Bài toán nhân lực trong môi trường toàn cầu hóa: ‘Designed in Vietnam’

27/10/2019 07:00 GMT+7

Nguồn nhân lực chưa bắt kịp bước hội nhập trong môi trường toàn cầu hóa chưa phải là điều đáng sợ. Điều đáng sợ là bị hòa tan danh tính, bản sắc giữa một thế giới rộng lớn khi chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng.

Một thế giới 4.0 thật sự có tiềm năng “robot hóa” nhân loại, xóa các ranh giới lãnh thổ vật lý bằng sự "va chạm" văn hóa, kinh tế và xã hội. Nguồn nhân lực chưa bắt kịp bước hội nhập trong môi trường toàn cầu hóa chưa phải là điều đáng sợ. Điều đáng sợ là bị hòa tan danh tính, bản sắc giữa một thế giới rộng lớn khi chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng. 

Đâu là một công dân toàn cầu?

Theo số liệu được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, có đến 51% người trên toàn thế giới nghĩ rằng mình là công dân toàn cầu hơn là công dân của một quốc gia.
Khái niệm “công dân toàn cầu” khởi xướng đầu tiên từ thời Hy Lạp cổ đại, với câu nói nổi tiếng của triết gia Diogenes: “Tôi là công dân của thế giới”.
Nguyễn Phi Vân, một chuyên gia quốc tế về nhượng quyền thương hiệu, cho rằng: Đây là thời đại của công dân toàn cầu khi ý thức tư duy đã thay đổi từ quốc gia sang thế giới, từ ngắn hạn sang dài hạn, từ cá nhân sang cộng đồng.
Theo bà Vân, công dân toàn cầu phải có tư duy và tầm nhìn mở, tôn trọng tính đa dạng của các nền đa văn hóa trên thế giới để có thể đáp ứng và thích nghi với điều kiện làm việc ở môi trường toàn cầu. Họ biết chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề chung của trái đất như biến đổi khí hậu, chiến tranh, đói nghèo, phân biệt… Là người có nền tảng văn hóa tốt, họ sẽ bổ sung giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Thế giới đang chứng kiến thế hệ Z (sinh năm 1990 đến sau 2000) bằng sức mạnh của tri thức và nền tảng công nghệ đã và đang dành những ngày tháng tuổi thơ của mình để làm thế giới trở nên tốt đẹp và đáng sống hơn. Đó là cô bé Hasan Zafar và em gái Shireen sáng lập Trường học đường phố để giúp trẻ em vô gia cư tại Karachi, Pakistan được tiếp cận nền giáo dục tốt hơn. Đó là Martinez, nghệ sĩ hip-hop và nhà hoạt động từ tuổi 13 đã kiến nghị lên Liên Hợp Quốc những chính sách về môi trường...
Đó chính là thế hệ đã được trải nghiệm sâu sắc ý thức dân tộc cũng như tiếp cận ý thức toàn cầu ngay từ giai đoạn mầm non (0 - 6 tuổi). Nhiều quốc gia đã sớm có kế hoạch dài hơn để xây dựng một đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu của môi trường toàn cầu hóa. Singapore là một ví dụ. Tại đất nước Đông Nam Á này, trẻ em ngay từ nhỏ đã làm quen với lịch sinh hoạt: Ngoài thời gian đi nhà trẻ thì bổ sung khóa ngôn ngữ ở Kumon, bổ sung khóa phát âm Zoophonics, học múa ba-lê và tiếng Hoa ở trường Tien Hsia...

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với nguồn nhân lực toàn cầu

Ảnh chụp màn hình CNET

Công dân toàn cầu “designed in Vietnam”

Tuy nhiên, trước khi trở thành một công dân của thế giới, các em phải là những công dân tiêu biểu với lòng yêu quê hương, ý thức về bản thân, dân tộc, đất nước mình. Trước khi có ý thức toàn cầu và thể hiện những kỹ năng thời đại như sử dụng Internet, giao tiếp, ứng dụng công nghệ…; các em trước tiên phải lĩnh hội sâu sắc bản sắc truyền thống và tri thức văn hóa của quốc gia mình.
Việt Nam luôn xem yếu tố văn hóa là một chiến lực nhân lực trong thời đại hội nhập toàn cầu. Vấn đề là, cần bổ sung những nội dung đào tạo tinh hoa về giá trị truyền thống - văn hóa trong môi trường hiện đại hơn và các hình thức đào tạo cần cấp tiến hơn.
PGS - TS Nguyễn Văn Chính, nhà Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) lý giải: bản sắc văn hóa của một dân tộc không phải là một cái gì đó “tự nhiên thành” mà là một cấu trúc nhân tạo (artificial construction), được tạo dựng, bồi đắp và cố kết trên cơ sở một nền tảng chung về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, lịch sử và một hệ thống chính trị - xã hội thống nhất.
“Khi nói đến bản sắc văn hóa, chúng ta thường nghĩ đến bản sắc của một cá nhân, một cộng đồng, như tộc người (ethnic group), tôn giáo, và dân tộc (nation-state). Bản sắc là sự khác biệt được tạo nên bởi các yếu tố hữu hình và vô hình của văn hóa, và người ta thường chỉ nhận ra sự khác biệt ấy thông qua tương tác với các văn hóa khác để từ đó cảm nhận được mình thuộc về một cộng đồng tộc người, dân tộc, tôn giáo hay giai tầng xã hội nào đó”, PGS Chính cho biết.
Do đó, toàn cầu hóa hay khái niệm công dân toàn cầu chính là những cơ hội mang tính lợi thế để vun bồi những bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong chiến lược này, giáo dục sớm chính là chìa khóa để kiến tạo một nguồn nhân lực trẻ trung, mạnh mẽ, là công dân toàn cầu mang bản sắc Việt Nam, một cách rõ nét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.