Lo 'phình' biên chế khi lập lực lượng an ninh, trật tự cơ sở

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/11/2020 06:28 GMT+7

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng lực lượng mới với số lượng lên tới 1,5 triệu người sẽ làm tăng biên chế, ngân sách cũng như khó đảm bảo cơ sở vật chất cho lực lượng này hoạt động.

Ngày 12.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Nội dung cơ bản của dự luật là tổ chức lại gần 750.000 bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách hiện có thành một lực lượng làm nhiệm vụ tham gia hỗ trợ công an chính quy tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

Chưa tăng lương công chức, viên chức trong năm 2021

Chiều 12.11, với 446/448 (92,53% tổng số ĐB) ĐB tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021; trong đó nêu rõ năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo.
Mức lương cơ sở theo lộ trình sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1.7.2020. Tuy nhiên, tại kỳ họp 9 hồi tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chưa tăng lương cơ sở theo lộ trình nêu trên.
Nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ lo lắng việc xây dựng lực lượng mới với số lượng lên tới 1,5 triệu người sẽ làm tăng biên chế, ngân sách cũng như khó đảm bảo cơ sở vật chất cho lực lượng này hoạt động.
ĐB Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho hay điều ông băn khoăn khi đọc dự án luật này là liệu có làm tăng biên chế? Tổ chức bộ máy có cồng kềnh hơn? Kinh phí từ ngân sách nhà nước có phải chi thêm? “Quan trọng hơn, phải chăng nhờ luật này sẽ phát huy được toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở?”, ông Dũng nêu.
Theo ông Dũng, cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) đánh giá sẽ giảm được ngân sách, song ông cảm giác là “viết cho vui, để an lòng ĐB” vì “không cần tới chuyên môn về tài chính ngân sách cũng thấy là phải tăng ngân sách nhà nước”. Ông Dũng dẫn chứng, hiện nay 50% đội dân phòng phải đi mượn trụ sở, 30% không có nơi làm việc. “Như vậy, với 80% này có phải xây trụ sở làm việc không? Và để xây trụ sở làm việc cho 100% lực lượng này thì hết bao nhiêu tiền”, ông Dũng nói và cho rằng: “Tất nhiên đây là chuyện cần thiết phải làm nhưng dự án luật này ra đời sẽ tăng ngân sách, không giảm được”.
Trong khi đó, tại tổ TP.HCM, ĐB Nguyễn Minh Hoàng cho rằng không thể nói đây là lực lượng bảo vệ cơ sở, vì nhiệm vụ đề ra trong dự án luật không có nhiệm vụ nào lực lượng này trực tiếp tham gia hay tự chủ trì để thực hiện. mà chỉ tham gia hỗ trợ. Bên cạnh đó, ĐB cho rằng cả nước có khoảng 2 triệu người tham gia các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách, sau khi thống nhất thành lực lượng mới thì chỉ còn 1,5 triệu, như vậy giảm được 500.000 người. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay cả nước chỉ có gần 750.000 người (số còn lại nằm trong kế hoạch - PV), như vậy, sau khi tổ chức lực lượng mới thì sẽ làm tăng biên chế thêm 800.000 người chứ không giảm đi.
“Theo tôi, chúng ta nghiên cứu (xây dựng) ra một lực lượng vừa không chính danh, vừa khiến ngân sách đội lên. Tôi đề nghị, phải tính lại bởi hiện tại chúng ta có lực lượng của tổ dân phố; phòng cháy chữa cháy có lực lượng dân phòng. Do vậy, nên chăm sóc chính sách tốt hơn cho những lực lượng này. Hiện nay, TP.HCM và nhiều địa phương khác đang làm tốt các lực lượng này”, ĐB Hoàng góp ý.
Giải trình các vấn đề mà ĐB quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định các lực lượng này đang hoạt động và tồn tại ở địa phương, chứ không phải có luật này rồi sinh ra lực lượng mới. Tuy nhiên, các lực lượng được điều chỉnh trong các văn bản khác nhau, có cái chưa thành luật nên giờ phải khái quát lại. “Những chi phí có thể phát sinh thì vẫn lo lắng, nhưng không ảnh hưởng việc luật này ra đời”, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp 11 sang năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.