Lão 'Phiền Hà' trên đỉnh Hải Vân

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
13/09/2019 10:27 GMT+7

Giữa núi rừng Hải Vân, lão 'gàn' Lại Thanh Hà (70 tuổi) sang sảng đọc câu thơ tự sự mới sáng tác như trút bầu tâm sự: 'Cái tên tự gọi Lại Phiền Hà'. Nhưng ngẫm lại, chỉ thấy người khác gây 'phiền hà' cho ông...

“Chữ thanh đổi lại thành phiền”

Lần đầu tôi gặp ông đúng vào dịp Hải Vân quan sau bao năm mưa dập gió vùi, trơ gan cùng tuế nguyệt chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Lần hồi nói chuyện, ông rút trong tập giấy trên tay, tặng tôi bài thơ có tựa Em và tôi với những ngôn từ phóng khoáng mà đậm chất… trai trẻ. “Em là nàng tiên đó/Đẹp nhất trên trần gian/Tôi là kẻ tham lam/Cứ mong em đẹp mãi…”. Những câu thơ duyên dáng cứ ám ảnh mãi, tôi trở lại Hải Vân quan để nghe ông nói về thơ và biết được thêm rằng, ở ông còn có những điều “gàn dở” vừa thú vị lại vừa đáng trân quý…

Ngắm ‘Tiên cảnh’ miễn phí trên đỉnh Hải Vân của ông lão mê thơ

“Tôi họ Lại, tên Hà, quê ở Hà Nam. Nhưng cũng vì mê thơ mà thú thật cuộc sống đã vướng phải không ít phiền hà trong chuyện tình cảm vợ chồng. Chữ Thanh đổi lại thành Phiền, vậy là chết tên Lại Phiền Hà mà bao năm nay nhiều người vẫn gọi”, ông cười hiền. Ông vốn là “dân” bách khoa thứ thiệt. Những năm đất nước chiến tranh, ông gác bút lên đường nhập ngũ. Rồi đất nước giải phóng, ông xuôi ngược bắc - nam với những công trình xây hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), thủy lợi Phú Ninh (Quảng Nam). Năm 1979, ông cưới vợ rồi lần lượt sinh 3 đứa con. Để mưu sinh, ông làm lái xe rồi dành dụm xây dựng được căn nhà ở phía bắc đèo Hải Vân.
Giữa lúc cuộc sống ấm êm thì ông bén duyên với… thơ. “Suốt ngày thơ thẩn, vợ tôi phát cáu, rồi cơm chẳng lành canh không ngọt, chúng tôi ly hôn. Tài sản được chia, tôi lấy phần ít lên đỉnh Hải Vân dựng căn chòi nhỏ vừa nghĩ cách làm ăn vừa nuôi chí thơ ca”, ông nhớ lại. Thoắt cái đã 30 năm ở đỉnh núi này. “Hồi ấy, vợ bảo tôi khùng cũng phải… Nhưng chí hướng không gặp nhau thì làm sao chung nhà được”, ông tâm sự. Hồi mới phát rẫy thả bò trên đỉnh Hải Vân, trong khi người ta tất tả lo toan kiếm miếng ăn thì ông vẫn cứ chăn bò và nhẩn nha làm thơ… Riết người ta gọi ông là lão “gàn”.
Ông thì không nghĩ vậy. Bởi ở chốn hữu tình như Hải Vân, với ông, không đâu lý tưởng bằng để tiếp tục làm thơ… Cũng bởi gắn bó hàng chục năm nơi đỉnh đèo, sáng ngắm biển trời, chiều ngắm mây phủ mà ông Hà có rất nhiều bài thơ về Hải Vân. Nhiều nghệ sĩ trên đường ngang qua Hải Vân thường ghé thăm ông để đàm luận về thơ. Tháng 10.2004, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã gặp ông Hà cũng trong một dịp như thế. Và các bài thơ Hải Vân - Hải Vân (sáng tác năm 1998), Mai em về Hải Vân đẹp lắm (sáng tác năm 2004) đã hợp thành ca khúc Mai em về Hải Vân đẹp lắm.
Lão 'Phiền Hà' trên đỉnh Hải Vân1

Thơ luôn được ông Hà đưa vào các không gian của khu vườn

Xây “vườn thanh” đón khách miễn phí

Khu đất “Lại Phiền Hà” cắm dùi nằm chênh vênh phía đỉnh Hải Vân về phía nam, nằm đối diện cụm di tích Hải Vân quan, nơi có một cửa quan được vua Lê Thánh Tôn đề tặng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trong lần thân chinh bình Chiêm cách đây hơn 700 năm. Ông Hà gọi đó là Vườn Thanh. So với vị trí của Hải Vân quan, khu vườn mà ông Hà thiết kế nhìn về phía Đà Nẵng có “view” đẹp hơn rất nhiều bởi tầm nhìn thoáng.
Du khách mỗi khi thăm đỉnh đèo Hải Vân đều cố gắng có được một bức hình lưu niệm. Cách đây khoảng 20 năm, nhiều đoàn khách ghé ngang cứ hỏi nhờ ông xin đứng ở những góc cheo leo trong khu vườn để chụp ảnh. Thấy nguy hiểm vì tại đỉnh đèo thiêng này không ít vụ tai nạn do trượt chân, lở đất đã xảy ra, ông thầm lặng kê từng hòn đá, đóng từng cây cọc để tạo mặt bằng. Ngày này qua ngày khác, một mình ông cứ thế xây dựng khu vườn. Ý tưởng ban đầu chỉ là để tạo sự an toàn cho du khách muốn chụp hình, nhưng đi lui đi tới cứ thấy thiếu, ông lại lang thang khắp các ngọn đồi tìm hoa dại, rồi tìm gặp người quen xin giống hoa phù hợp với khí hậu, mang về trồng.
“Nhiều người thấy tôi suốt ngày lui cui trồng hoa, gánh đá làm lối đi cho du khách mà chẳng thu đồng nào, họ lại lắc đầu: “Đúng là ông gàn”. Thôi thì “gàn” cũng được, nhưng cái tật “Phiền Hà” trong tôi trỗi dậy. “View” thì đẹp thế, lại còn đi vào biết bao bức ảnh, mình làm khu vườn đẹp thêm thì Hải Vân đẹp, Việt Nam đẹp chứ có gì đâu!”, ông cười.
Vẫn chưa hài lòng với cái tên tự đặt Nice View - Không gian đẹp của mình, ông cất công trèo lên gần đỉnh núi để thiết kế mặt bằng, tiếp tục trồng hoa để lập nên khu vườn Thiên Thai. Dọc đường đi, ông bố trí bảng hiệu đề Đường lên trái núi Thiên Thai để du khách chụp ảnh lưu niệm.
Và ông lại đưa thơ vào khu vườn. Chỉ vào tấm biển cấm lửa, tuyên truyền bảo vệ rừng, ông dí dỏm: “Anh cứ hôn em, với đỉnh đèo/Đừng làm lửa cháy, điếu thuốc rơi...”. “Những câu thơ này đã vào không ít bức ảnh của du khách quốc tế. Nhiều cặp đôi kéo nhau lên tận đỉnh núi để nói lời thề nguyền mà không quên cảm ơn tôi”, ông kể. Vườn Thanh cũng bao phen lận đận tưởng như không thể bám víu vào vách núi vì sự hung bạo của những trận lũ thượng nguồn. Có năm, nước quá lớn, cả khu vườn tanh bành. Ông bùi ngùi xếp lại từng viên đá rồi cất công nghiên cứu chỉnh trị các con suối tự nhiên. Bằng vốn kiến thức đã học được, ông làm suối dẫn dòng, đào hố tiêu năng nguồn nước. Nhờ thế mà khu vườn tồn tại đến bây giờ.
“Lại Phiền Hà” vẫn chưa thỏa mãn. Năm ngoái, dồn được bao nhiêu tiền, ông dốc hết để hàn khung sắt dựng lên bên những vách đá cho du khách thăm thú. Ông còn mua thêm gạch men về ốp 2 căn nhà vệ sinh miễn phí thêm sạch sẽ. Đang say sưa kể về những giống hoa sẽ trồng thêm, cặp đôi người Pháp Moulin Laura và Bato Frauck sau khi chụp ảnh xong ngỏ ý trả tiền. Ông Hà lắc đầu “no, free, free!” rồi chỉ vào tấm đá sa thạch nơi ông có ghi song ngữ Việt - Anh: Không gian 1 và 2 đều miễn phí. Hai du khách nhoẻn miệng cười, cảm ơn.
Lão 'Phiền Hà' trên đỉnh Hải Vân2

Không gian “Nice View” ông Hà xây dựng hàng chục năm qua để đón khách miễn phí

“Nhặt rác phân hôi, miệng vẫn cười”

Cả cuộc đời làm thơ của mình, ông viết bài Tự sự như gửi gắm những tâm tư. Từng câu chữ cũng là câu chuyện của một gã đàn ông thất thập mang tiếng với đời là phiền hà, gàn dở. Ông chậm rãi: “Tôi là thi sĩ viết chưa hay/Gánh nặng hai vai những sự đời/Để thân cho gió mây mưa phủ/Nhặt rác phân hôi, miệng vẫn cười/Thà sống trọn đời như cây cỏ/Còn hơn loài quỷ chốn giàu sang”. Đúng như dòng thơ tự sự, hằng ngày ngoài chăm Vườn Thanh, ông còn nhặt rác không công trên khu di tích.
“Khu di tích trước khi được quản lý bài bản từ năm 2018, thường xuyên đón những đoàn khách tự phát đến tham quan. Họ về, rác ở lại. Di tích đã điêu tàn, lại còn oằn lưng gánh rác. Tôi thấy không đặng nên tự gom rác”, ông kể. Ông không nhớ cái nghiệp nhặt rác vận vào người từ khi nào, chỉ biết bản tính thẳng thắn, hay góp ý khiến ông Phiền Hà dính không ít… phiền hà. Nhiều du khách hồn nhiên vứt rác bị ông nhắc nhở lại nổi cáu: “Ông là ai, tôi vứt như thế có ảnh hưởng ông không?!”. Những hàng quán xung quanh khu di tích càng phiền hà. “Thấy họ đón khách rồi xả rác ra quá nhiều, tôi nhắc thì họ chửi bới”, ông thoáng buồn.
Rác đã vậy, còn “phân hôi” ở đâu? Tất cả do những đàn bò nuôi thả rông gây nên, vừa ô uế vừa mất mỹ quan di tích. Để không làm “bẩn mắt” khách thập phương, hằng ngày ông cầm xẻng, đẩy xe cút kít len lỏi qua từng công trình, ra tận QL1 để xúc phân. Nhưng ông không đổ đi nơi khác, mà lẳng lặng mang về vun thành đống, ủ phân cho hoa. Hoa dại mọc giữa đất cằn kém đẹp, có thêm tí phân bò là rực rỡ ngay. “Phân bò nó có tác dụng của nó. Nhặt phân hôi mà miệng vẫn cười, là vậy”, ông nháy mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.