Lo Bộ TN-MT chồng chéo vai trò kiểm soát khí thải với Bộ GTVT

Lê Quân
Lê Quân
08/06/2020 19:28 GMT+7

Thông tin tại tọa đàm về dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi chiều 8.6 tại Bộ TN-MT , cho thấy quy định quản lý và kiểm soát bụi, khí thải của dự thảo luật “vênh” với quan điểm của Bộ GTVT.

Khí thải phương tiện giao thông là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN - MT), cho biết luật Bảo vệ môi trường 2014 mới chỉ quy định chung chung về bảo vệ môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải.
Do vậy, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ ban hành những quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn thuộc diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý, gồm: xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính…
Hiện dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã được báo cáo Quốc hội, tới đây sẽ đưa ra thảo luận tổ ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Sau đó, dự luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới. Dự kiến, nếu được thông qua trong tháng 10, dự luật sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2021.
Chia sẻ thêm về vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM,… ông Thịnh cho biết, nhiều nhà khoa học đều đã khẳng định khí thải từ các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những thủ phạm chính. Rõ nhất là theo dõi diễn biến chất lượng không khí ở các đô thị lớn trong thời gian thực hiện cách ly xã hội do dịch Covid-19 cho thấy tác động của giao thông đến chất lượng không khí ra sao.
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc (từ 1 - 15.4), trong khoảng thời gian này, lưu lượng giao thông giảm khiến chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt.
Diễn biến chất lượng không khí ở các đô thị trong thời gian cách ly xã hội đã cho thấy mối tương quan giữa hoạt động giao thông và ô nhiễm không khí. Theo ông Thịnh, để giảm ô nhiễm không khí, phải cải thiện hoạt động giao thông, bắt đầu từ việc kiểm soát số lượng các phương tiện và sự phát thải của các phương tiện đó.

Có chồng chéo vai trò quản lý?

Góp ý về dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, khoản 3 điều 92 về Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải quy định: “Bộ TN - MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải…” sẽ gây tranh cãi xoay quanh các vấn đề: quy định về cơ quan ban hành quy chuẩn khí thải của phương tiện giao thông tại sao lại do Bộ TN-MT ban hành, trong khi Bộ không phải là đơn vị có chuyên môn sâu về lĩnh vực này? Trước đây, đã có quy chuẩn khí thải rồi, sao lại ban hành quy chuẩn mới, như vậy có gây khó khăn cho doanh nghiệp?...

Nhiều ý kiến tại toạ đàm bày tỏ lo ngại quy định như trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ có thể gây chồng chéo giữa vai trò, nhiệm vụ của Bộ TN-MT và Bộ GTVT

Ảnh Lê Quân

Lý giải vấn đề này, ông Thịnh cho biết, theo phân công trách nhiệm xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Bộ GTVT không được giao xây dựng ban hành các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông. Nhưng trên thực tế, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng ban hành nhiều quyết định quy định các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cụ thể là các lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải theo các mức 1, 2, 3, 4, 5, tương ứng với các tiêu chuẩn khí thải EURO.
Đồng thời, Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới dù không được giao xây dựng ban hành các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông.
Cũng theo ông Thịnh, tính đến nay, Bộ TN - MT đã ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhằm kiểm soát việc phát thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), cũng như kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh đối với các ngành công nghiệp chế biến cao su; dệt nhuộm; xi măng; lọc hóa dầu...
Theo dự thảo luật, Bộ TN - MT là cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải. Còn việc kiểm định vẫn do Bộ GTVT tích hợp quản lý thông qua hoạt động các cơ quan đăng kiểm theo quy chuẩn mà Bộ TN - MT ban hành.
Cụ thể, tại khoản 2 điều 67 dự thảo luật đã quy định rõ: “Phương tiện, thiết bị giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”.
Theo ông Thịnh, về kiểm soát chất lượng không khí, Bộ TN - MT đã ban hành 11 quy chuẩn để kiểm soát khí thải cho các ngành công nghiệp, 2 quy chuẩn quy định về chất lượng môi trường không khí xung quanh, theo đúng quy định của luật.
“Việc quy định, Bộ TN - MT ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải là phù hợp để đảm bảo một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí. Quy định như trong dự thảo luật không làm xáo trộn về quy phạm pháp luật chuyên ngành về GTVT, không phát sinh thêm cơ quan quản lý về khí thải đối với các phương tiện giao thông”, ông Thịnh cho biết.
Tại tọa đàm, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, cho biết Chính phủ đã thống nhất gửi tờ trình sang Quốc hội để Bộ TN - MT ban hành quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông. Trong thời gian tới, bộ trưởng TN - MT và bộ trưởng GTVT sẽ có buổi làm việc trao đổi tiếp về nội dung này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.