Lập luận pháp lý về chủ quyền biển đảo luôn cần thiết

21/07/2014 03:00 GMT+7

Đó là khẳng định của GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, trước thềm hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN”. Bà cho biết thêm:

Đó là khẳng định của GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, trước thềm hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN”. Bà cho biết thêm:

Lập luận pháp lý về chủ quyền biển đảo luôn cần thiết
GS-TS Mai Hồng Quỳ  - Ảnh: D.Đ.M

Từ ngày 2.5.2014, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Sự kiện này đã gây ra nhiều hệ quả không mong muốn cho quan hệ kinh tế, chính trị, thương mại của hai nước VN và Trung Quốc nói riêng, hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế nói chung. Với tư cách là một trung tâm nghiên cứu, đào tạo luật, ĐH Luật TP.HCM đã phối hợp Hội Luật gia VN chuẩn bị tổ chức hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN”, sẽ diễn ra vào ngày 26.7 tới đây tại TP.HCM.

Hội thảo là diễn đàn để giới học giả, luật sư, luật gia có uy tín, tên tuổi trong nước và quốc tế ở lĩnh vực luật Biển bày tỏ quan điểm, thảo luận, lập luận pháp lý đối với chủ đề nêu trên. Thông qua hội thảo, các thông tin, tài liệu về sự kiện liên quan được thông tin đầy đủ và xem xét một cách khách quan bởi giới học giả, chuyên gia các nước và quốc tế.

150 đại biểu tham gia

Đến thời điểm này đã có khoảng 150 đại biểu xác nhận tham dự hội thảo, trong đó trên 30 học giả đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn của Mỹ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu u, ASEAN...

Hiện Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển VN. Vậy việc tổ chức hội thảo có còn cần thiết hay không?

Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN là một sự kiện đã xảy ra trong thực tế. Hành động này rõ ràng đã tạo ra một tiền lệ xấu trong thực tiễn của quan hệ pháp luật quốc tế. Do đó, việc phân tích, đánh giá, xem xét sự kiện này từ góc độ pháp luật quốc tế có ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng. Hội thảo lần này mang tính khoa học cao. Các học giả trong và ngoài nước sẽ nghiên cứu, đánh giá không chỉ các quy định trong các văn bản pháp luật quốc tế nói riêng mà cả các luận thuyết của khoa học pháp lý nói chung. Đặc biệt, nhiều báo cáo tại hội thảo sẽ giới thiệu, phân tích kinh nghiệm của các nước trong việc giải quyết các sự việc tương tự. Và điều đó là cần thiết.

 Có ý kiến cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN thì chúng ta vẫn phải tiếp tục chuẩn bị chu đáo cho những căn cứ pháp lý cần thiết về chủ quyền biển đảo trước cộng đồng quốc tế. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Quyền thể hiện ý chí bảo vệ chủ quyền của đất nước VN, dân tộc VN là quyền thiêng liêng, quyền không thể đánh đổi được. Chúng ta cũng có quyền được nhận một phán quyết công minh, công bằng thông qua các chế định tài phán quốc tế, khi cần thiết. Vấn đề là chúng ta sử dụng quyền ấy như thế nào để vẫn đảm bảo một môi trường ổn định, hòa bình, hữu nghị cho đất nước ổn định và phát triển. Việc khởi kiện như thế nào, vào thời điểm nào, do vậy, theo chúng tôi chắc chắn sẽ được cân nhắc một cách hết sức thận trọng. Tuy vậy, quá trình chuẩn bị để thực hiện quyền thiêng liêng ấy phải được tiến hành một cách nghiêm túc. Việc nghiên cứu, tập hợp hồ sơ, nắm rõ kinh nghiệm xử lý cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các nước… là những điều kiện không thể thiếu. Chúng ta cũng đã yêu cầu Trung Quốc không tái hạ đặt giàn khoan vào vùng biển chủ quyền VN; qua đó đã khẳng định quan điểm đấu tranh mềm mỏng nhưng kiên quyết, kiên trì trong vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, dù thế nào đi nữa, không ai có thể xem thường luật pháp quốc tế, bỏ qua chính nghĩa, mà chính nghĩa của chúng ta đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ủng hộ.

Đã từng có nhiều hội thảo tương tự được tổ chức liên quan đến vấn đề chủ quyền của chúng ta tại biển Đông. Vậy điểm mới của hội thảo lần này là gì?

Điểm mới của hội thảo quốc tế lần này là sẽ tập trung thảo luận, trao đổi, bày tỏ quan điểm về các khía cạnh pháp lý của sự kiện hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vừa qua trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Hội thảo không chỉ gồm các ý kiến tham khảo về các biện pháp chính trị, ngoại giao mà còn tập trung nghiên cứu, lấy kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế trong việc sử dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết vụ việc.

Đình Phú
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.