Liên minh báo chí bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí ?

Phan Thương
Phan Thương
05/11/2020 16:26 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo, để các trang thông tin điện tử, mạng xã hội không 'ăn cắp' bản quyền tác phẩm báo chí thì các cơ quan báo chí phải cam kết không vi phạm lẫn nhau, bảo vệ nhau.

Ngày 5.11, tại TP.HCM, Bộ TT-TT tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”, do Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì. Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Cục Báo chí, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Cục bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở TT-TT, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết buổi diễn đàn nhằm trao đổi vấn đề nhức nhối lâu nay là nạn vi phạm quản quyền tác phẩm báo chí giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí và trang thông tin điện tử, giữa báo chí và không gian mạng xuyên quốc gia…
Tại buổi diễn đàn, ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, nhìn nhận để đánh giá thực trạng vi phạm bản quyền rất khó bởi chưa có số liệu thống kê về thực trạng vi phạm cũng như kết quả xử lý vi phạm như thế nào.

Ông Lê Xuân Trung khẳng định tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của cơ quan báo chí

Ảnh: PHAN THƯƠNG

Ông Lê Xuân Trung cũng cho biết hiện các báo lấy bài của nhau có thể ở dạng xin phép hoặc không xin phép, lấy toàn bộ, lấy một phần, hay chỉ lấy hình ảnh hoặc câu trích. Vậy vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục lấy bài của nhau hay không, nếu tiếp tục thì được gì, mất gì.

Tăng mức xử phạt hành chính

Về giải pháp xử lý vi phạm, ông Đinh Đức Thọ, Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP.HCM, cho biết Báo Pháp luật TP.HCM cũng đã thành lập tổ bản quyền, có trách nhiệm phát hiện các cơ quan, tổ chức khác vi phạm quyền tác phẩm báo chí. Sau đó sử dụng một số biện pháp linh hoạt như: gọi điện đề nghị gỡ, nếu không gỡ sẽ có công văn yêu cầu; nếu bên vi phạm "ngó lơ" thì sẽ gửi công văn đến cơ quan quản lý nhà nước đề nghị xử lý (kèm bằng chứng); nghiêm trọng hơn sẽ có biện pháp khởi kiện ra tòa.
Ngoài ra, ông Đinh Đức Thọ đề nghị cần tăng mức xử phạt hành chính lên gấp 3 hoặc gấp 5 lần so với mức xử phạt hiện hành (hiện nay mức phạt cao nhất chỉ 30 triệu đồng - PV) thì sẽ có tính răn đe hơn đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Ông Đinh Đức Thọ đề xuất cần tăng mức xử phạt hành chính lên gấp 3 hoặc gấp 5 lần so với mức xử phạt hiện hành 

Ảnh: Phan Thương

Ông Lê Hồng Kỹ (sáng lập viên Trang thông tin điện tử VietnamBiz) nêu rất nhiều cơ quan báo chí cho rằng trang thông tin điện tử là cơ quan, tổ chức vi phạm nhiều nhất về bản quyền tác phẩm báo chí, nhưng ông cũng đưa ra: “Chúng tôi đi mua và tái xuất bản nhưng vẫn bị các trang khác copy lại. Chúng tôi cũng là nạn nhân”.
Từ đó, ông Lê Hồng Kỹ đặt vấn đề nên chăng các cơ quan báo chí nên liên minh với nhau bảo vệ bản quyền của mình, đồng thời sẽ có bên thứ 3 kết nối giữa các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát hiện, xử lý bên vi phạm bản quyền một cách thống nhất, hiệu quả.

Mạnh mẽ cam kết không vi phạm lẫn nhau

Phát biểu kết luận và chỉ đạo diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo nêu để giải quyết thực trạng trên thì trước hết các cơ quan báo chí trong nước phải liên kết với nhau thực hiện đúng quy định pháp luật về bản quyền tác phẩm báo chí. Khi thực hiện đúng thì cùng nhau đưa ra các biện pháp để xử lý vi phạm bản quyền xuyên quốc gia đến từ Google hoặc Facebook, trên cơ sở chia sẻ bằng hợp đồng lợi nhuận.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan báo chí muốn không để trang thông tin điện tử, mạng xã hội “ăn cắp” bản quyền thì chính bản thân các cơ quan báo chí phải mạnh mẽ cam kết không vi phạm lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau; kịp thời phát hiện, lưu vết, đối chiếu quy định pháp luật và gửi lên cơ quan quản lý nhà nước để xử lý vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.