Lật tẩy đường dây người 'nhà tàu' bán vé lụi: Chung chi trên tàu

02/07/2019 09:00 GMT+7

Vượt qua cửa kiểm soát, khách mua vé lụi sẽ được nhân viên trên tàu tiếp nhận, sắp xếp chỗ và lấy nốt số tiền còn lại.

Dù là mua vé lụi, không ít trường hợp khách được xếp chỗ cùng khách mua vé hợp lệ chứ không phải “giường của nhân viên tàu” như giới thiệu lúc bán vé.
Giữa tháng 6.2019, phóng viên (PV) Thanh Niên trực tiếp đến ga Sài Gòn mua vé tàu lụi, nhằm ghi lại toàn bộ quy trình của đường dây bán vé lụi: từ khâu mua bán vé cho đến hành trình trên tàu do các nhân viên “nhà tàu” phối hợp thực hiện.
 

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người "nhà tàu" bán vé lụi - Kỳ 1: Chợ đen trong ga Sài Gòn

Ghế trống còn khá nhiều, nhưng nhân viên bán vé luôn nói“hết vé” để hướng khách qua mua vé lụi

Ghế trống còn khá nhiều, nhưng nhân viên bán vé luôn nói“hết vé” để hướng khách qua mua vé lụi

Sau khi gặp “cò” Quắn (32 tuổi), PV đặt mua 2 vé ghế ngồi mềm đi Nha Trang tổng giá 900.000 đồng/2 vé. Trong đó, Quắn lấy trước 350.000 đồng; số tiền còn lại sẽ đưa cho nhân viên tàu khi được sắp xếp chỗ ngồi ổn định.

Vé lụi được xếp ghế thật

Theo hướng dẫn của Quắn, PV đến quầy hướng dẫn và dễ dàng lọt qua cổng soát vé tự động hiện đại khi được nhân viên soát vé “bật đèn xanh”. Bất ngờ hơn, khi lên tàu, PV được nhân viên tên Đức sắp xếp ngồi ghế mềm số 61 và 62. Sau đó, Đức nhanh chóng thu số tiền còn lại.
Theo ghi nhận của PV, trên toa ngồi ghế mềm lúc này khá vắng khách. Khi tàu dừng ở các ga Dĩ An, Biên Hòa để đón khách, Đức tất bật lên xuống để sắp xếp chỗ.
Nhân viên tên Đức sắp xếp ngồi ghế mềm số 61 và 62 cho khách mua vé lụi, sau đó thu số tiền còn lại

Nhân viên tên Đức sắp xếp ngồi ghế mềm số 61 và 62 cho khách mua vé lụi, sau đó thu số tiền còn lại

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi - Kỳ 2: Luật ngầm trắng trợn trên toa xe

Ngày 21.6, PV đến quầy hướng dẫn đặt mua 1 vé lụi loại giường nằm với giá 800.000 đồng. 21 giờ 30 cùng ngày, PV mang vé lụi nhận từ nhân viên ở quầy hướng dẫn tiến thẳng vào cổng soát vé để vào ga. Kiểm tra vé, nam nhân viên không cần quẹt mã vạch mà chỉ tay, nói: “Rẽ trái, vào toa số 11 gặp anh Tạo để anh ấy sắp chỗ”.
Theo chỉ dẫn, PV lên tàu và gặp nam nhân viên tên Tạo (khoảng 35 tuổi). Anh này dẫn PV vào buồng của khách, nơi có sẵn 2 người đang ngồi đợi, nhắc: “Ngồi trong này đợi, tí nữa mình sẽ sắp xếp chỗ”. Trò chuyện với 2 hành khách thì được biết họ cũng mua vé lụi từ nhân viên ở quầy hướng dẫn.
Nhân viên ở ga Sài Gòn (nữ) quẹt mã vạch trên vé hợp lệ để cửa tự động mở cho khách qua

Nhân viên ở ga Sài Gòn (nữ) quẹt mã vạch trên vé hợp lệ để cửa tự động mở cho khách qua

“Hai dì cháu tôi đợi từ chiều tới giờ. Lúc vào hỏi nhân viên bán vé, họ nói hết vé và chỉ qua quầy hướng dẫn để được tư vấn. Sau đó, họ bán cho dì cháu tôi 2 vé; trên vé ghi thông tin của người khác với tổng số tiền 1,6 triệu đồng/2 vé”, người khách lớn tuổi cho hay. “Trên vé là thông tin của người khác, chị không sợ bị lừa sao?”, PV hỏi và vị khách thật thà: “Chiều giờ, hai dì cháu ngồi trong quán nước đợi mà cứ nơm nớp lo sợ. Nhưng nghĩ người của ga bán, chắc họ không dám lừa mình!”.
Hai vé lụi có dấu gạch ngang dưới số tàu

Hai vé lụi có dấu gạch ngang dưới số tàu

“Đi tàu cứ gọi cho mình, khỏi cần mua vé!”

Đến giờ tàu chạy, Tạo đến thu mỗi khách 500.000 đồng. Sau đó, nhân viên này đọc số điện thoại của mình cho khách lưu và dặn: “Lưu lại số để khi nào anh, chị đi tàu thì cứ điện cho mình. Mình sắp xếp ghế, khỏi cần mua vé làm gì…”.
Sau hành trình này, ngày 29.6, PV thử gọi cho Tạo đặt mua 6 ghế ngồi mềm tuyến Sài Gòn - Nha Trang. “Ngày 5.7, mình mới đi lại. Đặt 6 ghế ngồi mềm thì được thôi. Nhưng nói trước không thể ngồi gần nhau hết được”, Tạo nói rồi cho biết nếu muốn đi chung, Tạo sẽ “giữ chỗ” phòng 6 giường và so với giá ghế ngồi mềm sẽ không quá chênh lệch. “Riêng ghế ngồi trống chỗ nào bố trí chỗ đó; còn giường nằm giá 600.000 đồng/người. Việc qua cổng ga mình “lo” được!”, Tạo khẳng định.
Trước đó, ngày 28.6, PV gọi cho một nữ nhân viên hướng dẫn tên Phương ở ga Sài Gòn, đặt mua 7 vé giường nằm cho nhóm bạn về quê Quảng Ngãi dự đám cưới người thân. Phương nhận lời ngay và hứa sẽ sắp xếp cho nhóm bạn chung một phòng 6 giường với giá 1,1 triệu đồng/người…

Chiêu thức vượt “mắt thần” và tấm vé đánh dấu

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khách vào ga lên tàu đều buộc phải qua cổng soát vé. Tại đây luôn có nhân viên kiểm tra vé, sau đó quét mã vạch trên vé hợp lệ thì cửa mở ra vài giây cho khách qua rồi đóng lại lập tức. Mỗi vé một mã vạch và chỉ quét một lần để mở cửa. Với quy trình như vậy, làm sao khách mua vé lụi có thể vượt qua?
Để “giải mã”, PV Thanh Niên đã hóa trang nhiều vai khác nhau nhằm tìm hiểu, ghi hình lại quá trình “vượt chướng ngại vật” của những khách đi vé lụi. Tối 14.6, PV ghi nhận với những chiếc vé thật, nhân viên soát vé quẹt mã vạch, sau đó cửa tự động mở và khách cứ thế đi qua. Mỗi lần khách qua, mất vài giây để cánh cửa tự động đóng lại. Nhưng trước khi cửa đóng, nếu nhân viên che “mắt thần” của máy soát vé thì cửa tiếp tục mở. Ngày 16.6, PV tiếp tục có mặt ở khu vực cổng soát vé. Khách qua cổng đều được một nữ nhân viên làm đúng quy trình như trên. Trong khi đó, một số hành khách được nhân viên cầm vé kiểm tra vài giây, chỉ tay cho khách đi thẳng, tay còn lại che “mắt thần” của máy soát vé tự động.
 

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi - Kỳ 3: Choáng váng với thu nhập "khủng"

Để thẩm định lại việc này, PV theo dõi nhóm “cò” vé hoạt động xem họ lấy vé ở đâu tuồn ra cho khách và những hành khách này qua cổng soát vé ra sao. Tối 16.6, “cò” Tâm sau khi chèo kéo khách thành công, liền yêu cầu khách đứng đợi. Sau đó, ông Tâm đi thẳng vào quầy hướng dẫn. Vài giây sau, ông này cầm trên tay tờ vé ra ngoài đưa cho khách và nhận tiền. Bám theo vị khách mới mua vé của ông Tâm, PV vào khu vực cổng soát vé và ghi nhận những khách đi trước đều được nhân viên lấy vé quét mã vạch. Tới lượt “vị khách đặc biệt”, nhân viên cầm vé lên kiểm tra rồi lập tức cho qua chứ không thực hiện thao tác quét mã vạch, trong khi bàn tay của nhân viên này che “mắt thần”.
Tối 21.6, “cò” Mỹ Linh gạ bán thành công vé tàu lụi cho một nam thanh niên tên H., đi tuyến Sài Gòn ra Nha Trang. PV xin chụp lại tấm vé của H. Thông tin trên vé là của một hành khách khác. Sau đó, H. dễ dàng qua cổng soát vé mà không gặp khó khăn gì. Đến lượt PV cầm vé lụi đã mua để lên tàu. Thông tin vé ghi hành khách khác tên Hà Huỳnh Minh Tr.; nằm khoang 4 điều hòa T1; toa 10, chỗ 26… Qua xác minh, đây là tấm vé thật của hành khách đi cùng chuyến tàu, có thể đã được nhân viên hướng dẫn in thêm một tờ để giao cho khách mua vé lụi. PV giao vé cho nhân viên kiểm soát, người này lướt qua vé, không hề quét mã vạch mà ra hiệu khách kế tiếp bước lên đưa vé để quét. Khi khách hợp lệ vừa bước vào cửa, nhân viên soát vé lấy tay che “mắt thần” cho PV nối gót theo.
Khi vào bên trong, PV so sánh tấm vé lụi của mình và vé lụi của khách do cò Mỹ Linh “bán” thì thấy trên cả hai vé đều có chung một dấu hiệu: vết gạch màu cam dưới số hiệu tàu. Đây là dấu hiệu để nhân viên soát vé biết vé lụi khi cho khách qua. (còn tiếp)

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi - Kỳ 4: Ký sinh trùng đường sắt

Đình chỉ các nhân viên liên quan tiêu cực

Ngày 1.7, sau khi Thanh Niên khởi đăng loạt bài Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi, trưa cùng ngày, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, đã đến trụ sở Báo Thanh Niên làm việc. Tại đây, ông Tuấn cho biết bước đầu công ty đã chỉ đạo đình chỉ các nhân viên có liên quan đến nội dung báo phản ánh để làm rõ những sai phạm. “Quan điểm của chúng tôi là không bao che, dung túng, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực để môi trường kinh doanh lành mạnh; tiếp tục rà soát, chấn chỉnh lại công tác nghiệp vụ và quản lý, không để tái diễn các vi phạm”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.