Lăng kính bạn đọc: Tỉnh táo với 'mùi' lừa đảo

04/11/2019 05:56 GMT+7

Nhiều bạn đọc thắc mắc cơ quan chức năng ở đâu mà để xảy ra các dự án ma như: Công ty CP địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện, Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina do Phạm Thị Tuyết Nhung làm giám đốc.

Thêm một “phiên bản” chuyên vẽ dự án "ma" tương tự Công ty CP địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện là Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina do Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) làm giám đốc khiến bạn đọc thắc mắc: “Cơ quan chức năng ở đâu mà để xảy ra như vậy?”.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 2.11 Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt giam Phạm Thị Tuyết Nhung để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị can này được xác định là người đứng đầu Công ty Angel Lina (trụ sở tại 22B Phùng Khắc Khoan, P.Đa Kao, Q.1) vẽ 9 dự án “ma” lừa hàng trăm khách hàng tại TP.HCM.
Kết quả bước đầu cho thấy, năm 2017, bà Nhung và những người liên quan tìm đất có diện tích lớn nằm trong quy hoạch tại TP, mà không cần quan tâm đất đó là đất ở, đất nông nghiệp hay trồng cây lâu năm… Sau khi thỏa thuận với chủ đất để mua hoặc đầu tư, nhóm của bà Nhung hợp đồng đặt cọc để tạo niềm tin, rồi thuê người vẽ dự án, đặt tên, quảng cáo sai sự thật để bán cho nhiều người dưới hình thức góp vốn, cam kết trong vòng 3 - 6 tháng sẽ giao đất cho khách hàng. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận trên 200 đơn tố cáo của người dân đối với bà Nhung, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 285 tỉ đồng.

Người mua cần nêu cao cảnh giác

Lý giải về tình trạng này, bạn đọc (BĐ) Phạm Ngọc Khánh (TP.HCM) cho rằng gần đây những kẻ lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản lợi dụng kẽ hở của luật; hình phạt nhẹ; người thực thi pháp luật không nghiêm... để tranh thủ “cơ hội vàng” tiến hành hoạt động lừa đảo. “Cơ quan chức năng ở đâu mà để như vậy?”, BĐ Hiệp Phan (Quảng Ngãi) đặt vấn đề.
Tuy nhiên, nhiều BĐ cho rằng khách hàng cũng cần nêu cao cảnh giác vì “mùi” lừa đảo trong những dự án này rất rõ, nếu tinh ý. BĐ Nghĩa Hồ (Bình Dương) viết: “Đất ở đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9 mà rao bán chỉ với giá từ 15 - 20 triệu đồng/m2 thế mà các nhà đầu tư vẫn tin thì thật khó hiểu. Họ (phía công ty triển khai dự án “ma” - PV) đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của một số nhà đầu tư”. BĐ Anh Hoài (Bình Thuận) cũng nêu quan điểm: “Đừng hỏi sao họ có thể giăng bẫy lừa đảo người dân dễ dàng như vậy, mà phải hỏi người dân sao có thể dễ dàng để bọn họ lừa đảo như vậy. Chung quy cũng vì lòng tham!”.
BĐ Tâm Bình (TP.HCM) cho rằng chưa hẳn chỉ vì lòng tham, mà do người mua chưa hiểu pháp luật liên quan đến bất động sản nhiều nên mới bị lừa. BĐ Thanh Thiên (TP.HCM) đồng quan điểm khi viết: “Không nên đổ lỗi cho người mua bởi “rất nhiều dự án bất động sản “ma”, lừa đảo có tổ chức, chào bán, phát tờ rơi khắp nơi”.

Xem lại chính quyền cơ sở

Nhiều BĐ cho rằng không ít nạn nhân của dự án “ma” là người nghèo, gom góp được ít tiền muốn mua miếng đất để dựng nhà, nay bị lừa trắng tay. “Đề nghị công an vào cuộc điều tra làm rõ”, BĐ Thanh Thiên viết. BĐ Nghiêm Thành Nhơn (Ninh Thuận) cũng kiến nghị: “Nhà nước cần xử lý nhanh và mạnh tay với loại tội phạm này. Ngoài ra cũng nên điều tra, truy tìm tận gốc rễ. Tôi không tin loại tội phạm này hoạt động đơn phương, không có sự tiếp tay của một ai đó, hoặc một tập thể nào đó”.
BĐ Trương Quốc Đại (Đồng Nai) chia sẻ, ngoài việc phải mạnh tay xử lý chủ những dự án “ma” lừa đảo, người mua cần cẩn thận khi mua đất nền, đặc biệt đối với những chủ dự án không có “tiếng”, uy tín... “Cứ pháp lý rõ ràng minh bạch, sổ đỏ cầm tay, xây dựng được liền... thì mới nên mua”, BĐ Trương Quốc Đại đúc kết.
Nên kiểm tra nơi có dự án “ma” xem lãnh đạo địa phương có chống lưng hay lợi ích nhóm hay không?
Lê Hyền (Hà Nội)
Pháp luật cần nghiêm khắc trừng trị những kẻ lưu manh, côn đồ lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp để lừa gạt người dân.
Minh Bạch (Cần Thơ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.