh đó cũng phải siết chặt việc kiểm tra giám sát, không để trường hợp tương tự xảy ra. Cần chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp của ngành, các giáo viên phải thay đổi cách ứng xử phù hợp hơn trong môi trường giáo dục 4.0.
“Giáo dục đã có những bước tiến bộ, song sự tôn trọng học sinh chưa cao, vấn đề tâm lý học đường và giáo dục giới tính chưa được đầu tư, giải quyết các vấn đề còn chủ quan, áp đặt, chưa đứng từ phía học sinh, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa chữa và thay đổi”, BĐ Ngoc Bao ý kiến.
BĐ Lien Pham cũng cho rằng: “Công bằng và bao dung đối xử là điều cần nhất của người giáo viên. Từ chỗ không công bằng trong nhìn nhận đánh giá của giáo viên sẽ dẫn đến mọi vấn đề phức tạp. Kỷ luật nhưng công bằng thì các em sẽ phục, còn không sẽ có những em chấp nhận nhưng không phục, khi đó nảy sinh phản ứng khó lường”.
“Những phương pháp kỷ luật học đường lạc hậu không còn phù hợp với hiện nay thì ngành giáo dục nhanh chóng loại bỏ. Giáo viên cần ứng xử phù hợp với môi trường giáo dục phát triển như hiện nay. Trẻ con là những búp măng non, vì vậy chúng cần có những người thầy người cô thật sự có tâm để dìu dắt chúng trưởng thành”, BĐ Mai Duyên góp ý.
Hãy dùng tình thương để cảm hóa con trẻ. Bạn yêu chúng, chúng sẽ mến bạn. Lúc này mọi lời nói của bạn chúng đều thích thú và vui vẻ làm theo.
Hoài Nguyễn
Nếu người lớn chúng ta cư xử tế nhị thì sẽ làm cho các em không cảm thấy tủi hổ mà lại cố gắng sửa đổi.
Minh Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.