Lo sớm chuyện xả lũ

Hữu Trà
Hữu Trà
24/01/2018 12:00 GMT+7

Trận lũ đầu tháng 11.2017 gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Nam, Đà Nẵng nên chính quyền và người dân đều thấy bất an với việc thủy điện xả lũ.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, chuyện thủy điện xả lũ đã được đặt ra sớm…
“Cảnh báo chưa đủ cho dân chuẩn bị”
Đó là thông tin do tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đưa ra tại hội nghị cảnh báo lũ sớm và điều tiết nước của các công ty thủy điện được UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tổ chức vào ngày 19.1 vừa qua. Theo CARE quốc tế tại Việt Nam, có nhiều nguyên nhân gây ngập lụt trầm trọng tại 2 địa phương này sau những đợt mưa lũ vừa qua, trong đó chủ yếu do các hồ chứa thủy điện xả lũ và thông tin cảnh báo xả lũ của thủy điện ở thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn chưa đủ thời gian cho người dân chuẩn bị; các kênh thông tin chưa kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, có yếu tố thời tiết diễn biến bất thường gây mưa lớn trên diện rộng, rừng nguyên sinh không còn, rừng bị khai thác cạn kiệt, tốc độ phát triển các công trình dân sinh, khai thác cát trên sông… Ngoài ra, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi “đắp” rất cao so với mặt bằng khu dân cư và đồng ruộng, mở đường liên xã nhưng thiếu các phương án thoát nước hợp lý… cũng là nguyên nhân khiến các khu dân cư trở thành túi chứa nước, lũ rút chậm.
Nhóm nghiên cứu của CARE quốc tế tại VN cũng chỉ ra những nguyên nhân gián tiếp khiến thiệt hại, rủi ro của người tăng lên: thiếu sự tham gia, góp ý kiến của cộng đồng và cán bộ xã, thôn trong tiến trình xây dựng kế hoạch xả lũ; người dân không được tham vấn ý kiến khi nhà nước xây dựng, đầu tư các tuyến đường cao tốc gây ngập lụt... Theo bà Hà Thị Kim Liên, cán bộ gíam sát đánh giá của CARE quốc tế tại VN, các hình thức thông tin cảnh báo lũ cũng đang đối diện nhiều thách thức, trong số đó phải kể đến hệ thống loa truyền thanh không đáp ứng, thông tin đến người dân còn khó hiểu, nhiều thông báo chưa được như mong đợi của người dân vùng lũ. Đặc biệt, thời điểm xảy ra lũ lụt lại thường xuyên… cúp điện, nên người dân không nắm bắt được thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Lo sớm chuyện xả lũ 1
Từ đầu năm, lãnh đạo 2 địa phương đã sớm bàn chuyện khắc phục xả lũ Ảnh: Hữu Trà
Làm sao ngăn hồ chứa xả cấp tập?
 Để hạn chế rủi ro đến tính mạng, tài sản của người dân, CARE quốc tế tại VN kiến nghị cần thông báo xả lũ cho những vùng xa đập thủy điện trước ít nhất 12-24 giờ. Cần tránh việc xả nước về đến khu dân cư vào ban đêm và phải đền bù thiệt hại trong tình huống xả lũ khẩn cấp gây thiệt hại cho người dân. Ngoài ra, bà Hà Thị Kim Liên mong muốn ngành khí tượng thủy văn có dự báo về mưa lũ chính xác cơ quan quản lý hồ đập kịp thời xây dựng kế hoạch điều tiết xả lũ phù hợp. “Để hạn chế thiệt hại, cần lắp đặt nhiều hơn thiết bị, phần mềm đo lưu lượng xả lũ và xây dựng cơ chế giám sát xả lũ khoa học, hiệu quả”, bà Liên đề nghị.
Đại diện Công ty CP thủy điện A Vương cũng nhìn nhận công tác dự báo khí tượng tác động đến vận hành xả lũ hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là dự báo trung hạn, dài hạn nên độ chính xác của bản tin không cao. Đây chính là thách thức lớn nhất trong công tác vận hành hồ chứa, đặt ra nhu cầu cấp thiết có được bản tin dự báo chính xác cao để tránh gây áp lực buộc chủ hồ chứa thủy điện phải xả lũ cấp tập, tác động bất lợi cho người dân vùng hạ du.
“Chìa khóa” từ thông tin cảnh báo chính xác
Từ những thiệt hại do lũ lụt gây ra, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá việc thông tin cảnh báo chính xác xả lũ là chìa khóa giúp cơ quan quản lý có cái nhìn thực tế, cụ thể, sâu sắc hơn, nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết, biến đổi khí hậu đối với cộng đồng. Đồng thời, giúp quản lý tốt hơn nguồn nước Vu Gia - Thu Bồn.
Tại Quảng Nam, đợt mưa lũ từ ngày 3-8.11.2017 đã gây thiệt hại về vật chất lên đến 1.600 tỉ đồng cùng 40 người chết và mất tích; tại TP.Đà Nẵng, tổng mức thiệt hại 80 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.