Lỗ hổng an ninh nơi công quyền

Cán bộ, công chức nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước thường xuyên lâm vào tình thế bị “khủng bố” do vấn đề đảm bảo an ninh vẫn chưa được kiểm soát chặt, thậm chí có không ít nơi còn buông lỏng...

“Báo miệng” với bảo vệ rồi vào
Ngày 18.8, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc vào ra các trụ sở công quyền ở TP.HCM khá dễ dàng, dù nhiều người có mang ba lô, túi xách. UBND TP và HĐND TP có chung trụ sở ở số 86 Lê Thánh Tôn, Q.1.
Phía trước trụ sở này có 3 chốt công an bảo vệ nhưng hầu như không kiểm tra an ninh. Khách đến liên hệ công tác được hướng dẫn vào phòng trực của Văn phòng UBND TP. Tại đây, nếu như khách cho biết gặp lãnh đạo hoặc bộ phận nào đó vì đã có hẹn trước, cán bộ trực sẽ gọi điện kiểm tra, nếu đúng thì mới cho vào. Nếu như khách vào liên hệ công tác với Sở Nội vụ cũng nằm bên trong khuôn viên trụ sở này, thì cán bộ trực giữ giấy CMND rồi phát 1 thẻ ra vào để khách đeo trước ngực. Khi xong việc, khách trở ra thì nhận lại CMND. Đối với khách mời dự họp, chỉ cần xuất trình thư mời là được vào. Bên trong các phòng họp không có lực lượng bảo vệ, mà việc kiểm soát thông qua hệ thống camera giám sát. Ông Nguyễn Công, ngụ Q.7, kể: “Tôi thường xuyên đến liên hệ công tác ở trụ sở UBND TP và HĐND TP. Việc vào ra khá thoải mái”.
Trụ sở Thành ủy có 2 khu nằm đối diện nhau ở số 127 và 56 Trương Định (Q.3). Khu nhà số 56 Trương Định là nơi làm việc của Thường trực Thành ủy, nếu không có thư mời đến làm việc cụ thể thì dường như không thể vào được bên trong. Riêng khu nhà ở 127 - nơi làm việc của các ban Đảng trực thuộc, việc kiểm soát vào ra không quá gắt gao.
Cùng ngày, trong vai người dân đến liên hệ công tác, làm thủ tục hành chính ở các sở TN-MT, TT-TT, KH-ĐT, GTVT... thì bảo vệ ở các sở này đều không đòi hỏi xuất trình giấy tờ và cũng không kiểm tra gì; theo đó, PV chỉ “báo miệng” với bảo vệ trực rồi vào bên trong.
Bị hành hung, dọa giết...
Là chốn pháp đình uy nghiêm nhưng trên thực tế đã liên tục xảy ra những tình huống náo loạn tại các phiên tòa, khiến cán bộ tòa và những người tham gia tố tụng bất an. Đơn cử, cuối tháng 5.2014, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa nguyên đơn H.T.H và bị đơn là chị Đ.T.L. Tại tòa, chị L. cung cấp cho HĐXX băng ghi âm việc anh H. đe dọa, nếu tòa không chấp nhận ly hôn thì anh H. sẽ giết luật sư (luật sư bảo vệ cho chị L.) và cả HĐXX. Tưởng đấy chỉ là lời nói trong lúc không kiềm chế được cảm xúc, nhưng khi luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị L. đang tranh luận tại phiên tòa thì anh H. bất ngờ quay sang nắm tóc, đấm vợ và có những lời lẽ miệt thị, chửi bới HĐXX.
Tại nhiều cơ quan, đơn vị đảm trách nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng thường xuyên lâm vào tình thế bị “khủng bố”. Điển hình nhất là trong 2 ngày 24 và 25.5.2016, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư (Thanh tra Chính phủ), phải vào bệnh viện cấp cứu do bị một nhóm công dân khiếu kiện ở tỉnh Bạc Liêu bao vây hành hung ngay tại trụ sở ở Hà Nội. Trước đó, bà Trần Thu Hiền, cán bộ Ban Tiếp công dân T.Ư, đang làm nhiệm vụ hướng dẫn người khiếu kiện thì bất ngờ bị bà Phạm Thị Thuận (ở xã Yên Thọ, H.Như Thanh, Thanh Hóa) rút dao giấu trong người chém nhiều nhát. Sau khi có kết quả giám định thương tật của bà Hiền là 13%, cơ quan công an đã khởi tố tạm giam bà Thuận 4 tháng.
Ngày 25.7.2014, trụ sở tiếp dân và xử lý đơn thư thuộc UBND tỉnh Bình Định cũng trải qua một phen náo động khi ông N.Đ.T và người thân chửi bới, xô đẩy lực lượng công an, xô ngã 3 cái bàn, đập phá 2 bảng tên chức danh lãnh đạo tỉnh và thanh tra tỉnh trong phòng. Ông T. sau đó bị phạt 9 tháng tù treo. Tại TP.HCM, ở trụ sở Ban Tiếp công dân TP (số 15 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3) thường xuyên bị một số người nhân danh khiếu kiện gây rối, có trường hợp đòi dọa giết cả cán bộ tiếp dân.
Theo một lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, việc bảo vệ các cơ quan Thành ủy là nhiệm vụ của Công an TP. Ngoài ra cũng có các đội bảo vệ chuyên trách. Tuy nhiên, lực lượng công an chỉ “đóng chốt” tại trụ sở chính của Thành ủy, còn các ban Đảng thuộc Thành ủy nhưng không nằm ở trụ sở chính thì không có lực lượng công an bảo vệ do không thuộc diện được công an bảo vệ. “Người lạ rất khó vào được cơ quan Thành ủy vì ở đây kiểm soát rất kỹ lưỡng. Ngoài việc xuất trình giấy tờ tùy thân thì anh phải có giấy tờ chứng minh, thư mời họp mới được vào. Nếu không liên quan cũng khó vào được các cuộc họp của Thành ủy vì ở đây chế độ bảo vệ 24/24”, vị lãnh đạo này nói.
Chủ động phương án phù hợp
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP, nhìn nhận nhiều trụ sở nhà nước treo bảng quy định cấm mang chất nổ, vũ khí, hung khí... nhưng việc kiểm tra nếu có cũng hầu hết bằng mắt thường của bảo vệ, nên ai đó “lỡ” mang vào thì cũng khó phát hiện. Do đó, giải pháp đảm bảo an ninh không nên quá phô trương nhưng cũng cần phải tính toán bố trí lực lượng chuyên trách, thiết bị phù hợp để giám sát và trực tiếp kiểm tra khi cần thiết.
Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết: “Hiện nay các phiên tòa hình sự có lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. Riêng các phiên tòa dân sự, hành chính... và các hoạt động khác của tòa án đôi khi còn phức tạp và đương sự cũng manh động hơn nhưng những phiên tòa này hoàn toàn không có bảo vệ chuyên trách”. Bà Hương đề xuất nên chăng có cơ chế phối hợp giữa TAND tối cao - Viện KSND tối cao - Bộ Công an để lực lượng bảo vệ tòa án là một lực lượng chuyên trách, được trang bị các công cụ hỗ trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.