Lăng kính bạn đọc:Chứng giấy tờ giả, ai phải bồi thường?

12/11/2019 04:47 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã bức xúc và cho rằng cần nhanh chóng nâng cao trình độ đội ngũ công chứng viên, không để xảy ra những trường hợp chứng giấy tờ giả sau khi đọc bài Chứng giấy tờ giả, công chứng viên có chịu trách nhiệm?

Nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Chứng giấy tờ giả, công chứng viên có chịu trách nhiệm? đăng trên Thanh Niên ngày 10.11 đã bức xúc cho rằng cần nhanh chóng nâng cao trình độ đội ngũ công chứng viên, không để xảy ra những trường hợp chứng giấy tờ giả.
Như Thanh Niên đã thông tin, trước vấn nạn làm giả giấy tờ, giả mạo người đi công chứng hợp đồng, giao dịch nhà đất, mới đây tại TP.HCM đã có buổi tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên”, với sự tham gia của Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự…

Giấy tờ giả quá tinh vi, sắc sảo thì không thể phân biệt?

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng công chứng số 7, nói tại buổi tọa đàm: “Chúng tôi tự hỏi công chứng viên (CCV) có khả năng phân biệt giấy tờ giả hay không. Chúng tôi khẳng định có, nhưng trong khả năng, chừng mực nếu việc làm giả được thực hiện sơ sài. Còn làm giả tinh vi, sắc sảo thì chúng tôi không thể”.
Thông tin này đã khiến nhiều bạn đọc (BĐ) bất ngờ và hoang mang. BĐ Ho Ca (Đồng Nai) bức xúc cho rằng đã là CCV thì phải phân biệt được giấy tờ thật - giả. Nếu chỉ có thể phân biệt được giấy tờ giả nếu việc làm giả sơ sài, còn làm giả tinh vi, sắc sảo thì không, thì có cần CCV, phòng công chứng nữa không? BĐ Quang Trung (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi: Nếu chỉ ký tên và đóng mộc thì ai làm chẳng được.
Nói về việc CCV có phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường hay không, BĐ Lê Khanh (Hà Nội) cho rằng đã có luật Công chứng thì đó là căn cứ để xác định. CCV không thể nói là do giấy tờ được làm giả tinh vi mà không chịu trách nhiệm. Cùng quan điểm, BĐ Hoa Rừng (Hà Nội) nhấn mạnh: Công chứng hồ sơ, giấy tờ là công việc có thu phí, nên khi có sai sót do CCV gây ra thì phải bồi thường là đúng rồi. BĐ Mai Le (Khánh Hòa) thẳng thắn: Chứng giấy tờ giả thì phòng công chứng phải bồi thường, thậm chí phải đi tù, chứ sao lại nói không chịu trách nhiệm?

Nâng cao chuyên môn cho công chứng viên

Thực tế gần đây cho thấy đã xảy ra những vụ giả giấy tờ, giả mạo người công chứng để “lọt” qua cửa công chứng. Nhiều BĐ bức xúc cho rằng trước hết CCV phải nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. BĐ Hong Long (Tây Ninh) nhìn nhận: Thời thế thay đổi thì CCV cũng phải nâng trình độ lên cho kịp với thời thế.
Nên phối hợp với ngành công an tổ chức nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ CCV. Nếu bọn xấu mà giỏi hơn CCV, thì dân biết tin ai để chứng giấy tờ? BĐ Hoai Van (TP.HCM) thẳng thắn: Nghề nghiệp nào cũng cần nâng cao tay nghề để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Với công chứng, nếu không làm được thì xin nghỉ, chứ không thể nói làm giả giờ tinh vi, sắc sảo quá, CCV không phân biệt được. Nói vậy là bất lực và vô trách nhiệm đấy.
Bên cạnh đó, BĐ Mai Lê (Khánh Hòa) cũng góp ý: Tôi rất đồng ý với ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, là muốn phòng chống hành vi sử dụng giấy tờ giả thì đầu tiên CCV phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự, sau đó tự mình cứu mình bằng cách thận trọng, ôn luyện kỹ năng phát hiện giấy tờ giả mạo.
“Giấy tờ giả ngày càng tinh vi, hiện đại, thì CCV cũng phải giỏi giang, hiện đại hơn chứ? Sao lại có chuyện không phân biệt được khi anh được giao nhiệm vụ công chứng? Không phân biệt được thì xin nghỉ, xin dẹp công chứng đi”.
TranTinh (Ninh Thuận)
“Tôi đến văn phòng công chứng để chứng giấy tờ phải trả tiền, nên tôi chỉ yêu cầu CCV phải giỏi hơn bọn làm giấy tờ giả và không được tiêu cực. Đơn giản vậy thôi”.
Hoang Cong (TP.HCM)
“Người dân đến công chứng là đặt trọn niềm tin vào phòng công chứng. Nay lại nghe nói giấy tờ giả tinh vi, sắc sảo thì CCV không thể phân biệt, nghe mà rụng rời. Vậy thì có cần công chứng? Dân biết tin vào ai khi làm giấy tờ”.
Tran Van Muoi (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.