Lo ngại tiêu cực, lạm dụng khi tài sản công được cho thuê, liên kết kinh doanh

29/05/2017 15:29 GMT+7

Đây là quan điểm của một số ĐBQH tại phiên thảo luận về dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản công sáng nay 29.5.

Trước đó, trình Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, việc khai thác tài sản công đã được điều chỉnh đảm bảo tính nghiêm minh và tách bạch chức năng quản lý, đồng thời giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.
Cụ thể, dự Luật quy định theo hướng chỉ cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội “sử dụng chung” theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí.
Dự Luật cũng bổ sung quy định cơ quan có tài sản cho sử dụng chung chỉ được thu một khoản kinh phí để bù đắp các chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản trong thời gian sử dụng. Ngoài ra, quy định về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác các tài sản là nhà ở công vụ và quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu cũng được bổ sung vào dự Luật.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, UBTVQH cho rằng, việc cho phép các đơn vị này được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập vươn lên tự chủ ngày càng cao hơn hoặc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, dự Luật cũng đã đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng đầu tư quá mức, dẫn tới dư thừa công suất, đồng thời yêu cầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tránh lãng phí trong đầu tư.
Góp ý cho dự luật, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) băn khoăn về tính khả thi của một số điều khoản. Đồng tình quy định chống việc lợi dụng, lạm dụng để chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản công, nhưng ĐB Cương cho rằng quy định như dự Luật sẽ rất khó xử lý.
“Nếu luật quy định cứng nhắc thì có rất nhiều vi phạm. Ví dụ, dùng xe công đi công tác nhưng tiện đường ghé thăm quê, hoặc trên đường đi làm về vào viện thăm người nhà chẳng hạn thì đó đều là vi phạm. Nhưng vi phạm ở mức đó có đáng xử lý không?”, ĐB Cương nêu vấn đề.
Góp ý cho quy định khai thác tài sản công chưa dùng hết công năng vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê ĐB Cương cho rằng, cần có quy định đảm bảo sự thống nhất vì luật vừa cho phép nhưng đồng thời cũng cấm sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
“Hiện nay rất nhiều các cơ quan tổ chức cho sử dụng cho thuê, ví dụ Trung tâm Hội nghị Quốc tế cho thuê tổ chức đám cưới thì là đúng hay không? Làm thế nào để phân biệt việc cho thuê là đúng hay không đúng?".
ĐB Nguyễn Anh Trí Ảnh Ngọc Thắng
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lưu ý quy định về cấm sử dụng ô tô, tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng định mức, tiêu chuẩn. ĐB này đề nghị: “Cần bổ sung thêm quy định thời điểm. Vì có lúc người ta tặng, cho, biếu đúng quy định, đúng tiêu chuẩn nhưng vào thời điểm đang xem xét dự án gì đó thì việc biếu tặng dễ bị lợi dụng”.
Đối với quy định khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, ĐB Trí cho rằng đây vấn đề quan trọng dễ sinh tiêu cực. “Nguồn ngân sách thì hạn hẹp nhưng nhu cầu các đơn vị lớn, vì vậy xu hướng chung là xin quá lên để khi phê duyệt giảm đi là vừa. Đây là văn hoá rất phổ biến, chưa kể cơ chế xin - cho, nên thân quen, người nhà, thậm chí sân sau được phân bổ nhiều hơn”, ĐB Trí phát biểu.
Gặp “số xấu”, người dân có quyền bỏ tiền để từ chối không?

Theo ông Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu... vào nội dung phân loại tài sản công tại dự Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào danh mục tài sản công “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”. 
Góp ý về vấn đề này, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, nhu cầu số đẹp là có thật nhưng những người cần số đẹp không nhiều. “Nếu tổ chức đấu giá số đẹp thì sẽ đấu giá như thế nào, nếu số đẹp được coi là tài sản? Vậy tôi bỏ tiền ra đấu giá, tôi mua rồi thì tôi có quyền đem bán. Lúc đó quản lý nhà nước sẽ xử lý như thế nào?”, ĐB Phương đặt vấn đề. 
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt câu hỏi nếu nhà nước cho đấu giá số đẹp thì nếu gặp số xấu, công dân có quyền bỏ tiền ra để từ chối không? Ngoài biển số xe thì số khác số định danh công dân có đấu giá không? 
Cũng theo ĐB Hồng, trong dự thảo quy định tài sản công ngoài kho số viễn thông còn các kho số khác, vậy cụ thể là kho số nào? “Đây là vấn đề tuy nhỏ nhưng quan trọng. Đề nghị đưa ra nguyên tắc sử dụng các kho số này trên cơ sở đó ra các luật chuyên ngành. Cá nhân tôi không đồng tình việc đấu giá các loại kho số”, ĐB Hồng nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.