Lấy lại vỉa hè, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói 'Đừng làm cho có'

24/05/2017 16:49 GMT+7

'Phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để làm tiếp chứ không phải làm vội cho có rồi kết quả là khiến người dân thất vọng...', Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh khi đề cập đến chiến dịch 'lấy lại vỉa hè'.

Chiều 24.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nghe lãnh đạo của 24 quận, huyện và các sở ban ngành báo cáo công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM từ đầu 2017 đến nay.
Tại buổi họp, ông Phong cho biết một số quận, huyện triển khai thực hiện của Thành ủy và UBND TP chưa nghiêm. "Trong thời gian tôi đi nước ngoài công tác, tôi nhận được nhiều tin nhắn phản ánh về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Các quận, huyện phải xem lại, phải làm những việc nhỏ rồi mới làm việc lớn. Phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện chứ không phải vội vã làm cho có rồi kết quả là làm người dân thất vọng, người dân đang rất kỳ vọng về việc tái lập trật tự lòng lề đường", ông Phong nhấn mạnh.
"Người dân cần lãnh đạo nói được làm được chứ không cần nói mạnh mà không làm", Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo.

tin liên quan

TP.HCM: Đang có hiện tượng tái lấn chiếm vỉa hè
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết sau 2 tháng ra quân 'lấy lại vỉa hè', một số nơi bắt đầu có hiện tượng vỉa hè bị tái lấn chiếm.
Trong thời gian sắp tới, ông Phong cho biết sẽ chỉ đạo 3 tháng họp với các quận, huyện một lần để kiểm điểm, chỗ nào chưa làm được thì kiểm điểm. Đồng thời, các quận huyện phải duy trì bền vững việc tái lập trật tự lòng lề đường và lãnh đạo quận, huyện đặc biệt chú ý ở các điểm nổi cộm như trường học, bệnh viện...
Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người buôn bán ở lòng, lề đường
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra Sở giao thông vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, công an quận huyện kiểm tra, xử lý 1.132 trường hợp dừng đỗ xe không đúng quy định, hoạt động bến bãi trái phép, công trình xây dựng không bố trí lối đi cho người đi bộ lưu thông được an toàn, gây mất trật tự an toàn giao thông và vệ sinh, mỹ quan đô thị với số tiền xử phạt là hơn 1,3 tỉ đồng.
Toàn cảnh cuộc họp Ảnh: Ngọc Lê
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP.HCM, đánh giá 5 tháng vừa qua tình hình trật tự lòng lề đường có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước, nhiều tuyến đường thông thoáng, mua bán lấn chiếm một số nơi được sắp xếp ổn định. Các quận huyện tạo được chuyển biến tốt như Q.1, Q.2, Q.3, Q.4, Q.6 ,Q.7, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Củ Chi... đặc biệt là cuộc ra quân quyết liệt của Q.1 tạo sức lan toả tới các quận khác trên địa bàn TP.
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, các chợ tự phát; nhiều tuyến đường có xe đậu xe dưới lòng lề đường chưa được xử lý nghiêm túc; tình trạng xe máy chạy trên vỉa hè, ảnh hưởng cho người đi bộ và vẫn còn tình trạng xe thô sơ bán buôn dưới lòng lề đường tại một số quận, huyện.
Xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) Ảnh: Quỳnh Lam
Ông Tường nhấn mạnh các tuyến đường có vỉa hè bị lấn chiếm ban đêm để mở quán nhậu như đường Hoàng Sa (thuộc Q.3 và Q. Tân Bình, Q.1), đường Phạm Văn Đồng (nhất là đoạn thuộc hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp); đường Song hành QL22 (H.Hóc Môn)... Có một số quận, huyện vỉa hè dưới 3m vẫn tiến hành kẻ vạch sơn và nhiều địa bàn chưa duy trì, giữ vững được sau khi ra quân lập lại trật tự nay đã bị tái chiếm. Ngoài ra, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông như tiệc cưới, tang lễ diễn ra khá nhiều trên địa bàn TP.
Từ đó, ông Tường kiến nghị UBND TP.HCM sớm có chủ trương thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng có hoàn ảnh kinh tế khó khăn, dân nhập cư hiện đang mưu sinh bằng chiếm dụng lòng lề đường để mua bán hàng rong như giúp đỡ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP.HCM, báo cáo TP có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m với chiều dài 2.328 km (chiếm 57,59%) và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên với chiều dài 1.716 km (chiếm 42,41 %).
Với số liệu này thì có hơn 1/2 tuyến đường không có vỉa hè nên xảy ra tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường. Còn trong số các tuyến đường có vỉa hè thì chỉ có 27,47% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
Cũng theo ông Tường, trong 5 tháng vừa qua, nhiều phường chủ động thực hiện phá các trụ sở khu phố, nhà vệ sinh công cộng để nêu gương, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và nhiều hộ dân tự giác tháo dỡ mái che trên không, các bậc dẫn xe, bậc tam cấp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, tạo thông thoáng cho nguòi đi bộ trên vỉa hè.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.