Lĩnh vực giáo dục còn nhiều bất cập

27/10/2018 07:56 GMT+7

Bàn về vấn đề giáo dục, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhận xét thời gian qua, cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục.

Với kỳ thi “2 trong 1” xem ra khó thành công và còn có quá nhiều lỗ hổng. “Năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần so với năm 2016 và bi kịch là có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 lại quá khó và phát hiện ra chuyện động trời là gian lận trong thi cử”, ĐB Cầu chuyển băn khoăn của cử tri đến Chính phủ, QH và đề nghị chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhắc lại những hạn chế trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chất lượng giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ. Đặc biệt, sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT, vấn đề sách giáo khoa gây bức xúc trong dư luận. Những thiếu sót này, theo ông Hiếu, đa phần được nêu ra từ các báo cáo trước đây và lần này một số vấn đề cá biệt trở lên nóng hơn trong 9 tháng vừa qua như một loạt gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những đổi mới trong thi cử là nhằm thực hiện nghị quyết của T.Ư, đổi mới căn bản tổ chức thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học… nhằm giảm sức ép cho xã hội. Kết quả qua các năm cũng được nhiều bà con, học sinh đón nhận, đặc biệt thi trắc nghiệm giảm được tiêu cực trong quay cóp như vụ ở Đồi Ngô, Bắc Giang và Phú Xuyên, Hà Tây (cũ).
Tuy nhiên, ông Nhạ phân trần thi cử tất nhiên phải trung thực, nhưng quan sát thực tế ở kỳ thi nào thì cũng có vi phạm, vấn đề ở chỗ cần khắc phục tối đa. Năm vừa rồi, khi xảy ra hiện tượng có dấu hiệu sai phạm như báo chí nêu, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng, cùng với Bộ Công an vào cuộc, làm đến nơi đến chốn, nghiêm minh, ai sai đến đâu xử đến đó. Hiện đã xử lý 11 người và áp dụng quy chế với 151 thí sinh và tới đây còn làm tiếp. “Tinh thần là sai đến đâu sửa đến đó, cá nhân tôi là bộ trưởng tôi kiên quyết chống tiêu cực”, ông Nhạ nói.
Ai chịu trách nhiệm ?
Trong báo cáo thẩm tra của QH đánh giá quy trình chung thi THPT năm 2018 được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng còn sơ hở trong bảo mật. Vậy, ai chịu trách nhiệm cho sơ hở, tiêu cực trong thi cử này? Hay lại là lỗi khách quan, lỗi do quy trình. Chỉ rõ bộ phận hay cá nhân nào trực tiếp chịu trách nhiệm mới đề ra biện pháp khắc phục hiệu quả cũng như lấy lòng tin của nhân dân.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)
Đã tổ chức rút kinh nghiệm
Chúng tôi đã rà soát toàn bộ từ quy trình, chấm thi, chuẩn hóa câu hỏi... nhưng vấn đề khó cần có thời gian, mỗi năm phải bổ sung thêm. Còn những tiến bộ công nghệ, sử dụng phần mềm chúng tôi cũng chưa lường hết được, mã hóa đề thi còn sơ hở, nhưng chúng tôi đã họp toàn bộ giám đốc sở bàn thật nghiêm túc. Trong Bộ GD-ĐT đã kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để rút kinh nghiệm cho kỳ thi sau…
Ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.