Lo lắng tai nạn điện giật chết người trong mùa mưa

05/10/2019 06:08 GMT+7

Từ đầu mùa mưa đến nay, đã có nhiều vụ tai nạn chết người do bị điện giật. Mới đây nhất là vụ 3 người bị điện giật chết ở Bến Tre khiến nhiều bạn đọc lo lắng.

Những cái chết thương tâm

Theo Công ty điện lực Bến Tre, sự cố đáng tiếc xảy ra trong khi trời mưa kèm gió lớn tại khu vực KP.3, P.8, TP.Bến Tre làm con hẻm trước nhà ông Dư Văn Hoàng (57 tuổi) bị ngập nước khoảng 0,4 m. Điện kế nhà ông Hoàng được đặt trên trụ điện có chiều cao 8,4 m. Từ cầu dao điện kế, khách hàng có kéo thêm dây điện vào mái che tạm cập vách nhà để cấp điện cho một bóng đèn 10 W. Bên cạnh trụ điện 8,4 m (trụ điện ở bên cạnh nhà nạn nhân) có lắp một trụ sắt làm cột cờ.
Trong cơn mưa giông tối 2.10, phần mái che tạm bị sập làm trụ sắt ngã đổ vào dây điện và tại điểm dây điện chạm vào trụ sắt bị rò điện. Trong khi dòng điện bị rò rỉ, ông Hoàng ra tát nước thì bị điện giật. Ngay lúc đó, vợ chồng bà Phan Thị Thanh Hằng (44 tuổi) và ông Ngô Hoàng Kiệt (47 tuổi) vào giải cứu thì bị điện giật dính chùm cả 3 người. Hậu quả thật đau lòng, 2 người chết tại chỗ, riêng bà Hằng tử vong tại bệnh viện vào sáng 3.10.
Nhiều bạn đọc (BĐ) đã chia buồn với gia đình những người bị nạn về sự cố đau thương này. Là một người dân Bến Tre, BĐ Nguyễn Thanh cho biết trận mưa chiều tối 2.10 là trận mưa lớn kéo dài 2 giờ với cường độ cao và gió lớn, có lẽ là trận mưa lịch sử tại đây. Không ngờ nó gây thiệt hại nặng nề về người. BĐ Ngọc Sương (Kiên Giang) là một người con Bến Tre xa quê cũng: “Xin thành thật chia buồn cùng gia đình các nạn nhân”. BĐ Hữu Thành (Bến Tre) chia sẻ: Từ sự việc đau lòng này, xin mọi người nên cẩn thận với điện, tốt nhất hãy nhờ những người hiểu biết về điện đấu nối lưới điện trong gia đình cho an toàn!

Để mùa mưa không còn điện giật chết người

Nhiều BĐ đã nêu ý kiến với mong muốn không còn những tai nạn điện gây chết người. BĐ Hải (Hà Giang) cho rằng vụ việc đau lòng trên nằm ngoài mọi dự liệu an toàn về điện (bởi mưa to làm sập mái che dẫn đến ngã trụ sắt...). Nhưng qua vụ việc này, mong ngành điện cắt cử công nhân thực hiện mắc điện từ đồng hồ đến nhà và mắc thêm điện (có thu tiền công lắp đặt) nhằm bảo đảm an toàn. Hiện nay, phạm vi "ngoài đồng hồ", người dân tự làm hoặc tự kêu thợ ngoài làm, rõ ràng là thiếu an toàn.
Trong khi đó, BĐ Nguyễn Thanh Hiệp (TP.HCM) chia sẻ: Trong vấn đề này cần phải nhìn ra được cái sai để sửa.
1. Việc kéo đường dây điện từ điện kế vào chỗ mái che tạm là sai luật. 2. Cho phép kéo đường dây điện không đúng kỹ thuật là sai. Nếu không cho phép sao không tiến hành cưỡng bức tháo gỡ? 3. Cần thông tin những việc cần tránh và cần làm trong mùa mưa bão như báo cáo dây điện đứt, dùng vật cách điện để kéo nạn nhân...
Bên cạnh những ý kiến trên, nhiều BĐ cũng cho rằng người dân cần trang bị cho mình những kiến thức về an toàn điện, nhất là trong mùa mưa lũ, để cứu mình và cứu người.
“Buồn quá, mong người dân có thêm nhiều kiến thức về điện hơn để xử lý tốt những trường hợp như thế này để không gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
Trần Hải Nam (Hà Nội)
“Báo viết: Tại hiện trường, nhiều dây điện đã cũ có dấu hiệu bị rò rỉ, trơ lõi kim loại". Quá nguy hiểm! Trách nhiệm này quy vào ai? Hay lại đổ lỗi cho... trời?”.
Poet Hansy (Đồng Nai)
“Đề nghị ngành điện rà soát lại đường dây hư cũ phải thay thế thường xuyên hơn nhằm tránh những sự việc đáng buồn như trên”.
Lê Luận (Bến Tre)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.