Lo ngại tận thu cát ở công trình ngàn tỉ

02/07/2020 07:26 GMT+7

Việc nạo vét tận thu cát trong công trình thủy lợi Tà Pao và nạo vét khoảng 7 km dọc sông La Ngà sẽ gây ô nhiễm môi trường ?

Dư luận đang lo ngại việc UBND tỉnh Bình Thuận cho phép nạo vét tận thu khoáng sản trong công trình thủy lợi Tà Pao và nạo vét khoảng 7 km dọc sông La Ngà sẽ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở đất nông nghiệp.
Công trình thủy lợi Tà Pao nằm trên sông La Ngà, thuộc địa bàn xã La Ngâu (H.Tánh Linh), được khởi công năm 2010, hoàn thành năm 2013. Đây là công trình cung cấp nước tưới cho hơn 20.340 ha đất nông nghiệp của 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh; cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 150.000 người dân trong vùng dự án với tổng mức đầu tư 2.128 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Cho tận thu ở khu vực cấm

Tại công trình thủy lợi Tà Pao, PV Thanh Niên nhận thấy có nhiều tàu thuyền, sà lan lớn nằm trong khu vực lòng hồ đang hút cát. Đơn vị khai thác còn kéo điện vào tận mép sông La Ngà để đóng 2 sà lan “khủng” nhằm phục vụ tận thu cát. Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch UBND H.Tánh Linh, cho biết: “Đơn vị thực hiện nạo vét, tận thu khoáng sản là Công ty CP khoáng sản Thuận Phong (Công ty Thuận Phong; trụ sở ở Q.9, TP.HCM - PV)”.
Tháng 12.2019, Công ty Thuận Phong được UBND tỉnh Bình Thuận cho phép “nạo vét kết hợp tận dụng cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Pao (công trình thủy lợi Tà Pao - PV)”.
Diện tích được cấp phép là 22,5 ha (trong đó nạo vét lòng hồ là 15 ha), diện tích còn lại kéo dài gần 7 km dọc theo sông La Ngà. Khối lượng cho phép nạo vét là 180.048 m3, thời gian triển khai dự án kéo dài tới 5 năm. Theo ông Lâm, Công ty Thuận Phong đã san ủi 3 bãi chứa cát diện tích 7,5 ha, làm 3 con đường và đang tận thu cát cả trong lòng hồ và trên sông La Ngà.
Trong khi đó, theo Công văn số 3007 ngày 10.7.2019 của Sở TN-MT gửi Sở NN-PTNT, thì khu vực mà Công ty Thuận Phong nạo vét nằm ngoài khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Mặt khác, theo quyết định phê duyệt trước đó của UBND tỉnh Bình Thuận, thì khu vực này thuộc diện cấm hoạt động khoáng sản vì nằm trong diện tích đất bảo vệ công trình thủy lợi.
Lo ngại tận thu cát ở công trình ngàn tỉ1

Công ty Thuận Phong đang đóng 2 sà lan ngay tại ven sông để tận thu cát

Liên quan tận thu cát ở công trình nghìn tỉ, ông Nguyễn Tăng Thắng (người dân ở H.Tánh Linh) cho biết ông đã có đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng làm rõ việc cho Công ty CP Thuận Phong “nạo vét tận thu hay thực chất là khai thác khoáng sản, bởi vấn đề này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước sông La Ngà”.

Vì sao “giao thẳng” ?

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở TN-MT Bình Thuận), cho rằng lo ngại của người dân là có cơ sở. “Theo quy định của luật Bảo vệ môi trường, luật Tài nguyên nước và luật Thủy lợi, thì phải xử lý nước thải (từ hoạt động nạo vét) đạt quy chuẩn trước khi thải vào môi trường nước sông. Nếu như chưa được cấp phép xả thải theo quy định mà đã nạo vét, tận thu khoáng sản trên dòng sông La Ngà là sai luật”, ông Tám nói.
Thạc sĩ Mai Chí, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, nói: “Việc cho nạo vét, lấy cát nếu quá lưu lượng sẽ làm tác động đến dòng chảy của sông La Ngà. Vì nơi nạo vét là thượng nguồn, dòng sông còn chảy sang H.Đức Linh rồi chảy vào tỉnh Đồng Nai hàng chục cây số. Nếu lấy hết cát, phù sa thì dòng chảy sẽ thay đổi và gây sạt lở bờ sông. Nếu thận trọng, tỉnh nên tham vấn ý kiến người dân, ý kiến phản biện của các nhà khoa học về sự tác động của việc này trước khi cấp phép”.
Trong khi đó, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết việc tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Thuận Phong tận thu là do 2 sở cùng tham mưu (TN-MT và NN-PTNT), chứ không riêng Sở NN-PTNT.
Trả lời câu hỏi vì sao phải nạo vét, tận thu cát trong lòng đập dâng Tà Pao, ông Kiều cho rằng: “Lâu ngày nó bồi lấp, nạo vét cho nó tăng lưu lượng nước”. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi vì sao phải cho nạo vét tới 5 năm, ông Kiều nói: “Cái này do tư vấn khảo sát và đánh giá tác động môi trường đã được Sở TN-MT phê duyệt” (?). Về việc Công ty Thuận Phong có phải thuê đất trong lòng hồ để tận thu hay không, ông Kiều nói “không nhớ” và đề nghị PV hỏi ông Võ Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Thuận.
Liên hệ ông Võ Đức Anh, ông này cho rằng theo Nghị định 67 năm 2018 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của luật Thủy lợi - PV), thì Sở NN-PTNT tham mưu cho phép nạo vét, tận thu khoáng sản trong phạm vi công trình thủy lợi. Còn việc thuê đất, tính tiền khoáng sản thế nào thì thuộc Sở TN-MT.
Về lý do tại sao không đấu giá mà giao thẳng cho Công ty Thuận Phong, ông Anh nói: “Trong Nghị định 67 năm 2018 của Chính phủ không nói đấu giá việc cấp phép nạo vét trong công trình thủy lợi. Họ được quyền nạo vét vì họ đã được thăm dò, khảo sát (?!). Còn lượng khoáng sản nạo vét tận thu đem lên bờ rồi, thì có đấu giá hay không là thuộc Sở TN-MT”.

Sông La Ngà đã sạt lở vào bờ cả chục mét

Sông La Ngà đã sạt lở vào bờ cả chục mét2

Đoạn sông sạt lở nghiêm trọng giáp ranh 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh

Cuối tháng 6.2020, PV Thanh Niên đã theo người dân địa phương khảo sát nơi các vị trí sạt lở ở sông La Ngà.
Theo ông Lê Văn K., người dân xã Gia An (H.Tánh Linh), việc sạt lở sông La Ngà, nhất là ở vị trí xã Gia An là mới nhất. Nhưng gần đây, khi vào mùa nước lớn, tình trạng sạt lở càng nhanh và lấn sâu hơn. Đoạn có vườn cao su giáp ranh giữa 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh sạt lở sâu hình lòng chảo. Nơi sạt lở đã ăn sâu vào đất vườn cao su cả chục mét, kéo dài khoảng 200 m dọc theo sông.
Chủ tịch UBND H.Đức Linh Nguyễn Văn Húy cho biết điểm sạt lở chủ yếu ở phía H.Tánh Linh, chứ không phải ở H.Đức Linh. Người dân xã Gia An (H.Tánh Linh) và xã Vũ Hòa (H.Đức Linh) bức xúc cho rằng nguyên nhân chính là do việc khai thác cát làm thay đổi dòng chảy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.