Lấy 500.000 mẫu/ngày, TP.HCM xét nghiệm ra sao?

23/06/2021 04:45 GMT+7

Song song chiến dịch tiêm chủng gần 1 triệu liều vắc xin, TP.HCM dồn sức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với mục tiêu đạt 500.000 mẫu mỗi ngày.

Theo Chỉ thị 10 Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành ngày 19.6, lãnh đạo TP giao Sở Y tế TP.HCM tăng cường năng lực xét nghiệm (XN), trong đó tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm (khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao); phối hợp với các cơ quan y tế của TP.HCM và các đơn vị T.Ư đóng trên địa bàn TP để tổ chức XN bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.

Xuất hiện biến chủng Covid-19 mới nguy hiểm hơn biến chủng Delta

Hơn 3.000 người lấy mẫu ngày đêm

Ngay sau khi có Chỉ thị 10, Sở Y tế cho biết ngày 20.6 đã huy động trên 1.000 nhân viên y tế, sinh viên y khoa lấy trên 260.000 mẫu xét nghiệm. Từ ngày 22.6, mỗi ngày lấy khoảng 300.000 mẫu. Để đạt khoảng 500.000 mẫu/ngày, Sở sẽ huy động khoảng 3.000 nhân sự từ các bệnh viện (BV), sinh viên và trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Đã tiêm trên 150.000/836.000 liều vắc xin

Về chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, từ ngày 19.6 đến nay ước tính TP.HCM đã tiêm trên 150.000 liều trong số 836.000 liều được Chính phủ phân bổ (bao gồm 50.000 liều dành cho công an và quân đội). Chiến dịch dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 27.6.     
Duy Tính - Phan Thương
Tại Q.Gò Vấp, lãnh đạo Trung tâm y tế quận khẳng định nếu chuẩn bị chu đáo, huy động tổng lực thì khả năng thành phố lấy nửa triệu mẫu mỗi ngày là hoàn toàn có thể. Khi ổ dịch Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng xảy ra, chỉ trong đêm 29.5 có quyết định lấy mẫu và chuẩn bị, vào ngày 30.5 Gò Vấp đã lấy mẫu 95.000 người. Trong khi đó, lãnh đạo TP.Thủ Đức cho biết nếu huy động có thể lấy khoảng 50.000 mẫu/ngày.
Tương tự, tại Q.Bình Thạnh, lãnh đạo Trung tâm y tế quận cho biết bên cạnh tổ chức tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên trong đợt này thì quận vẫn tập trung tổ chức lấy mẫu XN tầm soát trên diện rộng để truy vết, dập dịch. Trong hôm qua 22.6, Bình Thạnh lấy mẫu ở 4 điểm phong tỏa của 4 phường (P.21, P.22, P.24 và P.27) sau khi tiếp nhận các ca nghi nhiễm Covid-19 và tổ chức lấy mẫu xuyên đêm. Cùng ngày 22.6, Q.Bình Tân cũng tổ chức lấy mẫu toàn dân trên địa bàn 4 phường: An Lạc A, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, với tổng số mẫu dự kiến lên đến hơn 243.000. Để lấy số lượng mẫu “khủng” trên, quận này tổ chức thực hiện tại 44 điểm, cắt cử lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Bản tin Covid-19 ngày 23.6: TP.HCM chiếm 69% số bệnh nhân; lo ngại biến thể mới nguy hiểm của chủng Delta

Có trả kết quả xét nghiệm cho người dân?

BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc TTYT Q.Gò Vấp, cho biết do số lượng người dân được lấy mẫu trên diện rộng rất lớn nên không thể trả kết quả đến từng người được. Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ như người dân rất cần kết quả để thăm bệnh hoặc cần phiếu xác nhận âm tính cho công việc thì trung tâm y tế cố gắng cấp. “Việc lấy mẫu tầm soát là để phát hiện ca bệnh và dập dịch nên những người âm tính sẽ không nhận được kết quả, còn nếu phát hiện dương tính thì sẽ khoanh vùng ngay khi có kết quả”, BS Hòa nói. Về thời gian nhận kết quả, BS Hòa cho biết tùy thuộc vào thời điểm lấy mẫu. Nếu XN tầm soát trong cộng đồng thì khoảng 2 - 3 ngày hoặc cũng có thể sẽ chậm hơn nếu số lượng mẫu dồn về quá lớn.
Trước thắc mắc của người dân về việc lấy mẫu lần 1 rồi có quay lại lấy lần 2, BS Hòa cho biết việc này tùy thuộc vào yếu tố dịch tễ. Nếu vùng có nguy cơ cao, trải qua nhiều vòng đời lây nhiễm, ca F0 ẩn mới 2 - 3 ngày chưa có kết quả XN âm tính thì sẽ được lấy mẫu lần 2. Thậm chí, khi có kết quả âm tính toàn phường rồi nhưng ở một vài điểm có nguy cơ vẫn có thể lấy mẫu XN thêm lần nữa theo dạng mẫu gộp đại diện hộ, mỗi gia đình chọn ra một người đi lại nhiều nhất, có nguy cơ nhiều nhất để lấy mẫu.
Theo đánh giá của các đơn vị, việc lấy mẫu tại khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp khá thuận lợi, trong khi lấy mẫu ở cộng đồng khu dân cư khó khăn hơn do phải huy động người dân phân tán trên diện tích rộng. Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Q.6, cho biết công tác lấy mẫu trên diện rộng được giao cho ngành y tế, địa phương phối hợp tổ chức địa điểm lấy mẫu, phân công lực lượng hỗ trợ giữ gìn trật tự, đảm bảo khoảng cách trong quá trình lấy mẫu. Do tình hình dịch bệnh trên địa bàn không đến mức căng thẳng như các địa phương lân cận nên quận chỉ tổ chức lấy mẫu ở các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao. “Ngành y tế của quận đang tập trung cho công tác tiêm chủng vắc xin theo kế hoạch của TP. Bên cạnh đó, quận cũng hỗ trợ lực lượng cho địa bàn phức tạp như Q.Bình Tân, có ngày phối hợp lấy khoảng 150.000 mẫu”, ông Bình nói.
Bác sĩ (BS) Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhìn nhận dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng vẫn còn một bộ phận người dân đứng sát nhau khi tới lấy mẫu. Ngoài ra, do thời gian quá ngắn mà phải lấy một lượng mẫu quá nhiều, người dân nôn nóng, ùn ùn kéo ra nên dẫn đến tình trạng gần nhau vẫn xảy ra. Do đó, HCDC khuyến cáo chính quyền địa phương tăng cường lực lượng để hướng dẫn, sắp xếp người dân tuân thủ khoảng cách, các biện pháp 5K khi lấy mẫu để tránh nguy cơ lây nhiễm…
Lấy 500.000 mẫu/ngày, TP.HCM xét nghiệm ra sao ?

Điểm lấy mẫu xét nghiệm cho người dân P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân tối 22.6 tại Trường tiểu học Bình Trị 1

ẢNH: ĐỘC LẬP

Xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp 10

Theo đánh giá của lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM, năng lực XN của TP.HCM hiện nay đảm bảo thực hiện 500.000 mẫu/ngày (mẫu gộp 10). Riêng Viện Pasteur công suất mẫu gộp có thể đạt tới vài chục ngàn mẫu/ngày, BV Chợ Rẫy 3.000 mẫu/ngày, cơ sở 2 BV Ung bướu (HCDC phụ trách XN) khoảng 30.000 mẫu/ngày…

Áp dụng khai báo y tế điện tử toàn dân  từ 24.6

Ngày 22.6, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ triển khai ứng dụng khai báo y tế điện tử trên địa bàn TP.HCM kể từ ngày mai (24.6), nhằm phát hiện sớm và truy vết các trường hợp nhiễm Covid-19. Yêu cầu này đưa ra sau khi TP.HCM đánh giá phần mềm “Hệ thống khai báo y tế điện tử” áp dụng cho tất cả cơ sở y tế thời gian qua đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm thay thế cho hình thức khai báo thủ công bằng giấy.
Việc khai báo y tế điện tử áp dụng đối với toàn bộ người dân và địa điểm kinh doanh, trụ sở làm việc, khu vui chơi giải trí, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Những nơi tập trung đông người như: bệnh viện, cơ sở y tế, chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu… cũng phải tổ chức khai báo điện tử.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp Sở Y tế và đơn vị liên quan sẽ cấp tài khoản quản lý cho các đối tượng nêu trên để đăng ký trên “Hệ thống khai báo y tế điện tử”. Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM định kỳ báo cáo UBND TP.HCM tình hình triển khai, chấp hành khai báo y tế tại các đơn vị.  
Sỹ Đông

Vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 cần điều kiện gì để được cấp phép?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đánh giá TP.HCM đã làm tốt, khoanh vùng khu vực có dịch và mở rộng ra các khu dân cư liên quan. Bộ Y tế có điều chỉnh nhỏ với TP.HCM là đề xuất tận dụng tất cả mọi năng lực XN, từ test nhanh kháng nguyên đến XN mẫu đơn, XN mẫu gộp và các công nghệ khác để đảm bảo thời gian phát hiện ra các trường hợp nghi ngờ dương tính Covid-19 một cách nhanh nhất, vì hiện chu kỳ lây nhiễm của biến thể vi rút Delta Ấn Độ là nhanh và nhiều hơn so với các biến thể trước đây. “Sử dụng test nhanh ngay khi phát hiện ca dương tính tại ổ dịch để phát hiện các trường hợp lây nhiễm. Sau khi có kết quả test nhanh dương tính thì cách ly ra và làm XN RT-PCR mẫu đơn để khẳng định. Như vậy, việc phát hiện F0 sẽ nhanh hơn so với trước đây”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Về XN khẳng định, Sở Y tế TP.HCM cho biết trên địa bàn đang có 28 đơn vị được phép thực hiện XN bằng phương pháp Realtime RT-PCR. Trong đó có 10 cơ sở và BV trực thuộc Bộ, ngành (Viện Pasteur, Viện Y tế công cộng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm y tế dự phòng quân đội phía nam, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, BV Thống Nhất, BV Quân y 175, BV Quân y 7A), 12 cơ sở và BV công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM (Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC), BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng TP, BV Nguyễn Tri Phương, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Bình Dân, BV Hùng Vương, BV TP.Thủ Đức, BV Lê Văn Thịnh, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định), 4 BV tư nhân (FV, Gia An 115, Hoàn Mỹ Sài Gòn, Quốc tế Vinmec Central Park) và 2 chi cục thú y vùng (Thú y vùng VI và Thú y vùng VII). Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị bảo đảm duy trì năng lực XN, tăng cường việc lấy mẫu XN và thực hiện báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và Sở Y tế TP. “Sở tiếp tục mở rộng năng lực XN tại HCDC và các BV; đồng thời đề nghị BV hạng 1, 2, 3... khẩn trương rà soát, kiện toàn về năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự sinh phẩm, triển khai thực hiện XN; đảm bảo mỗi 300 giường phải có 1 hệ thống XN RT-PCR”, lãnh đạo Sở Y tế thông tin và cho biết ngành y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ sinh phẩm XN RT-PCR và XN nhanh; áp dụng XN nhanh vào tầm soát cho nhân viên y tế, người có triệu chứng hô hấp cấp, tầm soát trong khu công nghiệp…

Những lưu ý trước và sau tiêm vắc xin Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.