Liên kết kinh tế để phát triển

11/11/2017 06:41 GMT+7

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chia sẻ quan điểm hợp tác tại Tuần lễ cấp cao APEC.

Chiều 10.11, tại khách sạn Furama Đà Nẵng diễn ra phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
Phát biểu tại phiên đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch APEC VN 2017, nhấn mạnh đây là thời điểm để tìm ra những hướng đi mới nhằm duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Theo Chủ tịch nước, những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, nhất là liên kết kinh tế khu vực, kết nối, thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển bao trùm, an ninh lương thực, tầm nhìn APEC sau 2020… cũng là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo APEC đang trăn trở và trao đổi để tìm ra những giải pháp và hướng đi phù hợp.
Chủ tịch nước nhấn mạnh liên kết kinh tế, kết nối, tự do hóa thương mại và đầu tư là ưu tiên hàng đầu của hợp tác APEC, cần đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, quyền năng kinh tế của phụ nữ. Song song đó, cần thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, lực lượng lao động trong kỷ nguyên số. Chủ tịch nước đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp về ý tưởng xây dựng tầm nhìn của APEC sau năm 2020.
Hợp tác công bằng
Cùng ngày, tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit), bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành tâm điểm của sự kiện.
Bên cạnh siết chặt an ninh, khán phòng sức chứa 2.500 người ở Trung tâm hội nghị Ariyana chật kín chỗ và phải kê thêm nhiều hàng ghế đón đại biểu tham dự. Có mặt tại khán phòng vào khoảng 13 giờ 20, Tổng thống Trump đăng đàn phát biểu sớm hơn dự kiến 10 phút trong tràng pháo tay chào mừng nhiệt liệt. Ông bày tỏ chia sẻ với những nạn nhân bão số 12 tại VN và mong những nơi bị thiệt hại sẽ sớm phục hồi. Nói về VN, Tổng thống Trump cho hay: “Ngày nay chúng ta không còn là kẻ thù, mà là bạn bè. Và thành phố này (Đà Nẵng - NV) chào đón tàu bè đến từ mọi quốc gia trên thế giới”. Ông cũng đề cập đến sự phát triển kinh tế của VN và nhận định VN là ví dụ xuất sắc của việc thay đổi, chuyển biến tích cực trong khu vực. “Ngày nay, một nền kinh tế VN cởi mở đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trái đất”, Tổng thống Trump nói.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của độc lập chủ quyền dân tộc. “Ở Mỹ, chúng tôi hiểu rằng không có gì quý giá bằng quyền được sinh ra, độc lập và tự do. Chính nhận thức đó dẫn dắt chúng tôi trong suốt lịch sử đất nước. Nó tạo cảm hứng cho chúng tôi dấn thân và đổi mới nhiều hơn”, Tổng thống Trump nói. Tiếp đó, ông khẳng định rằng cảm giác tương tự đều tồn tại ở mỗi người yêu nước, mỗi quốc gia. “Những vị chủ nhà VN của chúng ta cũng từng trải qua cảm xúc đó không chỉ trong 200 năm mà là gần 2.000 năm. Vào độ năm 40 sau Công nguyên, lúc Hai Bà Trưng đánh thức tinh thần của người dân đất nước này. Đó là khi nhân dân VN đứng lên vì nền độc lập và tự hào của các bạn”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Tổng thống Trump khẳng định Mỹ luôn là đối tác năng động ở Thái Bình Dương kể từ khi nước này giành độc lập. “Chúng tôi là bạn, đối tác và đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ lâu đời và chúng tôi sẽ là bạn, đối tác và đồng minh trong thời gian dài về sau này”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Theo nhà lãnh đạo, Mỹ sẵn sàng làm việc với các lãnh đạo APEC vì lợi ích thương mại cho tất cả các bên: “Tôi sẽ thỏa thuận thương mại song phương với bất kỳ quốc gia nào muốn trở thành đối tác và tuân thủ nguyên tắc thương mại hai chiều và công bằng... Chúng tôi sẽ thỏa thuận dựa trên sự tôn trọng và có lợi cho các bên”, ông cho biết. Trong thông điệp, Tổng thống Trump kêu gọi các bên cùng nhau hành động vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và tự do.
Toàn cầu hóa và cải cách cơ cấu
Lúc 14 giờ 20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại hội trường và cũng được chào đón bằng tràng pháo tay nồng nhiệt. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là phần lớn nhất và là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng toàn cầu. Ông Tập lạc quan rằng sự tự tin đã quay trở lại ở mọi nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi các bên theo dõi xu thế của nền kinh tế thế giới, nhận định chiều hướng mới, duy trì đúng đường hướng và theo đó hành động. “Trong vài thập niên trở lại đây, toàn cầu hóa kinh tế có những đóng góp rất lớn cho phát triển toàn cầu. Đây là xu thế không thể đảo ngược.Toàn cầu hóa cũng phải đối mặt với những điều chỉnh mới cả về hình thức cũng như bản chất. Trong quá trình theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần hành động để quá trình này cởi mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, mang lại lợi ích, sự bình đẳng hơn có lợi cho tất cả mọi người”, ông kêu gọi.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định rằng đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong kinh tế toàn cầu, các bên nên dẫn đầu toàn cầu hóa kinh tế thay vì chỉ ngờ vực và do dự, bỏ lỡ cơ hội. “Chúng ta có nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực hay mỗi người, mỗi nước đi một đường. Đây là câu trả lời của chúng ta: chúng ta phải đi cùng với thời đại, đáp ứng được trách nhiệm của mình”, theo ông Tập. Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả mọi người, thiết lập hệ thống hợp tác khu vực đảm bảo quá trình tham vấn giữa các nước một cách ngang hàng nhau cũng như xây dựng hệ thống kinh tế châu Á - Thái Bình Dương mở cửa tự do, tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư để mang lại lợi ích cho các quốc gia khác nhau và người dân ở nhiều tầng lớp.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định sẽ hội nhập và tiếp tục mở cửa nền kinh tế với chất lượng cao hơn. “Các quốc gia đang dựa vào cải cách và đổi mới để đối mặt với thách thức và đạt được tăng trưởng. Những triển vọng cải cách cơ cấu đang mở ra với những ảnh hưởng tích cực đang giúp tăng cường ở nhiều nước”, Chủ tịch Tập phát biểu. ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước tạo động lực phát triển thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, tiếp tục đàm phán hiệp định tự do thương mại với các đối tác và tạo ra mạng lưới thuận lợi hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tôi sẽ thỏa thuận thương mại song phương với bất kỳ quốc gia nào muốn trở thành đối tác và tuân thủ nguyên tắc thương mại hai chiều và công bằng…
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Người dân trong khu vực cần được luôn luôn sống trong môi trường hòa bình ổn định. Chúng ta cần sự hợp tác, hành động hiệu quả để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
“Mạng xã hội tạo ra cơ hội kinh doanh”
Trong phiên thảo luận tại APEC CEO Summit sáng qua, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và bà Sheryl Sandberg, Tổng giám đốc điều hành Facebook, trao đổi về xây dựng kết nối và xã hội trong thế giới công nghệ phát triển.
Thủ tướng Turnbull nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đổi mới, công nghệ đã làm thay đổi thế giới. Và chúng ta phải làm thế nào để bảo đảm mọi người có thể sử dụng được công nghệ và các lợi ích của công nghệ”.
Còn bà Sandberg lấy những ví dụ cụ thể của những người dân bình thường lập nên các hoạt động kinh doanh nhỏ, các dự án tình nguyện thông qua sử dụng Facebook, từ đó thể hiện rằng mạng xã hội góp phần quan trọng để kết nối con người và tạo ra những cơ hội kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.