‘Lão tà’ ghiền truyện kiếm hiệp, quy ẩn luyện 'mai hoa thung pháp' nơi miền đất võ

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
02/02/2019 08:08 GMT+7

Ở miền đất võ Bình Định, Trần Hoàng được ví là một “nhất lưu cao thủ” trong giới trồng mai. Ông quan niệm việc tạo dáng cho mai cũng cần phóng khoáng như… gã lãng tử Lệnh Hồ Xung luyện kiếm.

Kẻ “quái dị” trong giới “nhân sĩ giang hồ”

 

Những ngày giáp Tết, tuyến đường Nguyễn Tất Thành ở trung tâm TP.Quy Nhơn (Bình Định) tấp nập những gian hàng bán hoa, cây cảnh. Duy một gian hàng bán mai bon sai nằm lặng lẽ trên vỉa hè đường Mai Xuân Thưởng (cách đường Nguyễn Tất Thành chừng 100 m) như muốn tách biệt với các gian hàng còn lại.

Với người qua đường thì chủ nhân của gian hàng mai này chẳng có gì đặc biệt, nhưng trong giới chơi cây cảnh ở Bình Định mỗi khi bàn đến hoa mai, đều phải kiêng dè. Bởi ông ta chính là Hoàng “Lão tà”, chủ nhân của Mai Hoa Thung nổi tiếng ở TP.Quy Nhơn.

Hoàng “Lão tà” đặt tên vườn mai của mình là Mai Hoa Thung và tự giải thích tên gọi này có ý nghĩa là thung lũng hoa mai. Nhưng nhiều bạn bè lại nghĩ rằng do Hoàng “Lão tà” mê truyện kiếm hiệp nên lấy một thế võ của môn phái Thiếu lâm, là mai hoa thung pháp (phép tập trên cọc gỗ mai hoa) đặt tên cho vườn mai nhà mình.

Có một nhóm người chơi mai hàng “top” ở Bình Định thường mỗi lần ngồi lại với nhau bàn chuyện trồng mai, vẫn tếu táo gọi là “Hoa Sơn luận kiếm”, rồi tự xưng  là người trong giới “nhân sĩ giang hồ”. Không biết “luận mai” hay “luận kiếm” thế nào mà ông Trần Hoàng “dính” luôn biệt danh Hoàng “Lão tà”, nhái theo nhân vật Hoàng Dược Sư, chủ nhân Đào hoa đảo trong Thần điêu đại hiệp của nhà văn Kim Dung.

Những lần “luận mai” như thế, Hoàng “Lão tà” chẳng ngán “cao thủ” nào. Trong mắt nhiều “nhân sĩ giang hồ” ở Bình Định, Hoàng “Lão tà” có nhiều tính cách giống nhân vật Hoàng Lão tà “chính hiệu” như: thông minh, thích cô độc, làm việc quái dị, không theo các phép tắc “luyện mai” mà người đi trước để lại…

Hoàng “Lão tà” giới thiệu mai bon sai cho khách ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Hàng năm, vào thời điểm tháng Chạp (âm lịch), Hoàng “Lão tà” lại công bố trên facebook ngày lặt lá mai tết ở Mai Hoa Thung. Rồi những người bạn theo đó mà rủ nhau đến Mai Hoa Thung giúp ông lặt lá mai. Họ còn vui vẻ gọi với nhau về việc này, là “lễ hội lặt lá”. Người tham dự “lễ hội lặt lá”, nếu là nam thì gọi nhau là huynh là đệ; còn nữ thì Hoàng “Lão tà” nhất định gọi là “thần tiên tỷ tỷ”, kiểu như gã si tình Đoàn Dự gọi bức ngọc thạch tuyệt đẹp mà gã tình cờ nhìn thấy trong hang động ở Vô Lượng Sơn trong Thiên Long bát bộ của Kim Dung tiền bối vậy.

Trong một lần đến Mai Hoa Thung, một vị “thần tiên tỷ tỷ” xinh đẹp ở Quy Nhơn thấy ông Hoàng trồng mai “tành tành mà sống”, không bon chen với đời nên chụp ảnh ông, đăng lên facebook rồi chú thích là “Đại gia cây cảnh”. Hoàng “Lão tà” chỉ vào bình luận, rằng: “Chúng ta không phải đại gia cây cảnh. Chúng ta chỉ là một nông dân giữa lòng thành phố, mưu sinh bằng linh cảm nghệ sĩ của một ngành nghề”.

Một cội mai của Hoàng "Lão tà" trưng bày bán dịp Tết ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Anh Trần Bá Phùng (công tác tại Báo Bình Định), người bạn vong niên của Hoàng “Lão tà” kể rằng, bạn bè trong giới nhân sĩ giang hồ ở Bình Định không chỉ phục Trần Hoàng thông minh mà còn do linh cảm nghệ sĩ của ông khi luyện mai. Chỉ cần nhìn vào cây mai, Hoàng “Lão tà” biết ngay mình phải tạo ra dáng của nó như thế nào...

Luyện mai như… Lệnh Hồ Xung luyện kiếm

Hoàng “Lão tà” sinh ra trong một gia đình nhiều đời nổi tiếng về nghề lương y. Đến đời ông, từ một cán bộ vật tư đi lính đặc công, ra quân về làm phóng viên đài truyền thanh, rồi làm nghề nuôi chim yến, sửa ti vi, mua ô tô chạy xe khách đến buôn bán cây cảnh… Nghề nào ông cũng thành công, thậm chí nổi tiếng trong giới đồng nghiệp, nhưng lại không trụ được lâu vì “đời đưa đẩy”.

Một tác phẩm mai bon sai trong chậu của lò Cây Mai hơn 100 tuổi ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Khi con gái lớn lấy chồng rồi sống ở TP.HCM, 2 con trai làm việc ở Mỹ, chỉ còn vợ chồng sống nhàn hạ ở Quy Nhơn, thì “đùng một phát” Hoàng “Lão tà” bỏ nghề buôn bán cây cảnh đang thời ăn nên làm ra. Bạn bè càng không thể tin được khi nghe nói Hoàng “Lão tà” một mình rời trung tâm thành phố, vào chân núi ở thung lũng Quy Hòa dựng lều để trồng mai bon sai. Chuyện “quy ẩn giang hồ” xảy ra cách đây chừng hơn 6 năm. Từ đó đến nay, trong lều của Hoàng “Lão tà”, ngoài dụng cụ để chăm mai, vài ba bộ quần áo, chăn chiếu, bộ ấm trà chỉ có những cuốn võ hiệp Kim Dung để đọc đi đọc lại cho đã ghiền!

Hoàng “Lão tà” đã bỏ tiền ra mua 500 cây mai về cắt trụi để tạo dáng bon sai ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Khi mới vào nghề, bạn bè đến Mai Hoa Thung thăm chơi, rất ngạc nhiên khi thấy Hoàng “Lão tà” khệ nệ ôm những cây mai lâu năm, có khi cao hơn cả mét, đặt lên kệ nhìn nhìn ngắm ngắm rồi cắt trụi, chỉ để lại phần gốc tạo dáng. Thậm chí, khi Hoàng “Lão tà” cắt xong, giải thích thêm ý tưởng của mình, thì cũng chỉ có vài người hiểu được, số đông còn lại phải đợi đến vài tháng, khi cây mai ra dáng, ra thế mới biết ông muốn làm gì.

Ngay trong năm đầu tiên, Hoàng “Lão tà” đã bỏ tiền ra mua 500 cây mai về cắt trụi để tạo dáng như vậy. Suốt ngày, chỉ một mình ông luyện “mai hoa thung pháp” trong khu vườn rộng 1.500 m2 dưới chân núi Vũng Chua. Hoàng “Lão tà” không chấp nhận một ai tham gia vào các tác phẩm mai bon sai của mình.

Hoàng “Lão tà” cho rằng tạo dáng cho mai bon sai thì cứ như Lệnh Hồ Xung (nhân vât trong Tiếu Ngạo giang hồ của Kim Dung tiên sinh) luyện kiếm ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Hiện nhiều người trong nghề chơi mai nhận xét rằng Hoàng “Lão tà” là bậc thầy trong việc tạo dáng thế cho mai bon sai, khi nhìn vào cây mai nào là ông liền nhận ra cách để tạo dáng thế cho nó. Ở Mai Hoa Thung, mỗi cây mai là một tác phẩm, không cây nào giống cây nào.

“Ngay từ khi vào nghề, anh Hoàng đã rất tự tin với tay nghề của mình rồi. Ngoài sự thông minh, đam mê cây mai có sẵn, anh ta còn rất ham đọc sách, nghiên cứu về cây mai, học kỹ thuật trồng mai, giao lưu với người có cùng sở thích… nên cái vốn kiến thức về trồng mai của anh cứ ngày một dày thêm. Vì vậy, anh Hoàng thành danh rất nhanh trong giới trồng mai”, anh Trần Bá Phùng nói.

Hoàng “Lão tà” thì lại cho rằng “tạo dáng cho mai bon sai thì cứ như Lệnh Hồ Xung (nhân vât trong Tiếu Ngạo giang hồ của Kim Dung tiên sinh) luyện kiếm ấy. Từ 9 chiêu thức trong Độc cô cửu kiếm học được của lão sư Phong Thanh Dương, tùy tình huống mà biến chiêu theo kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu” cho phù hợp. Tạo dáng cho cây mai cũng không nên rập khuôn theo các dáng thế người xưa để lại, mà nên căn cứ vào dáng thế có sẵn của nó để phóng tác theo sở thích của mình và của khách hàng”.

Các chậu mai bon sai của Hoàng “Lão tà” hiện có giá từ 3 - 5 triệu đồng, có nhiều chậu giá khoảng 100 triệu đồng ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo Hoàng “Lão tà”, mỗi cây mai bon sai là một thực thể riêng biệt, có cơ địa khác nhau nên cách chăm sóc cho cây không thể giống nhau, nhưng cây nào “cũng phải yêu, phải chăm sóc tỉ mẫn cứ như kiếm khách xem cây kiếm là tính mệnh của mình vậy”.

Nghề trồng mai thì năm được năm mất, nhưng Hoàng “Lão tà” làm 6 năm đều được cả. Bình quân mỗi năm ông kiếm được khoảng vài ba trăm triệu đồng, đủ để tà tà sống với đam mê của mình mà không phải bon chen với đời. Những năm gần đây, Hoàng “Lão tà” giảm số lượng mai trong vườn từ 500 chậu xuống còn 300 chậu vì “lùi một bước để tinh một bước”.  

Các chậu mai bon sai của Hoàng “Lão tà” hiện có giá từ 3 - 5 triệu đồng, có nhiều chậu giá khoảng 100 triệu đồng. Ông đầu tư trồng mai thành 2 loại: “mai chợ” để bán đại trà và “mai hàn lâm” để bán cho người chơi biết kén chọn. “Mai bon sai độc thì chăm sóc, tạo dáng những năm mươi năm chứ chẳng chơi. Mà mai bon sai đẹp thì phải vào những chậu cổ xưa mới xứng đáng. Tôi đi lùng, sưu tầm các chậu gốm Lái Thiêu có tuổi đời 70 - 80 năm cho các cây mai độc của mình, thậm chí còn gặp được dăm ba chậu của lò Cây Mai có tuổi đời khoảng 100 năm đấy”, Hoàng “Lão tà” khoe.

Theo Hoàng “Lão tà”, mỗi cây mai bon sai là một thực thể riêng biệt, có cơ địa khác nhau nên cách chăm sóc cho cây không thể giống nhau, nhưng cây nào “cũng phải yêu, phải chăm sóc tỉ mẫn cứ như kiếm khách xem cây kiếm là tính mệnh của mình vậy” ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Mỗi năm có khoảng 1/2 số chậu mai bon sai của Hoàng “Lão tà” được thương lái đến tận vườn mua, số còn lại thì vợ chồng ông chờ đến tết mới bán ra. Ông cứ bày ra chợ hoa, giá cả thông báo rõ ràng, ai thích thì mua, ai không biết giá trị của chậu mai thì… khỏi bàn. Hoàng “Lão tà” chẳng phải bận tâm, vì những chậu mai để lại chăm sóc một năm nữa, “nội công” lại càng “thâm hậu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.